Hát Quốc ca bằng cả trái tim

ANTĐ - “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”
 

Hát Quốc ca để bồi đắp tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc

1. Mỗi lần câu hát ấy vang vang, có lẽ bất cứ ai là người Việt Nam cũng thấy trào dâng niềm tự hào dân tộc. Niềm tự hào có từ trong máu thịt. Chính bởi thế người ta mới nói mỗi lần hát Quốc ca là mỗi lần được bồi đắp tình yêu với Tổ quốc mình, dân tộc mình. Và việc hát Quốc ca sẽ nhắc nhở cho mỗi chúng ta về trách nhiệm của người dân Việt Nam đối với Tổ quốc, để biết trân trọng giá trị quốc gia cũng như sự đoàn kết toàn dân tộc. Song có một thực tế là hiện nay nhiều nơi đang hình thành một thói quen không thể chấp nhận: thực hiện nghi lễ chào cờ mà không hát Quốc ca.

Thay cho hát thì chỉ đứng nghiêm chào cờ và nghe lời bài Quốc ca từ băng cassette được thu sẵn, thậm chí có cả đoàn quân nhạc cử hành bản nhạc Quốc ca, cũng không có ai hát. Điều đáng buồn là tình trạng này đang xảy ra khá phổ biến, không chỉ trong trường học mà ngay cả ở những nghi lễ lớn có rất nhiều quan chức tham dự, được truyền hình trực tiếp.

Mới đây (ngày 9-7), Giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV khai mạc tại Nhà đi đấu Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk. Giải đấu có nhiều đoàn quốc tế tham dự và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3. Khi người dẫn chương trình cử hành nghi lễ chào cờ, tiếng quân nhạc cất lên trầm hùng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, có rất đông quan chức tới dự, song chỉ vài người mấp máy môi, phần đông nhiều người… không hát.

2. Còn nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về việc “người lớn không chịu hát Quốc ca”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã kể câu chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói tại cuộc họp với
UBTUMTTQ rằng trong số những điều ông thấy buồn là không hát Quốc ca.

Chủ tịch nước kể chuyện khi ông đến một quốc gia Đông Âu, người ta cử Quốc thiều hai nước thì Quốc ca nước ta không có ai hát, trong khi nước chủ nhà hát rất nghiêm túc. Người đứng đầu nước bạn hỏi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết “Quốc ca các bạn không có lời à?”. Và Chủ tịch nước nói đây là điều không bình thường, cần phải khắc phục.

3. Tại Thái Lan, vào mỗi buổi sáng, trên đường phố thấy Quốc thiều cử hành, tất cả mọi người dân đều chỉnh đốn tư thế rồi đứng nghiêm, nhiều người đang đi bộ đã dừng lại hát hết sức nghiêm trang và kính cẩn. Lại nghe nói Philippines còn thông qua cả đạo luật nếu ai hát sai lời Quốc ca thì sẽ bị phạt tội hình sự.

Đặc biệt là tại Mỹ, khi thấy dân chúng Mỹ có biểu hiện không thuộc hết lời Quốc ca, nhất là giới trẻ hát Quốc ca phải nhìn… giấy, Mỹ đã tổ chức thi hát Quốc ca, thậm chí người ta còn gọi là chiến dịch hát Quốc ca nhằm nhắc nhở người dân Mỹ nhớ đến vai trò của bài Quốc ca đối với lịch sử Mỹ. Trong chiến dịch ấy, đệ nhất phu nhân Mỹ, lúc đó là bà Laura Bush, đã được mời làm Chủ tịch danh dự. Ban nhạc nổi tiếng của Mỹ Oak Ridge Boy cùng hàng trăm học sinh đã hát Quốc ca ngay trước tòa nhà Quốc hội. Chiến dịch này còn được đưa tới tận ngóc ngách của nước Mỹ.

Còn ở ta, có lẽ chưa có một cuộc thống kê toàn diện xem có bao nhiêu người dân Việt Nam không thuộc lời bài hát Tiến quân ca, bao nhiêu người không biết về lịch sử ra đời của bài hát… Song một chiến dịch hát Quốc ca, một cuộc thi hát Quốc ca cũng đáng để chúng ta học tập. Việc cần làm ngay là hãy vứt bỏ những chiếc băng cassette thu lời bài hát Quốc ca mỗi khi chào cờ. Chúng ta hãy hát tự trong trái tim mình: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”.