Hát Môn, từ mùa xuân Canh Tý

(ANTĐ) - Chẳng hiểu Mã Viện sau khi đắc thắng, về dâng công với “Thiên triều”, có được phong vương tước gì không? Nghe nói tại vì hắn vơ vét của quý xứ Nam về kho lẫm riêng, không đem nộp cho triều đình, nên bị nhà vua mắng mỏ rồi đuổi ra khỏi hoàng thành. Cái thân phận già nua ấy lủi thủi bước đi, buồn tủi, rồi chết ở một xó nào đó.

Hát Môn, từ mùa xuân Canh Tý

(ANTĐ) - Chẳng hiểu Mã Viện sau khi đắc thắng, về dâng công với “Thiên triều”, có được phong vương tước gì không? Nghe nói tại vì hắn vơ vét của quý xứ Nam về kho lẫm riêng, không đem nộp cho triều đình, nên bị nhà vua mắng mỏ rồi đuổi ra khỏi hoàng thành. Cái thân phận già nua ấy lủi thủi bước đi, buồn tủi, rồi chết ở một xó nào đó.

Minh họa: Đỗ Hữu Huề
Minh họa: Đỗ Hữu Huề

Cách đây gần một nghìn năm, nhà thơ Hoàng Đình Kiên đời Tống, người đồng bang với Mã Viện, đã làm thơ mỉa mai hắn, ca ngợi người đàn bà ngoại bang:

Trưng Trắc trì qua địch bách nam

(Trưng Trắc cầm giáo địch nổi trăm đàn ông)

Và có một thi sĩ vô danh nào đó, lâu lắm rồi, còn châm chọc hắn đến cay độc:

Quắc thước khoe chi mình tóc bạc

Cân đai đọ với gái hồng quần.

Con cháu của Hai Bà Trưng lại về dự hội mừng công. Đền Hát Môn lớp lớp nam nữ thanh niên đi trong cờ dong trống mở tựa như mùa xuân năm 40 sau Công nguyên còn nguyên vẹn. Cụ thủ chỉ làng trương mục kỉnh trước câu đối, ngâm sang sảng:

Phục thù nghĩa liệt anh hùng nữ

Lập quốc cờ đồ chính thống vương

(Người anh hùng nêu gương nghĩa liệt trả thù

Xưng ngôi vua chính thống dựng cơ đồ lập quốc)

Chính nền đất ngôi đền này là nơi Hai Bà dựng đàn tế cờ. Hồi đó, đàn tế ở sát bờ sông Hồng, mà nay sông đã dịch dòng về phía Bắc, phù sa bồi đắp lên thành bãi rộng, đền lùi vào đất liền cách xa dòng nước gần 3 cây số. Màu xanh mùa màng trải rộng đến tận chân núi. Lưỡi cày xới tung bụi phù sa non nắng nỏ bột tơi như phấn mịn, chuẩn bị vào vụ màu.

Cả huyện Phúc Thọ quần tụ ruộng nương những cánh đồng màu mỡ. Mây mù đông chí đang tan dần. Nắng dội. Bầu trời tái sinh. Dĩ vãng oai hùng xa xưa cũng tái sinh trong đất trời hôm nay. Làng xóm thuở trước thưa thớt nằm lọt giữa vùng bãi lầy và rừng rậm, nay đã trù phú một màu ngói mới vây quanh ngôi đền...

Dấu vết chiến công ngày xuân Canh Tý 40 ánh lên rực rỡ trên nền đất mới... Bà cụ già cho ba đứa con gái và hai cậu con trai theo Bà Trưng. Còn cụ thì làm bánh trôi tiếp tế cho nghĩa quân. Ngày thắng trận, cụ đi vào nhà bà con góp gạo làm hàng trăm nong bánh để khao quân. Sau khi cụ qua đời, dân lập miếu nhỏ thờ cụ ngay trước đền thờ Hai Bà. Cứ mỗi lần vào hội tế, dân làng có phong tục cúng bánh trôi... Ông lão quản tượng đã theo vua Trưng hàng trăm trận đánh. Rồi ông cũng trở thành vị tướng của nghĩa quân.

Trong mỗi trận huyết chiến, đội quân của lão thắng lớn, đuổi bọn Tô Định đạp nhau mà chạy, chúng phải lẩn trốn bằng cách cướp váy của chị em nông dân ta để trá hình! Cây duối lão từng cột voi đã mọc lên một lùm duối mới, mơn mởn lộc non... Và bạt ngàn đất đai từ quê Tổ Phong Châu xuống Tam Đảo, qua Ba Vì, vào Thanh Trì, hàng trăm ngôi đền ám màu rêu cổ kính thờ Hai Bà và các vị nữ tướng... Trước đây, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà có ghi vào chính sử được bao nhiêu. Bây giờ, ta lần mò đi nhặt trong dân gian, trong đền miếu những sự tích cũ như lặn xuống biển mò từng hạt ngọc trai...

Đất đai sinh nở bất diệt. Và nhân dân là bất diệt. Chỉ có bọn người đi xâm lược là bị diệt vong. Mã Viện có ngờ đâu trong một phút nông nổi, kiêu ngạo, hắn đã dồn cả một đời võ nghệ của hắn để chọi sức với người con gái ngoài hai mươi tuổi. Kết cục hắn bị nhân loại muôn đời nguyền rủa. Còn hành động đại nghĩa của Trưng Vương được nhân dân tôn là một trong những người đàn bà đẹp nhất trên hành tinh này.

Một nữ văn sĩ từ tận Bắc Âu vượt hàng vạn kilômét đến tận đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân, nghiêng mình tưởng niệm, rồi cầm nén hương trở về đốt ấm căn phòng lạnh lẽo của mình ở xứ tuyết. Một người bạn Mỹ khi cúi đầu đứng trước tượng Hai Bà, bộc lộ suy nghĩ chân thành của mình: “Dân tộc chúng tôi chưa hề có được những con người như thế”... Trong lặng im hương khói và lịch sử, ta nghe được âm điệu của quá khứ lọc qua thời gian để ngân lên dịu dàng lời mẹ ru con và vang dội hào hùng sử thi:

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn Tây nổi áng phong trần

ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.

Thần tích còn ghi rõ:

Bà Man Thiện, cháu ngoại Vua Hùng, là người mẹ đã sinh ra Trưng Trắc và Trưng Nhị; ông Đỗ Năng Tế là thầy giáo dạy Hai Bà từ thuở nhỏ. Kỳ diệu thay sông núi còn giữ được dấu vết của những nhân vật ấy cách đây gần hai nghìn năm. Ngọn núi Tản Viên vút cao, lồng lộng kết tụ anh linh của non nước muôn đời, kết tụ mây sắc huyền thoại và tỏa sáng những trang thần phả. Núi Phượng Hoàng tung cánh bay. Núi Yên Ngựa dựng bờm. Núi voi lừng lững nhô lưng... Lũy đất của một thời oanh liệt đứt nối vắt ngang qua đồi cao vực thẳm uốn lượn như con rồng ngẩng đầu chào truyền thuyết: Gò Mả Dạ, nơi cất táng thi hài bà Man Thiện!

Dọc bờ sông Đáy, núi xòe ra tròn xoe hình nghiên mực, bên cạnh là ngọn núi hình tháp bút. Thấp thoáng trong sương hình bóng thầy giáo Đỗ Năng Tế dạy văn võ cho hai cô gái họ Trưng.

Bọn Tàu Hán đang muốn tiêu diệt giống nòi. Tội ác đang giơ bàn tay hung bạo bóp nghẹt cả một dân tộc thai nghén bao nhiêu hoài bão. Mặt đất lồng lộn vật vã cùng với bóng người vật vã lao động khổ sai. Thi Sách trao thư cảnh cáo kẻ thù: “...Việc truyền bá đức hóa, tất phải lấy thương yêu dân làm đầu... Nay các người cầm quyền tính làm nhiều điều ngược bạo. Những người nói thẳng, những người mưu lược tài trí thì các người bắt tội(...). Lúc nào các ngươi cũng mở miệng nói thương dân, nhưng lòng dạ độc ác(...). Nếu không sửa đổi, nới sức cho dân thì số mệnh các ngươi suy vong đến nơi!...”.

Thi Sách bị giặc chém đầu!

Thù nhà nợ nước hóa thành nỗi đau vĩ đại của người con gái họ Trưng. Hai chị em mưu dựng cờ dấy nghĩa. Cơn giận thiêng liêng đã hóa người đàn bà nhỏ bé thành vóc dạng anh hùng vượt cao lên mọi kích thước bình thường.

Bà Trưng uy nghi cưỡi lên mình voi. Bà mẹ Man Thiện nhìn con, ái ngại: “Con chưa đoạn tang chồng...”. Một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh, Trưng Trắc vội vã cất khăn tang. Bà mặc yếm thắm, mặc bộ quần áo đẹp nhất và vung thanh gươm: “Trừ được giặc nước là rửa hận cho chồng. Mẹ đừng giận con. Con ăn mặc đẹp đẽ cốt để giữ lấy cái chỉnh tề trong việc quân để làm hởi lòng quân sĩ”.

Ba quân xúc động ngước nhìn nữ tướng lẫm lẫm oai phong in trên nền trời nổi đầy ráng đỏ. Cuồn cuộn mây bay. Cuồn cuộn cờ xí. Cuồn cuộn lớp lớp quân đi.

Dẫu tuổi đã già, bà Man Thiện cũng cầm gươm đứng vào hàng quân... Khi nghe tin con rút quân vào Kim Khê xây dựng căn cứ, bà tập hợp hàng chục nghìn quân ở miền Phúc Thọ, Thạch Thất... để chặn quân địch. Bà cùng các nữ tướng trẻ tuổi Hồ Đề, ả Lã, Lũ Lũng quyết sống mái với giặc. Lúc bị địch đuổi sát sau lưng, quyết không để lọt vào tay giặc bà đành gieo mình tuẫn tiết  dưới dòng sông Hát... Nhân dân vớt xác bà táng bên cạnh ngôi miếu thờ ở ngay làng quê Nam Nguyễn...

Ngọn đèn trong đô hộ phủ của bọn cai trị Đông Hán đỏ lòm như máu dội, như con mắt hằn học cháy vằn tội ác và nỗi lo sợ. Luy Lâu! Luy Lâu! Cái thành lũy ung nhọt của một thời làm đau râm mình mẩy Tổ quốc. Từ nơi đây, bầy tướng tá sống lúc nhúc như dòi bọ ăn bám. Chúng thúc từng đoàn phu phen lên rừng tìm tê giác, xuống bể mò ngọc trai…

Luy Lâu! Đây là cái dạ dày của lòng tham vô độ! Cả một dân tộc quằn lên vật vã vì mày! Cả một dân tộc nhằm cái đích ấy mà cắm xỉa những mũi giáo căm giận.

Ngay cạnh thành Luy Lâu, hai anh em sinh đôi ông Đống, ông Hựu lập trại nghĩa quân ở Kim Đường; tướng Tam Giang tập hợp binh sĩ ở Đồng Cầu rèn gươm giáo; hai nữ tướng ả Di, ả Tắc ở Văn Lan dựng đồn lũy… Đô vật Nguyễn Tam Trinh ở làng Hai Động đã ngoài sáu mươu tuổi ngày đêm luyện vật cho hàng trăm trai tráng.

Ba chị em họ Đào ở làng Thổ Quan ra sức chiêu mộ người tài. Nàng Quốc ở Hạ Tốn (Kiêu Kỵ) dựng cờ tập hợp được hai nghìn binh sĩ… Khắp miền đồng bằng Bắc bộ cho ngược lên miền núi, xuôi vào Thanh Hóa, ngọn lửa giận cháy bập bùng cùng với các nữ tướng mà tên tuổi đã hóa thành huyền thoại:

Thánh Thiên tung hoành ngọn giáo sáng lòe đất Kinh Môn rồi ngược lên mạn bắc chém chết hàng nghìn giặc, xác nghẽn cả dòng sông Thương.

Lê Thị Hoa nuôi dạy chí căm thù cho bốn đứa con nhỏ. Rồi cả năm mẹ con vừa lập trại ấp sản xuất vừa luyện nghĩa quân, khiến giặc khiếp vía cả vùng Cửu Chân.

Cao Thị Liên xinh đẹp kiên tâm gạt bỏ mọi lời dụ dỗ của Tô Định muốn đem về làm tì thiếp. Cô gái 19 tuổi ấy đã cùng chị em quê mình dụ địch vào căn cứ đánh cho chúng tơi bời.

Lê Chân không muốn lọt vào tay tên hung bạo Tô Định mê sắc đẹp, rủ dân nghèo khai khẩn đất hoang vùng An Biên và lập đồn xây lũy đánh nhiều trận quyết liệt với giặc.

Bát Nàn thù giặc giết cha mình dã cùng Bảo Châu chiêu binh sĩ từ miền Tiên Lữ, đánh thọc nhiều trận bất ngờ vào lưng địch...

Có dân tộc nào trên trái đất này đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa đánh ngoại bang xâm lược mà hầu hết là nữ tướng? Họ đã nhất tề bước theo chủ tướng, hội quân ở Hát Môn, chia hai mũi bắc và nam sông Hồng, tiến vào đột phá thành Luy Lâu. Và ôi thôi, tên thái thú Tô Định đã đóng vai một nhân vật bi hài lớn trong tấn tuồng phong kiến Trung Quốc. Hắn phải cởi áo mũ, cạo râu, rồi cạo trọc đầu, co cẳng chạy thục mạng.

Trưng Trắc lên ngôi vua, khẳng định nền tự chủ của đất nước... Gần 2.000 năm qua, đất Mê Linh còn lưu dấu thơm của người nữ anh hùng... Ngôi đền hướng mặt ra sông Hồng sáng ửng chữ vàng “Vạn cổ hương” trên nền sơn đỏ hoành phi. Ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), Hai Bà Trưng tổ chức lễ xuất quân. Ngàn đời sau, dân làng tổ chức hội đền hàng năm đúng ngày đó. Khói hương nghi ngút điện thờ. Ba mươi hai đầu rồng chân kiệu vươn lên óng ánh vàng son trong mờ ảo làn nhang thơm như đang bay lượn trong áng mây huyền sử...

Ngót hai mươi thế kỷ trôi qua, cửa sông Hát vẫn là mảnh đất chứng tích của buổi bình minh giữ nước và dựng nước sau Công nguyên. Cửa sông Hát đã hóa thành bãi bồi. Có phải người nữ tướng năm ấy gieo mình xuống nước để dòng sông xúc động hóa thân thành nương dâu, bãi lúa, hóa thân thành mùa quả ngọt? Và lịch sử hóa thân thành mùa xuân. Mùa xuân đang trở về.

Võ Văn Trực