Hậu quả và cách xử lý tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

ANTD.VN - Là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do Báo Công an nhân dân tổ chức vào ngày 31-5, nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông; làm rõ những vấn đề bất cập trong quá trình xử lý vi phạm, để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức; Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an tham gia giao lưu trực tuyến. 

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Tổng biên tập Báo CAND thông tin, những tháng đầu năm 2019, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích; để lại hậu quả thật đau lòng - nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân hoặc có người thân phải mang thương tật suốt đời. Tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia, ma túy nói riêng đang là thực trạng nhức nhối hiện nay.

Hậu quả và cách xử lý tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ảnh 1

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Làm thế nào để giảm thiểu, hạn chế thấp nhất số vụ và hậu quả tai nạn giao thông là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cùng với các bộ, ngành chức năng và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo CSGT và các đơn vị, lực lượng tăng cường những giải pháp, biện pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, ma túy.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia

Trả lời câu hỏi của độc giả về số lượng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia trong 5 năm gần đây và giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Khuất Việt Hùng cho hay, theo báo cáo từ Cục CSGT Bộ Công an, số vụ tai nạn liên quan đến người có nồng độ cồn cao qua từng năm và chỉ tính riêng trong năm 2018 chiếm 3,36% số vụ TNGT. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội ATGT toàn cầu và Ủy ban ATGT quốc gia năm 2012, tỉ lệ những trường hợp có liên quan đến nồng độ cồn là 35,1 %... 

Tham gia giao lưu trực tuyến, TS Đỗ Mạnh Hùng cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 271 trường hợp bệnh nhân đến vì TNGT; gần đây, dịp 30-4, 1-5 bệnh viện tiếp nhận 345 trường hợp bệnh nhân do TNGT, trong đó con số tử vong và nặng về lên tới 17 bệnh nhân. 

TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức tham gia giao lưu

Tổng thể năm 2018 Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 16.000 trường hợp tử vong, qua thống kê có tới 617 trường hợp liên quan rượu bia. “Đây là những con số mang tính lát cắt ngang, trong đó con số thương vong không hề nhỏ. Khi tiếp nhận các bệnh nhân, thực sự nó như một nỗi đau của người bệnh, mỗi khi đến bệnh viện thấy người nhà bệnh nhân vật vã, đau đớn khóc, đôi lúc chúng tôi không dám nhìn. Chúng tôi thương họ vì bản thân đang khoẻ mạnh, tỉnh táo bình thường, đang trong một cuộc vui như đám cưới, sinh nhật thì đùng một cái nằm trên bàn mổ, tình trạng hôn mê. Cái làm chúng tôi day dứt, ám ảnh nhất là tiếng khóc, không nhìn cũng cảm nhận được vô cùng thương tâm” - TS Đỗ Mạnh Hùng bày tỏ. 

Hậu quả và cách xử lý tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ảnh 4

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Văn Khoa (TP Huế) về những con số cụ thể việc lực lượng CSGT xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn của lái xe, nhằm hạn chế nguy cơ TNGT từ đầu năm đến nay, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết riêng từ đầu năm 2019 đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT có nhiều chuyên đề liên quan, trong đó có chuyên đề xử lý lái xe sử dụng rượu bia trái phép được đặc biệt quan tâm và thường xuyên. Đến nay, lực lượng CSGT đã xử lý 55.000 nghìn lái xe vi phạm quy định về rượu bia.

“55.000 trường hợp vi phạm trong 6 tháng đầu năm bị xử lý, tương đương với 70% tổng số vụ năm 2018 và CSGT chỉ là khúc cuối trong vấn đề kiểm soát rượu bia, do đó tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông, nhận thức của xã hội, các chế tài có liên quan, thì mới giải quyết được tình trạng này một cách hệ thống” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhìn nhận.