Hạt dẻ chợ Thông Huề

ANTĐ - Hà Nội những đêm mùa đông, bên góc phố có những người thu mình bên chảo lửa nhanh tay đảo hạt dẻ. Chợt nghe tiếng người phụ nữ bán hàng mời khách, “hạt dẻ Trùng Khánh xịn đó, bùi lắm, mua đi”. Chẳng biết có phải vì bùi tai, hay vì mê hạt dẻ Trùng Khánh mà người ta cứ sà vào tiếng mời gọi.

Hạt dẻ Trùng Khánh

Trở về Trùng Khánh, Cao Bằng, “đại bản doanh” của hạt dẻ nức tiếng, tôi có một buổi sáng hòa vào phiên chợ Thông Huề, thấy hạt dẻ cũng bày bán, nhưng không nhiều như ở vỉa hè đêm Hà Nội và cách bán cũng khác. Chợ Thông Huề họp sớm tan sớm. Người bán kẻ mua giờ cũng đủ loại, mặt hàng cũng phong phú như chợ miền xuôi. Chỉ khác cách bán và mặt hàng là hạt dẻ trồng trên vạt rừng Trùng Khánh chính hiệu.

Bao lâu nay, chợ Thông Huề bán hạt dẻ không dùng cân để đong, mà chỉ đếm hạt. Bao tải lớn, rổ bé hạt dẻ người ta cũng đếm từng hạt một, cho khách mua. Vào phiên chợ, người đến chỉ chú ý đến cảnh những đôi tay mộc mạc của người phụ nữ Tày nhón đếm những hạt dẻ “chục, trăm, nghìn, vạn…” cũng cảm giác được phần nào nhịp sống nhẹ tênh ở nơi rừng núi biên cương này. Người bán tay thoăn thoắt đếm, chẳng cần nhìn, người mua tin tưởng nhận cũng chẳng cần đếm lại. Niềm tin, có lẽ đã ăn sâu theo biết bao mùa hạt dẻ, để rồi khách chẳng ai hoài nghi, mà chủ cũng chẳng bao giờ mảy mảy một chút lọc lừa, dối trá...

Giờ du khách nước ngoài đến chợ Thông Huề để du lịch ngày một đông. Có khi, chẳng mua gì, cũng chẳng phải là người buôn bán nhưng khi đã hỏi đến các bà, các chị bán hạt dẻ thì họ rất hồ hởi mời khách thử hạt dẻ như để thẩm xem hạt dẻ có như tiếng đồn không. Ở chợ Thông Huề, bao giờ cũng thế, bên cạnh bà bán hạt dẻ luôn có cái bếp tạm bắc chảo nhỏ để rang hạt dẻ cho khách thử. Hạt dẻ Trùng Khánh mà tôi được thưởng thức ở chợ Thông Huề nó khác với hạt dẻ mua bên vỉa hè đêm ở Hà Nội thì phải. Đó là do cách rang hay do người rang? Người ta bảo không phải, hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu thì ai rang cũng vậy, nó vẫn bùi bùi, thơm đượm một mùi hương đặc trưng của hạt dẻ. Chắc tại vì cách bán đặc biệt của người dân mộc mạc làm tăng thêm vị thơm ngon của sản vật của nơi núi rừng Việt Bắc này.