Háo hức ngóng xem nhật thực

(ANTĐ) - Sáng 22-7, bầu trời quang đãng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Mặc dù Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần, song, ngay từ sáng sớm, tại nhiều địa điểm công cộng, có tầm nhìn thoáng trên địa bàn Thủ đô, các bạn trẻ đã  tập trung đông đảo để đón xem hiện tượng kỳ thú này.

Háo hức ngóng xem nhật thực

(ANTĐ) - Sáng 22-7, bầu trời quang đãng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Mặc dù Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần, song, ngay từ sáng sớm, tại nhiều địa điểm công cộng, có tầm nhìn thoáng trên địa bàn Thủ đô, các bạn trẻ đã  tập trung đông đảo để đón xem hiện tượng kỳ thú này.

>>> Ngắm Nhật thực tại Hà Nội

Nhật thực đạt cực đại tại Hà Nội
Nhật thực đạt cực đại tại Hà Nội

Tại các điểm công cộng: Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình...  từ 6h sáng không khí đã náo nhiệt. Ai cũng háo hức chờ đợi, giây phút Mặt trăng sẽ che khuất Mặt trời như thế nào. Ngoài các bạn trẻ còn có các nhà khoa học, các chuyên gia... thuộc các ngành nghề cũng tham dự để có dịp chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực xảy ra trong năm nay.

Tại phòng thiên văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam đã tổ chức ngắm nhật thực cho đông đảo mọi người. Hơn 6h sáng, tại đây khoảng 100 người đã có mặt với đủ các dụng cụ lỉnh kỉnh mang theo. Một chiếc kính tiềm vọng tiêu cự lên tới 820 mm, cùng nhiều kính thiên văn cỡ nhỏ khác được chuẩn bị sẵn dành cho giảng viên, sinh viên trong khoa cũng như tất cả mọi người cùng quan sát.

Ấn Độ: Đi xem nhật thực, 2 người thiệt mạng   

Ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương khi đám đông đi xem nhật thực toàn phần ở thành phố cổ Varanasi, ấn Độ chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau.

Cảnh sát thành phố Varanasi cho biết, các vụ hỗn loạn xảy ra sau khi nhật thực toàn phần đã kết thúc. Sáng       22-7, khoảng 200.000 người dân đã đổ về điểm xem nhật thực rõ nhất bên bờ sông Hằng, sau đó ở lại tham gia các hoạt động chào mừng được tổ chức ngay bên sông. Khi đó, hàng ngàn người đã xô đẩy, chen lấn để tới các điểm này và tai nạn đã xảy ra. 

Hạ Liên

(Theo CCTV)

Nguyễn Thúy Hoa, sinh viên ĐH Thương mại hồ hởi: “Chúng em đã thành lập 1 hội trong lớp gần 10 người đến đây từ gần 6 giờ sáng để được quan sát đầy đủ và rõ nhất hiện tượng nhật thực lần này. Em được biết đây sẽ là lần nhật thực kéo dài nhất trong thế kỷ, nên phải đi sớm, sợ hết chỗ, không quan sát được”.

Hơn 7h sáng, trời Hà Nội bắt đầu hửng nắng, và đến 7h10, Mặt trăng từ từ tiến lại. Các bạn trẻ tận dụng tối đa các loại dụng cụ có thể quan sát nhật thực: ổ đĩa A, giấy bóng kính, kính hàn... Thời điểm nhật thực đạt cực đại tại Hà Nội là vào lúc 8h11 và kết thúc vào lúc 9h20.

Tại TP.HCM, nhật thực bắt đầu diễn ra vào lúc 7h17, cực đại vào 8h11 và kết thúc vào lúc 9h16. Tuy nhiên, nhiều thanh thiếu niên mê thiên văn, mê chiêm ngưỡng hiện tượng thế kỷ này đã tỏ ra khá thất vọng vì nhật thực ở TP.HCM chỉ nhỉnh hơn 27%, trong điều kiện thời tiết âm u, nhiều mây nên hầu như… không có gì thay đổi.

Ông Nguyễn Đức Phường - Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam cho biết: “Trên cả nước, Hà Nội gần như là địa điểm qua sát nhật thực lý tưởng nhất bởi thời tiết thuận lợi, trời quang, Mặt trời xuất hiện ngay từ sáng sớm, thời gian quan sát nhật thực diễn ra liên tiếp không bị gián đoạn. Tuy nhiên, càng đi về khu vực miền Trung và miền Nam, thời tiết âm u, trời nhiều mây, khiến việc quan sát nhật thực không diễn ra như mong đợi. Tỷ lệ Mặt trời bị Mặt trăng che khuất cũng nhỏ hơn Hà Nội”.

Theo ông Phường, tỷ lệ Mặt trăng “ăn” Mặt trời khá đúng như dự đoán, tỷ lệ đạt cực đại tại Hà Nội là 65%,  một số điểm khác ở miền Bắc như Hà Giang lên đến 75%. Cũng theo ông Nguyễn Đức Phường, nhật thực lần này không những thu hút được sự chú ý của giới trẻ mà các nhà khoa học trong lĩnh vực thiên văn, sinh học... rất quan tâm.

Các bạn trẻ háo hức quan sát nhật thực
Các bạn trẻ háo hức quan sát nhật thực

“Năm 2008, nhật thực diễn  ra vào 1-8, song không thu hút được đông đảo sự quan tâm như lần này. Do năm 2008, nhật thực diễn ra vào lúc chiều muộn, nên tại Hà Nội phải đứng trên những tòa nhà cao tầng mới có thể quan sát được, tỷ lệ Mặt trăng “ăn” mặt trời cũng không lớn, thời gian không kéo dài. Phía Nam không thể quan sát được do Mặt trời đã xuống quá thấp”, ông Phường nói.

Lần nhật thực này rất hiếm gặp, phải đến năm 2132 mới có nhật thực toàn phần kéo dài như vậy xảy ra. Song, tại Việt Nam, do cơ sở vật chất còn thiếu, nên đã không tổ chức đo đạc để phục vụ cho công tác khoa học trong lĩnh vực thiên văn. Đây là điều rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, qua nhật thực lần này người dân có thêm kiến thức rõ ràng và đầy đủ hơn, nhật thực và nguyệt thực là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khách quan, không có gì là bí ẩn cả. Hơn thế nữa, những quan sát và thông số ghi nhận được cũng có thể giúp ích cho việc truy lại lịch sử, bởi nhật thực là hiện tượng thiên nhiên khách quan xảy ra theo chu kỳ, có thể tính toán.

Ngân Tuyền