Hầu hết các mức học phí sẽ giảm

ANTĐ - Chiều 6-7, HĐND TP Hà Nội đã họp báo giới thiệu nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV. Theo đó, kỳ họp lần này sẽ bàn bạc, quyết định rất nhiều nội dung liên quan tới đời sống dân sinh thành phố.

Học phí điều chỉnh theo hướng giảm ở khu vực nội thành

Theo ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Kỳ họp thứ 5 kéo dài 4 ngày, từ 10 tới 14-7 với nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, HĐND TP sẽ cho ý kiến vào 6 quy hoạch quan trọng gồm: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Quy hoạch thoát nước, thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch GT-VT đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch đến năm 2020, định hướng 2030.

Ngoài ra, HĐND TP cũng thảo luận và xem xét Tờ trình về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân TP Hà Nội; Nghị quyết về đặt tên đường phố và Nghị quyết về Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2012-2015. 

HĐND TP sẽ dành nửa ngày (sáng 12-7) để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ông Lê Văn Hoạt cho biết, hiện nay, các cơ quan liên quan vẫn đang tập hợp ý kiến cử tri và các đại biểu HĐND TP để lựa chọn nội dung cho phiên chất vấn. Dự kiến, các nội dung đưa ra sẽ là các vấn đề nóng nhất được đông đảo dư luận và cử tri quan tâm hiện nay như công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng; xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, quản lý nhà chung cư hay thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ... “Người dân rất quan tâm việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, nhà xây không phép, sai phép. TP đã từng làm rất quyết liệt nhưng sau thời gian lắng dịu, tình hình vi phạm gần đây đã tái diễn khá nhiều...” - ông Lê Văn Hoạt nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo An ninh Thủ đô về điều chỉnh các mức học phí với trường công lập, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội (HĐND TP) cho biết, TP xem xét mức học phí lần này với 2 mục tiêu. Thứ nhất, Hà Nội sẽ thống nhất các mức thu học phí trên toàn thành phố. Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính tới nay, TP vẫn thu với 4 mức khác nhau ở các địa bàn trước sáp nhập (ở Hà Nội (cũ), Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình). Thứ hai, TP phải thực hiện thu học phí mới theo Nghị định 49/CP của Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Thùy nói: “Văn bản này ban hành từ năm 2010. Thời điểm đó, UBND TP cũng đã dự kiến mức học phí mới thực hiện Nghị định này nhưng vì một số lý do khác nhau, trong đó, có yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, các mức học phí mới chưa được đưa ra thảo luận”. 

Về các mức thu cụ thể, bà Nguyễn Thị Thùy cho biết, đa số các mức học phí mới giảm so với trước đây. Chẳng hạn, với khối giáo dục mầm non, tại các quận nội thành Hà Nội (cũ) và Hà Đông trước đây thu 80.000 đồng và 70.000 đồng/cháu/tháng thì nay giảm xuống còn 40.000 đồng/cháu/tháng. Một số khu vực khác giữ nguyên và cá biệt vài nơi học phí có tăng, nhưng không đáng kể. Ví dụ, các cháu hệ mầm non ở Mê Linh trước đây chỉ thu 7.000 đồng/tháng thì nay tăng lên mức 20.000 đồng/tháng, thống nhất với các khu vực nông thôn khác của TP. “Đây là mức thấp nhất quy định tại Nghị định 49/CP, không thể thấp hơn được nữa” - bà Nguyễn Thị Thùy nói.

Cũng theo Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP chỉ xem xét học phí với trường công, còn với các trường tư thục, pháp luật quy định nhà trường và phụ huynh học sinh tự thỏa thuận mức học phí, tùy theo điều kiện cụ thể. Đương nhiên, các trường này nên công khai mức học phí để người dân có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình.