Hành vi gây ô nhiễm không khí có thể bị phạt tù 10 năm

ANTĐ - Hỏi:  Gia đình tôi ở gần xưởng sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi và tái chế nhựa. Ngoài việc hoạt động suốt ngày đêm, cơ sở này còn thường xuyên đốt nhiên liệu thải ra rất nhiều khí độc. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thức ăn cũng được họ hút ra ngoài bằng hệ thống thông gió nên thường xuyên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho khu dân cư, khiến người dân nơi tôi sinh sống thường xuyên mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, đau đầu kinh niên. Chúng tôi có quyền tố cáo hành vi của cơ sở sản xuất này không và hành vi gây ô nhiễm không khí được quy định và bị xử lý như thế nào? Trần Văn Toán (Lập Thạch - Vĩnh Phúc)

Ô nhiễm không khí từ những cơ sở sản xuất có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân
Ảnh minh hoạ

Trả lời: Theo quy định tại khoản 6, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường 2005 thì hành vi thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí, phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép bị nghiêm cấm.  Điều 11, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường  quy định, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường. Đối với hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng tùy theo lưu lượng khí thải. Nếu thải khí, bụi có ít nhất một thông số ô nhiễm nguy hại vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thì bị xử phạt tăng thêm. Trường hợp thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép thì bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm g khoản 5, điểm e và điểm g khoản 6, 7 và khoản 8 Điều 11 của Nghị định 117/2009/NĐ-CP và phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm nêu trên.

Ðiều 182 - BLHS quy định: “Người nào thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Về quyền khiếu kiện của công dân, khoản 2, Điều 128, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặt khác, thủ tục liên quan đến khiếu kiện cũng được quy định tại Điều 65, Luật Khiếu nại tố cáo, người dân phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo. Trong trường hợp trên, bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc cơ quan điều tra công an cấp huyện, nơi công ty có hành vi vi phạm pháp luật để được giải quyết theo luật định. 


Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội