Hậu họa sau cơn lốc mang tên “chơi họ”

ANTĐ - Thời gian gần đây, những vụ việc, vụ án đau lòng có liên quan đến “chơi họ” xảy ra liên tiếp. Bão “họ” làm ly tán tình thân, phá vỡ hạnh phúc gia đình, nợ nần chồng chất và giết người. Điều này cho thấy “cơn lốc” mang tên “chơi họ”, “vay họ”, “bốc họ” đang lan rộng, gây bức xúc dư luận. 

Đối tượng Hoàng Văn Lý tại cơ quan công an

Tiền mất tật mang

Dưới nhiệt độ lạnh hơn 10o C, chị gái tôi ôm tôi vào lòng, nghẹn lời thủ thỉ: “Em ạ. Khi còn nhỏ, chị nhớ năm nào đến những ngày cuối năm, từ sáng sớm cha đã đưa bốn chị em mình sang gửi nhà bà ngoại, và dặn đến tối chị dẫn các em về nhà. Nhưng mới xế trưa, chị đã dẫn các em rón rén về nhà. Cảnh tượng đầu tiên, em còn nhớ chứ? - Là hai người phụ nữ vẻ mặt đầy giận dữ, không ngớt quát tháo: “Giờ tính sao? Có trả nợ cho tôi không, định xù chắc…”. Mẹ đứng rúm ró trong góc nhà, gương mặt sợ sệt, còn cha chỉ biết xuống giọng năn nỉ xin khất lại năm sau. Sau khi chủ nợ về, cha mẹ thường cãi vã nhau kịch liệt. Trong lúc to tiếng, chị em mình mới nghe thấy mẹ khóc kể về các khoản nợ nần mà mọi nguyên nhân đều xuất phát từ việc mùa màng thất bát, cơm áo nuôi bốn con nhỏ. Khi đó, chị mới biết lý do tại sao những ngày cuối năm, cha thường bắt chị dẫn các em đi chơi cả ngày ở nhà bà ngoại. Cha không muốn chị em mình chứng kiến cảnh cha mẹ bị chủ nợ xỉ vả và càng không muốn các con nhìn thấy cảnh cha mẹ to tiếng với nhau. Dù những ngày trước đó như một cơn ác mộng với cha mẹ nhưng đêm giao thừa nhà mình vẫn đầy ắp niềm vui. Chị em mình hào hứng quây quần bên nồi bánh chưng hay hít hà khi mẹ bưng những chén chè nếp lên cúng tổ tiên…”.

Nói đoạn đến đó rồi chị gái tôi khóc rưng rức: “Còn đời chị, sau gần 40 năm, đã có gia đình riêng, không biết năm nay gia đình chị có Tết không nữa?”. Tôi bảo chị nói quở, chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm, 2 tháng nữa là Tết rồi. “Đơn ly hôn anh đang để trên bàn kia kìa và luôn miệng giục chị ký vào”, chị nghẹn lời bảo. Tôi thực sự ngạc nhiên, gặng hỏi: “Sao lại ra nông nỗi này hả chị?”. “Thì hậu quả của việc… chơi họ đấy”, chị buồn bã đáp. Rồi chị kể cho tôi nghe bi kịch chua xót của gia đình chị, mà nguyên nhân tất cả chỉ vì muốn sinh lời từ việc “chơi họ”. Chuyện là cách đây 1 năm vì muốn mua cho con trai chiếc xe máy, chị tham gia vào một “họ vàng” trong xóm. Họ gồm 10 người, quay vòng 2 năm rưỡi, mỗi người đóng góp 2 chỉ vàng, tương đương với 4 triệu đồng lúc bấy giờ. Theo bốc thăm chị đứng vị trí số 1 nên được hốt liền (tức là nhận tiền đầu tiên) với số vốn là 2 cây vàng, tương đương 40 triệu đồng. Bù lại cứ 3 tháng một lần chị phải trả 2 chỉ vàng cùng với 200.000 tiền lãi với người hốt kế tiếp. Thế nhưng mọi chuyện đâu có xuôi chèo mát mái như tính toán của chị. Khi giá vàng lên giá, nhiều người trong đó có cả gia đình chị phải quay cuồng lo cho đủ số vàng để đóng họ. Thôi thì “lỡ đâm lao thì phải theo lao”, chị không thể bỏ dở việc góp họ bởi nếu bỏ giữa đường, khoản tiền họ bỏ ra xem như mất trắng. Chị cũng thuyết phục chồng xoay xở. Tháng nào vợ chồng chị cũng phải còm lưng làm việc, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc chỉ mong làm đủ tiền mua vàng để đóng họ. Thậm chí, chị còn “nhờ” chồng vay 5 chỉ vàng của mẹ chồng. Số vàng này vợ chồng chị đến nay vẫn chưa trả được, khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của chị có phần bị rạn nứt…

Nhưng khó khăn không chỉ dừng ở đó, vợ chồng chị “chết đứng” khi… “bể họ”. Vậy là bao nhiêu năm tích cóp, ăn không dám ăn, đùng một cái mất cả mấy chục triệu. Cả nhà nhìn nhau khóc mà không biết làm thế nào. Nợ nần thì vẫn còn đó. Những mối quan hệ trong gia đình thì rạn nứt. Từ chỗ vợ chồng mới lục đục, nay anh chồng đòi ly dị bằng được. Chị cố gắng líu kéo, nhưng kể từ khi đó, ngày nào về đến nhà anh cũng chìm trong ma men rượu. Rồi mỗi lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, anh lại chì chiết chị vì tội… “chơi họ”. Hầu hết những việc đau lòng ấy đều diễn ra trước mặt 2 đứa con. Nghe chị kể, tôi vừa giận vừa thương. Giận vì chị quá nhẹ dạ cả tin. Thương vì gia đình chị đang phải đối mặt với nợ nần và chênh vênh trên bờ vực tan vỡ một mái ấm gia đình không còn như trước kia.

Những vụ giết người vì “bùng họ”

Tối 7-10 vừa qua, do không đòi được tiền “chơi họ” trước đó, Hoàng Văn Lý, 53 tuổi, ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã xảy ra mâu thuẫn với Trần Văn Ảnh, 32 tuổi, trú cùng xã, và dùng dao đâm chết ông Trần Văn Mừng, 59 tuổi là bố Ảnh. Ngay trong đêm, được sự vận động của CAH Đan Phượng, đối tượng gây án là Hoàng Văn Lý đã đến cơ quan Công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, từ đây nguyên nhân vụ việc được làm sáng tỏ. Được biết, đối tượng Lý và vợ là bà Trần Thị Tân (52 tuổi) đều là những người lao động chân chính, cả ngày họ quần quật gánh gạch nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho mấy miệng ăn. Dạo đó, trong xã có phong trào “chơi họ”, bàn đi tính lại, vợ chồng ông Lý, bà Tân quyết định tham gia một bát họ, định bụng khi lấy được tiền sẽ sửa sang lại căn nhà đang ở cho khang trang hơn.

Vì thế, mỗi tháng họ đều tằn tiện tích cóp, đều đặn nộp cho Trần Văn Ảnh (32 tuổi, con trai ông Mừng) khoản tiền là 800.000 đồng, tổng số tiền họ đã nộp cho Ảnh là hơn 10 triệu đồng. Đến hạn lấy tiền, ông Lý nhiều lần gặp Ảnh đòi lại khoản tiền đóng họ nhưng Ảnh khất lần không trả. Ông Lý và vợ nhiều lần đến nhà Ảnh đòi tiền, nhưng Ảnh đều đưa ra các lý do để chây ỳ, khất lần không trả. Mâu thuẫn dồn nén lên đến đỉnh điểm, ông Lý liền vác dao sang nhà Ảnh với mục đích đe dọa đòi tiền. Ông Lý yêu cầu Ảnh trả lại toàn bộ số tiền gốc, ông không lấy tiền lãi nhưng Ảnh tiếp tục từ chối. Thấy ông Lý và Ảnh to tiếng với nhau, ông Mừng từ trong nhà đi ra, bênh con trai cũng nói rằng không có tiền để trả. Sau đó, ông Mừng lại thách thức ông Lý… Trong lúc tức giận, thiếu kiềm chế ông Lý liền dùng dao đâm vào ngực ông Mừng, khiến nạn nhân tử vong. Vụ án thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ đi kèm với “cơn lốc” mang tên “chơi họi”, “bốc họ”.

Trước đó liên quan đến cơn lốc mang tên “chơi họ” này cũng đã có nhiều vụ việc đau lòng tương tự xảy ra. Như vụ hai đối tượng Lê Trọng Nghĩa, 31 tuổi, ở quận Cầu Giấy và Lương Quang Thạc, 32 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng khi thấy anh Nguyễn Minh D. không trả đủ số tiền 30 triệu đồng mà trước đó đã vay, “bốc họ” của mình đã dùng súng bắn chết anh D. tại khu vực trước cổng Trung tâm thương mại Parkson quận Đống Đa, Hà Nội.

Ngăn chặn khi chưa muộn

Thời gian trở lại đây, vì hám lợi của nhiều người dẫn đến việc hoạt động “chơi họ”, “vay họ” diễn ra phổ biến. “Chơi họ”, “vay họ” hay “bốc họ” là cụm từ ám chỉ việc cho vay, cầm cố tài sản theo dạng tín chấp. “Chủ họ” thường là dân “anh chị” trong xã hội, thu gom nhiều đàn em là những đối tượng không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự, dám làm liều để khi cần “thu họ” sẽ nhập cuộc tham gia. Mặt khác để hợp thức hóa hoạt động cho vay theo kiểu tín chấp dạng này cũng như nhằm “né” lực lượng chức năng, nhiều dân anh chỉ còn thuê cửa hàng, mở tiệm cầm đồ có địa chỉ cố định. Tìm hiểu sâu về vấn đề này tại một số tỉnh thành được biết, chủ “họ” - người cho vay thường định trước một thời hạn cố định cho người “vay họ”, “bốc họ”. Lãi suất vay do hai bên thỏa thuận dao động từ 3,5% - 12%/tháng nhưng trong giấy tờ chỉ là vay bình thường, không ghi mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận. Để vay được tiền thì người vay phải làm hợp đồng bán tài sản thường là bất động sản thay vì làm hợp đồng vay tiền và người vay chỉ được vay trị giá 70% đến 80% trị giá tài sản. Nếu quá hạn mà người vay không thanh toán thì chủ cho vay sẽ thanh lý tài sản, người vay phải làm giấy sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản cho chủ “họ”. Đồng thời, khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì chủ cho vay làm giấy chốt nợ cũ để lập hợp đồng mới - tức mở “bát họ” mới. Sau mỗi lần chốt nợ thì hợp đồng cũ hết hiệu lực và làm phát sinh hợp đồng mới. Hợp đồng mới bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ…

Thiết nghĩ, để có biện pháp ngăn ngừa “sóng ngầm” mang tên… “vay họ”, “hụi họ”, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTATXH cần phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương căn cứ vào kết quả khảo sát kiên quyết không cấp giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cá nhân không đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: Dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, hoạt động cho vay nặng lãi nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật để lập hồ sơ xử lý nghiêm theo pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan. Có như vậy “cơn lốc” mang tên “chơi họ”, “bốc họ” mới đạt được hiệu quả hữu hiệu, số vụ việc đau lòng mới được đẩy lùi.

“Họ, hụi, biêu, phường” là gì cho bạn hiểu. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở cùng nhau thỏa thuận của một nhóm người cùng tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức đóng góp họ và hình thức lĩnh họ cũng như quyền và nghĩa vụ của nhóm thành viên, và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, việc chơi họ đó không nhằm mục đích cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của người khác.