“Hậu” chất vấn

ANTĐ - Bầu không khí mới của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII ngay từ phiên khai mạc, đã được cử tri và người dân cả nước đón nhận và ghi nhận trong hơn hai tuần làm việc sôi động, khẩn trương cả trên hội trường và trong các phiên thảo luận ở tổ. Chờ đợi sự đổi mới của Quốc hội có lẽ tập trung nhiều nhất trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng, bốn bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nét mới so với những phiên chất vấn trước đây, Quốc hội sẽ không nghe các báo cáo giải trình của các thành viên Chính phủ, các báo cáo này được gửi tận tay các đại biểu, để giành nhiều thời gian hơn cho trả lời trực tiếp. Mỗi câu hỏi chất vấn được giới hạn không quá 2 phút. Người trả lời phải ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung. Có thể coi đây như một cuộc thi “vấn đáp” đúng nghĩa.

Chính phủ nhiệm kỳ mới có 16/23 thành viên là người mới được bổ nhiệm. Có không ít tân bộ trưởng đã nhanh chóng tạo được ấn tượng trong dư luận và công luận không chỉ bằng những lời tuyên bố, cam kết “có lửa”, mà còn bằng những hành động, việc làm đi đôi với lời nói. Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có tới 4/6 thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này đều là những người “mới”. Những ý tưởng mới, những giải pháp mới sẽ được đề xuất để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề đã “cũ” trong những nhiệm kỳ trước, song hiện vẫn còn “nóng hổi”. Hơn ba tháng ngồi trên “chiếc ghế nóng”, thật khó nói những thành viên mới trong Chính phủ đã có thể vào vai “tư lệnh” của những ngành vốn hết sức nhạy cảm trong vấn đề kinh tế.

Khi họp triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ trưởng phải “xuất hiện” trên các phương tiện thông tin đại chúng để “nói cho người dân hiểu và chia sẻ”. Người đứng đầu Chính phủ còn nhắc nhở rằng, khi tình hình kinh tế xã hội còn khó khăn, những bộ trưởng là người đứng đầu các lĩnh vực có nói rõ thì mới làm cho người dân, giới doanh nghiệp yên tâm và tin tưởng hơn. Bản lĩnh người đứng đầu trong các lĩnh vực “nóng” như giao thông vận tải, tài chính ngân hàng đã được thể hiện rõ ra ngay sau khi nhậm chức.

Đơn cử như Bộ trưởng Bộ Tài chính trong cuộc “đấu” với các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh xăng dầu đã có những tuyên bố “xưa nay chưa hề có” trong lĩnh vực có ảnh hưởng và tác động lớn tới đời sống kinh tế và xã hội. Hoặc như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tỏ ra không tránh né, ngại phát ngôn về bất kể việc gì liên quan đến lĩnh vực mà ông phụ trách. Thẳng thắn, không ngại đụng chạm, không ngại bị phê phán và điều tiếng “đánh bóng” mình, ông nói thẳng băng những ý tưởng, bước đi của mình trong vai trò điều hành một cách công khai. Ông Bộ trưởng đã nói rõ triết lý giản dị của mình: “Chỉ lẳng lặng làm thì sao có được sự đồng thuận và muôn đời đúng”. Cử tri và người dân luôn đặt niềm tin và hy vọng vào những vị “tư lệnh” dám nói dám làm. Có dám nói thì mới dám làm, đó chính là hai điều kiện tiên quyết cũng là hai đòi hỏi cáo nhất thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu. Bên lề Quốc hội, các Bộ trưởng trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn đều cho rằng, đây là cơ hội tốt, một diễn đàn công khai để khẳng định bản lĩnh trong điều hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: “Tôi không cho rằng phải trả lời chất vấn mà là được trả lời”.

Hàng loạt vấn đề sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ, chắc chắn cũng chính là những câu hỏi bức xúc nhất của nhân dân. Cách hỏi và cách trả lời có thể sẽ rất mới, tuy nhiên “mới” thực sự được cử tri kỳ vọng chính là giải pháp mới, cách làm mới, mở ra lối thoát mới, chứ không chỉ là những lời hứa… mới. Suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là “hậu” chất vấn để những vấn đề cũ không phải “tái” chất vấn nữa.