Hậu cháy, ngay ngáy lo nhà sập

ANTĐ - Sáng 27-8, một ngày sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại khu nhà gỗ C8, rộng 500m2 ở đường Hồng Hà, Chương Dương, PV ANTĐ đã trở lại hiện trường.

Cháy nhà gỗ là việc được dự báo trước

Sống trong bóng tối

Chị Thân Thị Hiên - cư dân sống trong khu nhà gỗ B7, lom khom lau dọn đồ đạc ám khói đen kịt do ảnh hưởng của vụ cháy nhớ lại: “Mới xảy cháy, 41 hộ dân ở đây ung dung lắm, nghĩ sẽ không lan được sang nhà mình. Tuy nhiên chỉ sau 15 phút, hỏa hoạn bùng lên dữ dội, lửa từ nhà C8 bắt đầu liếm sang nhà gỗ B7 khiến mọi người chạy tán loạn”. Cả khu hò nhau thoát theo 2 đường cầu thang. Số ít hộ ở xa điểm cháy lục tung nhà tìm kiếm giấy tờ, tài sản giá trị, bọc vào túi nilon rồi ném nhanh qua cửa sổ xuống mặt phố Vọng Hà nhờ người giữ hộ. 

Mời chúng tôi vào thăm nhà, chị Hiên bất ngờ tắt cầu dao điện. Căn phòng rộng 20m2 bỗng chốc mù mịt như hầm tối, xung quanh tiếng mọt gỗ kêu kèn kẹt. Giống như 9 dãy nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, căn nhà gỗ B7, cao 2 tầng được dựng theo kết cấu cột kèo gỗ, vách gỗ, mái ngói, có 2 cầu thang lên xuống ở 2 đầu. Với những người lần đầu bước chân lên ngôi nhà gỗ, chân sẽ bất giác thấy run run. Cư dân trong khu nhà lý giải: sau vụ cháy nhà gỗ trên phố Hàm Tử Quan, năm 2005, TP Hà Nội đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp 9 ngôi nhà còn lại. Gọi là nâng cấp, nhưng thực chất chỉ là ốp gỗ ở hành lang, ốp xốp chống nóng và đảo ngói. Sau vài năm, mọi thứ đều xuống cấp như ban đầu, sàn hành lang ọp ẹp, cột kèo nhà mối mọt. 

Chị Hiên kể: Người dân ở khu nhà gỗ sợ nhất lúc mưa bão, vì kiến, mối mọt bay ra như mưa, bò khắp nhà. Nước mưa hắt vào vách gỗ làm các phòng dột tứ tung. “Tôi về sống ở khu nhà gỗ đã 10 năm, đến nay không nhớ nổi căn phòng của mình đã tôn tạo, sửa chữa bao nhiêu lần”, chị Hiên cho biết. Để tránh bị nước mưa hắt qua vách gỗ, cũng để làm mới “ngôi nhà” 60 năm tuổi, nhiều người dân đã tự mua gỗ ép về gia cố, cháy vữa, lăn sơn. Từ đó, một chuyện bi hài phát sinh, các hộ dân phải tập nếp sống trong bóng tối. Đã ở nhà gỗ, chẳng kể ngày đêm, bước chân vào nhà là phải bật điện. 

Quá trình khảo sát ở các khu nhà gỗ, một vi phạm nghiêm trọng khác về PCCC được chúng tôi “phát giác”. Theo phản ánh của nhiều người dân, khu nhà gỗ C8 xảy cháy trước đây có 2 cầu thang lên xuống ở 2 đầu nhà. Lâu nay, một bên cầu thang bị người dân chiếm dụng, bịt lại xây nhà, cản trở lối thoát nạn. “Vi phạm này đã được cơ quan PCCC phát hiện, kiến nghị nhiều lần, tuy nhiên không được sửa chữa, khắc phục” - đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho biết. Ngoài khu nhà gỗ C8, một số khu nhà gỗ khác cũng bị người dân chiếm dụng hành lang chung làm nơi ở, bịt lối thoát nạn của các hộ trên tầng 2.

Hơn 10 hộ dân sống ở khu nhà gỗ B7 (Chương Dương, Hoàn Kiếm) may mắn

 vì cách nhà C8 vừa cháy một dãy nhà bê tông nên không bị cháy lan sang

Mòn mỏi chờ di dời

36 hộ dân sống trong nhà gỗ C8 xảy cháy bước đầu đã được sắp xếp, tạm cư tại một khu nhà 6 tầng, trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Không bị mất nhà, nhưng 17 hộ dân ảnh hưởng do cháy cũng nơm nớp lo sợ. Bà Phạm Thị Đạm Nga - cư dân nhà B7, hộ được đánh giá bị ảnh hưởng nặng nhất do cháy kể: “Hỏa hoạn từ khu nhà gỗ C8 bùng phát lớn, táp sang tầng 2, 3 nhà tôi khiến nhiều đồ đạc, tài sản bị cháy rụi”. Chứng kiến sự việc, 3 người trong gia đình bà Nga tá hỏa chạy ra ngoài thoát nạn, chẳng ai kịp mang theo thứ gì. “Điện cả khu bị cắt, tối hôm xảy cháy, cả nhà phải đi ngủ nhờ. Sáng hôm sau về nhà, tôi không tin vào mắt mình khi thấy tài sản trên tầng 2, 3 chỉ còn là tro tàn, tường nhà bong tróc, nức toác chờ sập” - bà nói buồn bã. 

8 ngôi nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng nhà gỗ ọp ẹp, cũ nát tồn tại như hiện nay, việc xảy ra cháy, hay sập đổ công trình do mưa bão là điều khó tránh khỏi. Mòn mỏi chờ đợi, rút kinh nghiệm hết vụ cháy này đến vụ cháy khác, người dân nơi đây đang thấp thỏm lo âu, chờ thành phố, các ban ngành chức năng sớm cho được di dời, về nơi ở mới.