Hậu quả nghiêm trọng khi không điều trị vàng da cho trẻ

ANTD.VN - Vàng da sau sinh không phải là bệnh và không cần điều trị, ngay cả khi có chỉ định của bác sĩ. Quan điểm sai lầm này của nhiều người khiến sức khỏe của trẻ sơ sinh gặp nguy hiểm.

Phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý

Thời gian gần đây, trên hội nhóm của các chị em xuất hiện nhiều thông tin khuyên các mẹ không nên điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh, bởi thực chất, đây là hiện tượng sinh lý bình thường và hoàn toàn có thể chữa khỏi chỉ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ. 

Để tăng thêm độ tin tưởng và sức thuyết phục cho lý lẽ này, có mẹ đã khẳng định: con mình bị vàng da đến 3 tháng, sang tháng thứ tư  thì tự hết nhờ bú sữa mẹ hoàn toàn. Thành viên có tên L.K.Tr. còn đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ khác: “Nếu trẻ bị vàng da, bác sĩ khuyên đi chiếu đèn thì cũng không nên đi vì không có tác dụng”. 

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cần phân biệt giữa vàng da sinh lý và bệnh lý. Vàng da sinh lý là khi nó xuất hiện và tự hết trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ bị vàng da nhiều và kéo dài hơn cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, vì có thể đó là bệnh lý.

Vàng da có thể gây điếc, chậm phát triển…

Tại Nhật Bản, trẻ sơ sinh ra đời sẽ được giữ lại bệnh viện 5 ngày để theo dõi có bị vàng da hay không. Tại Mỹ, trẻ sau khi sinh sau 1 ngày sẽ được về nhà nhưng có sự theo dõi rất sát của bác sĩ gia đình để can thiệp sớm nếu trẻ bị vàng da. Lý giải về việc tại sao trẻ sơ sinh có thể bị vàng da, PSG.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thai nhi thở bằng cách nhận oxy từ hồng cầu của mẹ. Khi đó, ô-xy đi từ không khí vào bên trong hệ tuần hoàn của người mẹ sẽ di chuyển qua nhau thai và dây rốn cung cấp cho thai nhi sử dụng. Lượng khí CO2 được trẻ thải ra sẽ theo dây rốn, hệ tuần hoàn của mẹ và thoát ra bên ngoài. 

“Khi ở trong bụng mẹ, thai nhi không thở bằng phổi mà thông qua dây rốn và hệ tuần hoàn của mẹ. Do vậy, máu của trẻ sơ sinh có mức độ bilirubin cao. Khi chào đời, đây cũng là lúc trẻ tự thở bằng cơ quan hô hấp của chính mình và quá trình phân hủy hồng cầu của trẻ sẽ diễn ra ngay sau khi sinh. Quá trình phân hủy sẽ tạo ra thừa sắc tố bilirubin trong máu dẫn đến trẻ có hiện tượng vàng da. Vàng da sinh lý ở trẻ sẽ tự hết sau 7 ngày, khi gan bài tiết bilirubin nhằm cân bằng thành phần trong máu ”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khẳng định. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, hiện tượng vàng da sơ sinh ở trẻ nhỏ còn do nhóm máu không tương thích giữa mẹ và con. Chứng vàng da ở trẻ cũng có thể do nguyên nhân khác từ bệnh viêm gan và hẹp ống dẫn mật. Tình trạng này là do ống dẫn mật phát triển lệch đi so với ống dẫn mật bình thường. Cũng chính vì lý do này mà nếu không điều trị vàng da kịp thời, trẻ sẽ gặp nguy hiểm.

Cụ thể, nếu vàng da trên 7 ngày, nhiều chất bilirubin có thể thấm vào não gây hội chứng vàng da nhân não, chất bilirubin vỡ ra thấm vào máu gây bệnh, gây ra những di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng không thể phục hồi như điếc, chậm phát triển về vận động… 

Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện đầu tiên trên mặt và tiến triển theo hướng từ đầu đến chân. Trong 7 ngày sau sinh cần theo dõi liên tục mức độ vàng da của trẻ. 

Để biết trẻ có bị vàng da hay không, bạn hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường. Theo đó, hãy đưa trẻ ra nơi có ánh sáng ban ngày đủ sáng (trước cửa sổ) và quan sát từ đầu tới chân. Mức độ vàng da từ đầu tới ngực chưa đáng ngại. Khi mức độ vàng da tới bụng thì cần phải đưa trẻ đi điều trị ngay. 

Cần phân biệt giữa vàng da sinh lý và bệnh lý. Vàng da sinh lý là khi nó xuất hiện và tự hết trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ bị vàng da nhiều và kéo dài hơn cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, vì có thể đó là bệnh lý.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)