Hầu hết di tích khảo cổ đã bị xóa sổ

ANTĐ - Đó là khẳng định của PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam tại Hội nghị Thông báo về khảo cổ học lần thứ 48 tổ chức sáng qua, 26-9 tại Hà Nội. 

Khảo cổ học dưới nước vẫn chưa thực sự được chú trọng 

Phát hiện thêm nhiều dấu vết mới

Tại Hội nghị, TS Bùi Văn Liêm - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổng kết những hoạt động nổi bật của khảo cổ Việt Nam trong năm 2013 với nhiều kết quả đáng chú ý. Trong đó, tháng 8 vừa qua, Viện Khảo cổ học cùng Sở VH-TT&DL Lạng Sơn đã tiến hành khai quật hang Cốc Mười (hang Bãi Đá), Lạng Sơn. Kết quả phân tích cho thấy lớp thạch nhũ ở đây có tuổi cách ngày nay tới 114.000 năm, là một trong số rất ít các di chỉ cổ sinh học có trữ lượng hóa thạch lớn, có thể tiếp tục khai quật và nghiên cứu.

Tại cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), vào tháng 4-2013, các nhà khảo cổ học Việt Nam - Nhật Bản đã phát hiện 146 ngôi mộ cùng hàng nghìn di vật đá, mảnh gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể khác nhau. Những hiện vật thu được đã góp phần nghiên cứu chuỗi phát triển văn hóa Đa Bút trong thời đại đá mới Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, giới khảo cổ đã có những hoạt động cụ thể phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản, điển hình là những công trình khai quật, nghiên cứu ở hang Con Moong (Thanh Hóa), Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích Ba Thê - Óc Eo (An Giang)… 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tại Hội nghị, PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đưa ra một con số đáng báo động: 80-90% di tích khảo cổ học của thời đại kim khí đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nếu không có giải pháp, các di sản khảo cổ học quý giá sẽ biến mất trước tốc độ đô thị hóa đang ngày một nhanh chóng hiện nay. 

Bỏ trống khảo cổ dưới nước

Một nội dung được các nhà nghiên cứu quan tâm đó là khảo cổ học dưới nước hiện vẫn là một “khoảng trống” đáng ngại trong hoạt động khảo cổ học Việt Nam. Phải tới năm 2009, Viện Khảo cổ học mới có hoạt động nghiên cứu diện mạo, giá trị bãi cọc tại di tích Bạch Đằng (xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh). Đây được coi là bước khởi đầu, đặt nền móng thúc đẩy ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Tống Trung Tín, cho đến nay, khảo cổ học dưới nước vẫn đang ở trong tình trạng không có người, không kinh phí và không cơ sở vật chất kỹ thuật, cho dù đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng, mới mẻ, hấp dẫn. Ông viện dẫn, vào năm 2012, chỉ thăm dò 20km thương cảng Vân Đồn, Quảng Ninh đã phát hiện được hàng chục vị trí nghi có tàu đắm.

Trục vớt hay để lại nguyên vẹn vẫn là những câu hỏi đặt ra, nhất là sau những sự việc xảy ra đối với những con tàu cổ tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mới đây, ngày 16-8, một số ngư dân xã Bình Châu đã phát hiện và trục vớt trái phép cổ vật tàu đắm tại vùng Châu Thuận Biển. Ngay sau đó các cơ quan chức năng đã triển khai bảo vệ và thu được một số hiện vật bị vỡ gồm chén, đĩa, đồ gốm, nhờ vậy đã xác định được con tàu có niên đại vào thế kỷ 13. Việc nhận thức giá trị cũng như đưa ra phương án bảo tồn hợp lý, kịp thời cho những “kho báu” dưới đại đương đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực cũng như nhiều thử thách. Nếu được chú trọng phát triển đúng hướng, khảo cổ học dưới nước sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch biển cũng như thúc đẩy nghiên cứu lịch sử, tìm ra thêm những bằng chứng quan trọng xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tiếp tục thăm dò, khai quật tàu cổ Châu Thuận Biển

Để tránh việc ngư dân khai thác trái phép cũng như bảo vệ tàu cổ khi mùa biển động đang đến gần, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã chỉ định Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tiếp tục khảo sát, thăm dò, khai quật con tàu cổ bị đắm được phát hiện tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đây là con tàu đắm cổ nhất được khai quật trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay, với niên đại được xác định từ thế kỷ 13.