Hậu quả nghiêm trọng ở trẻ nhỏ vì viêm đường tiết niệu

ANTD.VN - Viêm đường tiết niệu là bệnh dễ chữa, tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng ở trẻ nhỏ như: viêm bàng quang, viêm thận hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. 

Cha mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho con 2 lần/ngày và không nên đóng bỉm

Bệnh phổ biến thứ hai tại Việt Nam

Nước tiểu được tạo ra sau quá trình làm việc của thận, rồi được dẫn qua niệu quản, xuống bàng quang. Khi bàng quang đầy, nước tiểu được đẩy ra ngoài thông qua đi tiểu. Khi vệ sinh cơ quan sinh dục không tốt, vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào đường tiết niệu và gây viêm. 

Viêm đường tiết niệu là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê, ở Việt Nam, viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng hay gặp thứ hai, chỉ sau nhiễm trùng về hô hấp. Vì đường tiểu ở nữ ngắn hơn ở nam, nên nữ giới nói chung hay các bé gái nói riêng thường dễ mắc bệnh này.

Nếu như ở người lớn, viêm đường tiết niệu có thể phát hiện dễ dàng với các biểu hiện đặc trưng như: tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới, đau lưng… thì ở trẻ em, bệnh thường khó phát hiện hơn do các bé chưa ý thức được các triệu chứng này. Chính vì thế, những dấu hiệu cảnh báo bệnh thường bị bỏ qua hoặc bị cha mẹ  nhầm lẫn với bệnh khác. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thường được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã có những chuyển biến tiêu cực.

Có thể gây vô sinh

Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, chuyên ngành Sản khoa, giảng viên quốc gia chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản, nếu không được chữa trị kịp thời trong giai đoạn cấp, viêm nhiễm ở đường tiết niệu có thể lan sâu vào trong, dẫn đến viêm bàng quang, viêm thận, tạo sỏi ở thận. Đối với trẻ nam, đường tiết niệu cũng là đường sinh dục nên nó sẽ dẫn đến viêm đường sinh dục, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đối với trẻ nữ, viêm đường tiết niệu không được chữa trị kịp thời sẽ gây viêm âm đạo, nặng hơn là viêm cổ tử cung, tắc vòi trứng…

Mặc dù có thể gây ra những hậu quả nặng nề, thế nhưng, viêm đường tiết niệu lại rất dễ chữa. Thông thường, các bé chỉ cần uống thuốc 7-10 ngày là khỏi. Tuy nhiên, vì bệnh có khả năng tái phát cao nên cha mẹ cần theo dõi và chữa trị dứt điểm.

Theo đó, bác sĩ Hồ Mai Hoa khẳng định cha mẹ cần cho con uống thuốc đủ liều, tránh tình trạng thấy đỡ rồi nên ngừng sử dụng thuốc,  dễ gây nhờn thuốc.

Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho con 2 lần/ngày và không nên đóng bỉm. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng cần được chú ý. Cụ thể, trẻ nên được uống nhiều nước để giúp loại bớt vi khuẩn ở đường tiểu ra ngoài. Cần tăng cường các loại trái cây để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và cần đảm bảo 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin.

Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, sau quá trình điều trị, việc phòng bệnh cho trẻ cần được chú ý hơn để tránh tái nhiễm. Cụ thể, các bé cần hạn chế đóng bỉm và phải được dạy cách đi vệ sinh tự chủ. Với những trẻ lớn, sau mỗi lần đi đại tiện, phải lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào đường tiểu.

“Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho con 2 lần/ngày và không nên đóng bỉm. Trẻ nên được uống nhiều nước để giúp loại bớt vi khuẩn ở đường tiểu ra ngoài. Cần tăng cường các loại trái cây để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và cần đảm bảo 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin”.

Bác sĩ Hồ Mai Hoa (Chuyên ngành Sản khoa, giảng viên quốc gia chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản)