Hậu ‘phụ huynh cứng’: Mạng xã hội không thể "nuốt chửng" báo chí!

ANTD.VN - Câu chuyện về vị phụ huynh ‘cứng’ phản đối khoản thu bảo hiểm học sinh ở Trường Tiểu học Hà Nội đã khép lại. Nhưng dư vị mà câu chuyện này để lại vẫn khiến chúng ta phải trăn trở, vì một vấn đề không có gì to tát song có thể gây “bão” mạng, và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ báo chí, sự việc có thể bị đẩy đi tới đâu, khó ai biết trước được. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và rất thú vị với nhà báo Lê Hồng Kỹ, một cây bút giàu kinh nghiệm và cũng là chuyên gia truyền thông được nhiều người biết tới.

Hiện nay, nhà báo Lê Hồng Kỹ đang là Tổng Thư ký tòa soạn phụ trách các chuyên trang của Báo Pháp luật & Xã hội, đồng thời là Giám đốc nội dung của các trang thông tin điện tử tổng hợp Việt Nam Mới và VietnamBiz.

Anh đã trả lời thẳng thắn trước những câu hỏi của PV Báo ANTĐ về thực trạng mạng xã hội (MXH) hiện nay tại Việt Nam, cũng như vai trò của báo chí trước sự biến tướng ngày càng lớn của loại hình cộng đồng trực tuyến này.

Xin cảm ơn nhà báo Lê Hồng Kỹ đã nhận lời trao đổi với PV của Báo ANTĐ. Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc một vấn đề tưởng như rất đơn giản nhưng lại thu được “bão like” trên MXH, trong vụ “phụ huynh cứng” và Trường Tiểu học Hà Nội vừa qua?

- Chưa bàn đúng – sai trong sự việc tại trường Tiểu học Hà Nội, tôi cho rằng có 2 nguyên nhân có thể giải thích cho hiện tượng này:

Một là tâm lý đám đông được nuôi dưỡng bởi mạng xã hội. Trong đó, số đông vốn dĩ luôn hiếu kỳ và dễ dàng đưa ra lời phê phán với một sự vật, hiện tượng. Đó là tâm lý chung của con người, những đề tài phê phán bao giờ cũng cuốn hút, và đưa ra lời phê phán bao giờ cũng dễ dàng hơn là nhìn nhận thấu đáo.

Tâm lý đó được cộng hưởng trong môi trường mạng xã hội, nơi mà mọi người có thể tương tác với nhau một cách tức thì, nhanh chóng, chỉ bằng một cái bàn phím. Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin trong một trạng thái vội vã (cả người truyền tin và người tiếp nhận tin), nên xu hướng phê phán, mạt sát, thóa mạ càng trở nên dễ dãi hơn. Bởi chúng ta đang bội thực thông tin, không muốn dành quá nhiều thời gian và suy nghĩ cho một thông tin, nên chúng ta có thiên hướng tin vào cảm xúc đầu tiên mà chúng ta tiếp nhận, đặc biệt là khi xung quanh đó là vô số những bàn tán theo chiều hướng tiêu cực.

Thứ hai, điều đó cũng phần nào cho thấy những ấm ức sẵn có trong mỗi chúng ta, vốn bị ám ảnh bởi những gánh nặng thuế phí và các khoản thu.

Nhà báo Lê Hồng Kỹ chia sẻ quan điểm sau vụ "phụ huynh cứng" gây ồn ào MXH

Rất nhiều người không cần tìm hiểu vấn đề đã vội vã “kết tội” nhà trường, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ vị phụ huynh. Theo anh, đây có phải là vấn đề chung ở MXH Việt Nam hay không, khi mà người dùng dễ dãi tiếp nhận thông tin mà không chịu tìm hiểu, phân tích?

- Chính xác đó là một vấn đề chung, một thực trạng chung, nguyên nhân như tôi đã nói trên. Tôi rất đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) mới đây, khi cho rằng mạng xã hội đang làm tha hóa hành vi, lời nói của chúng ta.

Mấu chốt nằm ở chỗ, tâm lý muốn trở nên nổi bật là một bản năng của con người, cộng với việc cả người truyền tin lẫn người tiếp nhận thông tin đều dành quá ít thời gian để suy nghĩ, phân tích thấu đáo về một sự việc.

Nhưng cũng phải nói thêm, không phải tất cả những người phê phán đều tin vào điều họ phê phán. Có thể họ vẫn hiểu bản chất sự việc, nhưng tâm lý cho rằng mạng xã hội là nơi “không phải chịu trách nhiệm” đã khiến họ dễ dãi hơn với những phát ngôn. Họ cho phép mình phê phán, nhiếc móc, thóa mạ như một cách để giải tỏa những ấm ức khác trong cuộc sống.

Qua sự việc vừa qua, khi các báo vào cuộc và khai thác thông tin đa chiều để cung cấp góc nhìn thực chất cho độc giả, anh thấy vai trò của báo chí như thế nào trong bối cảnh MXH được “ca tụng” là có thể thay thế báo chí?

- Tôi chưa bao giờ tin mạng xã hội có thể thay thế báo chí. Cũng chưa bao giờ lo lắng mạng xã hội sẽ nuốt chửng báo chí.

Báo chí và mạng xã hội khác nhau ở một điểm cơ bản: báo chí cung cấp thông tin tới người dùng, còn mạng xã hội là nơi người dùng cung cấp thông tin và quan điểm cho nhau. Như vậy, có thể hiểu báo chí là những nguồn tin “có tóc”, còn tin tức từ những cá nhân (thật và ảo) trên mạng xã hội là những tin tức “trọc đầu”.

Báo chí là những cơ quan thông tin, có bộ máy, có phương tiện, có chức năng nhiệm vụ và được đào tạo để xác minh thông tin. Báo chí cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà họ đưa tới công chúng. Vì vậy, bản thân báo chí đã là những bộ lọc thông tin gồm nhiều lớp lọc để có thể đảm bảo tính chính xách của thông tin.

Tôi không nói báo chí không có sai sót. Không có nghề nào trên đời không có sai sót. Nhưng rõ ràng giữa một bên là những người đưa tin chuyên nghiệp và phải chịu trách nhiệm, với những “nhà báo nghiệp dư” và coi việc truyền tin như một thú vui “ít chịu trách nhiệm”, thì tin tức của cơ quan báo chí đáng tin cậy hơn. Chính sự đáng tin cậy tạo nên sự khác biệt và sức sống của báo chí trong thời đại mạng xã hội đang trở thành phương thức truyền tin phổ biến nhất.

Theo anh, nhà báo hiện nay chịu những ảnh hưởng tích cực/tiêu cực gì từ MXH? Làm sao để phát huy tốt vai trò khách quan, phản biện của báo chí?

- Có 2 điểm tích cực và vô vàn điểm tiêu cực. Tích cực là: mạng xã hội đang trở thành “nhân mối” quý giá để giúp nhà báo phát hiện thông tin ban đầu, và mạng xã hội cũng là phương tiện truyền tin hữu hiệu để nhà báo đưa thông tin rộng rãi tới công chúng.

Còn tiêu cực, rất nhiều và tai hại, nhưng rốt cục cũng do nhà báo và tòa báo. Chúng ta tin và nói theo những gì chúng ta nhìn thấy trên mạng xã hội và không thực hiện thiên chức cốt lõi của nhà báo là xác minh thông tin thì mạng xã hội sẽ, trực tiếp và gián tiếp, giết chết báo chí.

Muốn khách quan, muốn phản biện hay muốn có một bài báo hay thì việc trước tiên chúng ta phải tìm được sự thật. Chất lượng nhân lực, phương tiện, ý thức nghề nghiệp quyết định điều đó.

Nhà báo Lê Hồng Kỹ: "Báo chí cũng thế, mạng xã hội cũng thế, ngành nghề nào cũng thế, môi trường nào cũng thế, những người chậm thay đổi sẽ là những người thua cuộc"

Anh có kiến nghị hay đề xuất gì đối với cơ quan quản lý thông tin để những thông tin trên MXH trở nên “giá trị”, chuẩn xác hơn?

- Tôi không kiến nghị ngăn chặn, hạn chế mạng xã hội. Điều duy nhất tôi kiến nghị là cần siết chặt việc thực thi pháp luật đối với các hành vi, phát ngôn thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội giống như trong đời thực. Muốn làm được việc đó, điều kiện cần là các cơ quan quản lý cấp quốc gia phải làm việc với các công ty sở hữu mạng xã hội để đảm bảo rằng mỗi tài khoản trên mạng xã hội là một con người thật bằng xương bằng thịt. Pháp luật có chế tài với các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự - nhân phẩm, làm nhục người khác, thì cũng có thể có chế tài đối với các hành vi mang tính chất tương tự trên mạng xã hội.

Về mặt công nghệ, không phải các mạng xã hội không xác minh được tính chính danh của người dùng, vấn đề là họ có sẵn sàng làm hay không, vì các bước xác minh được xem là trở ngại có thể dẫn đến hạn chế việc tăng trưởng và duy trì người dùng.

Anh có lời khuyên gì cho người dùng MXH, để họ thực sự trở thành một “người dùng internet thông minh”, tránh những hiểu lầm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng?

- Sự tự giác là một điều xa xỉ với số đông. Chỉ cần thực thi pháp luật nghiêm khắc và chặt chẽ, chúng ta sẽ trở nên thông minh hơn. Bởi khi đó, sự thiếu thông minh có thể trả giá bằng những chế tài dân sự, thậm chí hình sự.

Nhiều người dùng internet hiện nay cho rằng bản thân họ đã “làm chủ” sức mạnh lan tỏa của MXH, nên có bất kỳ vấn đề gì, chỉ cần quay phim, chụp ảnh và đưa lên là đã “tạo được luồng dư luận”. Là một chuyên gia truyền thông, anh đánh giá gì về hiện tượng này?

- Đó là suy nghĩ có thật. Thực ra, nó cũng có điểm tích cực là mạng xã hội đã giúp người dân dễ dàng hơn trong việc thực hiện quyền giám sát, góp phần thúc đẩy sự minh bạch của xã hội. Người dân có quyền phản biện, giám sát, quyền lên tiếng. Nhưng người dân, cũng là người dùng mạng xã hội, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi, phát ngôn của mình. Mạng xã hội hay ngoài đời thực chỉ là những môi trường khác nhau, còn chỉnh thể thì vẫn là câu chuyện của tự do ngôn luận và trách nhiệm của mỗi người trước hành vi của mình.

Chỉ là một việc đơn giản, song vụ "phụ huynh cứng phản đối Trường Tiểu học Hà Nội" đã gây "bão" mạng thời gian qua

Anh nhìn thấy cơ hội và thách thức gì của báo chí khi MXH ngày càng “cồng kềnh” và giàu sức mạnh như vậy?

- Tôi thấy cơ hội nhiều hơn. Như tôi nói, mạng xã hội vừa là “nhân mối”, “thông tin viên”, “cộng tác viên” của báo chí trong việc phát hiện các thông tin mới. Mạng xã hội, với hàng chục triệu người dùng thường xuyên tại Việt Nam, cũng là nền tảng truyền tin số 1 để giúp báo chí đưa thông tin của mình tới công chúng.

Ngoài ra, trong bối cảnh thông tin “rác” ngày càng thừa mứa, thì nhu cầu được tiếp cận thông tin xác tín càng trở nên bức thiết hàng ngày hàng giờ. Đấy là cơ hội của những tờ báo.

Thách thức cũng rõ ràng, nhưng thách thức luôn là cơ hội của những người giỏi. Nếu nhà báo không giỏi, cơ quan báo chí không giỏi thì trong môi trường nào, trong cơ chế nào họ cũng sẽ rơi rụng dần theo quy luật đào thải, chứ không phải báo chí chết vì mạng xã hội.

Báo chí cũng thế, mạng xã hội cũng thế, ngành nghề nào cũng thế, môi trường nào cũng thế, những người chậm thay đổi sẽ là những người thua cuộc.

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!