Hậu quả đáng lo ngại sau vụ "cướp tàu" hy hữu của nhóm người di cư Libya khốn cùng

ANTD.VN - Nếu những người trong nhóm 108 người di cư châu Phi và Trung Đông nghĩ rằng việc cướp chiếc tàu giải cứu họ hữu ích thì họ đã sai lầm nghiêm trọng. Sự việc không chỉ kết thúc bằng cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm của Malta ngày 28-3 mà còn dẫn đến viễn cảnh từ giờ trở đi, gần như chắc chắn rằng sẽ không có chiếc tàu dân sự nào tới gần một chiếc thuyền di cư đang chìm.

Hậu quả đáng lo ngại sau vụ "cướp tàu" hy hữu của nhóm người di cư Libya khốn cùng ảnh 1Lực lượng đặc nhiệm Malta khống chế những người di cư đã giành quyền kiểm soát con tàu đã cứu sống chính họ

Cuộc nổi dậy của nhóm người di cư khốn cùng

Cuộc giải cứu bau đầu là tình huống quen thuộc trên các tuyến hàng hải giữa bờ biển Libya và châu Âu. Một chiếc tàu bằng gỗ chở 108 người, trong đó có 19 phụ nữ và 12 trẻ em di cư từ vùng Tiểu Sahara đã kêu cứu tại vùng biển ngoài khơi Libya sau khi những kẻ buôn lậu bỏ đi. 

Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã trả lời một cách khó hiểu rằng họ “không nhiệm vụ” nên Cảnh sát biển Italia đã phát tín hiệu khẩn cấp cho tàu cứu hộ gần nhất trong khu vực. Thủy thủ đoàn tàu chở hàng El Hibru 1 của Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời là họ có nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn theo Luật Hàng hải năm 1910. Sau đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya liên lạc, thông báo với tàu Thổ Nhĩ Kỳ đưa những người di cư quay lại cảng gần nhất ở Libya.

Nhưng theo một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Malta, 5 người trong số những người di cư đã nổi dậy và chiếm quyền kiểm soát, giống như một cảnh trong phim về hải tặc Somalia ở ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi. Theo thủy thủ tàu cứu hộ, tất cả những người di cư khi đó đã phản đối quay lại Libya, nhiều người còn dọa sẽ nhảy xuống biển nếu tàu quay trở lại. Những người này trước khi lên được tàu có thể đã bị giam trong các nhà tù Libya nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. 

Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn mất điều khiển tàu, lại liên tục bị ép buộc và đe dọa nên họ không còn sự lựa chọn nào khác là theo lệnh của nhóm người di cư. Sau đó con tàu chuyển hướng đến Malta, đi ngang qua đảo Lampudesa của Italia sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ vốn có quan điểm chống nhập cư Matteo Salvini dọa sẽ có hành động quân sự đáp trả nếu tàu đi vào vùng biển Italia. 

“Đây không phải là những người di cư gặp nạn, họ là cướp biển” - ông Salvini tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội và cảnh báo rằng - “Các người sẽ chỉ nhìn thấy Italia qua kính viễn vọng”.

Tới bình minh, tàu chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến vùng biển của Malta, nơi nó đã được lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đầy đủ vũ trang áp sát và khống chế những người di cư không có vũ khí trong tay. Con tàu được hộ tống bằng trực thăng bố trí sẵn lính bắn tỉa đến cảng quân sự ở Thủ đô Valletta, nơi có đoàn xe chờ sẵn đưa những kẻ cướp tàu vào trại giam. Khi tàu cập cảng khoảng 9h sáng 28-3, những người di cư lần lượt được binh sĩ đưa xuống.

Vẫn “nóng” cuộc khủng hoảng người di cư

Trong số người này, chỉ có 5 người đàn ông bị bắt giam vì được nhà chức trách Malta xác định là chủ mưu một vụ “cướp tàu” hy hữu trong lịch sử. 103 người còn lại được coi là người xin tị nạn thực sự và sẽ được xử lý theo quy định. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italia Salvini tỏ ra tức giận trên phương tiện truyền thông xã hội, gọi họ là “tội phạm” và tất cả nên được đưa thẳng trở lại Libya. 

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố rằng chương trình kiểm soát biên giới mang tên Sophia, vốn đã giải cứu tới 10.000 người di cư trong những năm gần đây, sẽ dừng việc cứu hộ và chỉ thực hiện các cuộc tuần tra trên không để cảnh báo những chiếc thuyền di cư đang cố gắng xâm nhập lãnh hải châu Âu. Sẽ không rõ liệu người gặp nạn sẽ gọi cho ai và ai có trách nhiệm trả lời nếu người di cư gặp nguy hiểm trên biển. 

Tuy nhiên, cũng có không ít người đồng cảm với hành động của những người di cư. “Chúng ta phải nhìn vào 108 con người này bằng con mắt nhân văn và hiểu rằng bất kỳ hành động nào của họ cũng chỉ là để tự vệ trước chính sách biên giới vô nhân đạo của châu Âu”, ông Julian Bayer, Chủ tịch tàu cứu hộ Đức Sea-Watch, một trong những tàu cứu hộ của tổ chức phi Chính phủ còn hoạt động trên biển.