Hậu quả nghiêm trọng của hành vi làm giả giấy đi đường: Có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để được đi lại trên đường trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều đối tượng đã nghĩ ra cách làm giấy đi đường giả. Vậy hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nhiều trường hợp làm giấy đi đường giả để “thông chốt”

Khoảng 9h50' ngày 17/8, tổ công tác Y7/141, Công an TP.Hà Nội làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Trãi hướng đi Ngã Tư Sở, đã phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy trên đường có dấu hiệu nghi vấn nên đã kiểm tra hành chính. Nam thanh niên tên Nguyễn Hữu Nguyên đã xuất trình giấy đi đường do một công ty cấp. Tuy nhiên sau khi đấu tranh, Nguyên tự khai nhận đã làm giả giấy đi đường để đi lại trong thời gian giãn cách xã hội.

Người làm giả giấy đi đường sẽ bị phạt nặng

Người làm giả giấy đi đường sẽ bị phạt nặng

Trước đó, ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân cũng phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường giả để qua chốt. Ba người này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa.

Có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Văn phòng Luật Thanh Hà và cộng sự, hiện nay tình dịch dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đi lại của người dân để phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên một số người thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật đã nghĩ làm giấy tờ giả để “thông chốt” mà không nghĩ đến hậu quả rất nặng nề, có thể bị phạt tù chứ không chỉ là xử phạt hành chính. Đối với cơ quan, tổ chức cung cấp, làm giả giấy tờ chắc chắn bị xử lý hình sự.

Theo luật sư Hà, hành vi ra ngoài trong trường hợp không thật sự cần thiết, theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2021 của Chính phủ là “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, bị phạt tiền 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Người làm giả giấy đi đường có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Việc trên giấy đi đường có chữ ký thật của người đại diện, sử dụng con dấu thật của cơ quan, tổ chức nhưng cấp không đúng đối tượng là nội dung của giấy tờ này không đúng quy định của pháp luật. Người vi phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự về “Tội giả mạo trong công tác”, được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ gỉa đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Như vậy với trường hợp làm giả giấy đi đường, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm làm giả, cấp sai đối tượng về giấy đi đường, tương ứng vào tội “Làm giả mạo trong công tác”; “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, sẽ có mức xử lý phù hợp.