Hành vi buôn bán nội tạng người bị xử lý thế nào?

ANTD.VN - Buôn bán nội tạng người là hành vi trái đạo đức, nguy hiểm cho xã hội và cần được lên án mạnh mẽ. Thế nhưng, vụ việc ở quận Long Biên – Hà Nội nuôi người sau đó bán lấy thận lại làm cho thị trường buôn bán nội tạng người “nóng” lên. Mặc dù hành vi này đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm những nó vẫn diễn ra hàng ngày và đã có rất nhiều người mắc bẫy các đối tượng buôn bán nội tạng. Vậy hành vi buôn bán nội tạng người sẽ bị xử lý như thế nào?

Như VOV đưa tin, ngày 4-12, kiểm tra nhà trọ tại số 63/66 Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, CAQ Long Biên phát hiện phòng trọ này đang nuôi 8 người để chuẩn bị đi bán thận.

Khám xét tại đây, cơ quan công an còn thu giữ 1 khẩu súng bắn đạn bi, 200 viên đạn, 3 thanh đao. Đối tượng chủ mưu được xác định là Nguyễn Đức Thắng (SN 1989, trú tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội).

Thời điểm bị bắt, Thắng khai nhận đã môi giới thành công được khoảng 15 ca ghép thận. Mỗi quả thận Thắng thường mua với giá 230 triệu đồng, sau đó bán cho người có nhu cầu với giá khoảng 290 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh, ban chuyên án xác định Nguyễn Đức Thắng từng hiến 1 quả thận cho người cần ghép và được trả 250 triệu đồng.

Sau đó, nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép thận và người cần bán thận đã liên lạc đặt vấn đề nhờ Thắng giúp mua. Nhằm hưởng chênh lệch Thắng đã đứng ra làm dịch vụ môi giới trung gian giữa người muốn bán thận và người cần mua thận.

Mua bán nội tạng người bị xử lý thế nào?

Hành vi mua bán nội tạng người là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và vô cùng trái đạo đức. Vì vậy, hành vi này đã được pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm và quy định rõ về khung xử phạt đối với hành vi này.

Hành vi buôn bán nội tạng người bị xử lý thế nào? ảnh 1 

Buôn bán nội tạng người sẽ bị xử lý hình sự

Theo điều 154 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý như sau:

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: có tổ chức; vì mục đích thương mại; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; đối với từ 2 người đến 5 người; phạm tội hai lần trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đối với 6 người trở lên; gây chết người; tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Mặc dù đã cấm hành vi buôn bán nội tạng người thế nhưng trong thời gian qua rất nhiều người vẫn coi thường pháp luật, ngang nhiên trao đổi, mua bán nội tạng với giá cao. Không những vậy, rất nhiều người còn tự bán đi nội tạng của mình để lấy tiền trong khi đây là hành vi cấm và không được khuyến khích.

Những hành vi cấm trong mua bán trao đổi nội tạng

Hành vi buôn bán nội tạng người bị xử lý thế nào? ảnh 2 

Tình trạng mua bán nội tạng thường xuyên diễn ra những chế tài xử phạt vẫn chưa đủ răn đe

Theo Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định về các hành vi cấm lấy, hiến, nội tạng người như sau:

1. Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.

3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

5. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.

6. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

7. Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.

8. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

9. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Có thể thấy, một lỗ hổng pháp lý hiện nay là mặc dù luật quy định những hành vi bị cấm liên quan đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể, nhưng lại không có những quy định hoặc các văn bản hướng dẫn về chế tài để xử lý những hành vi này.

Đây là một hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý lại khá khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn. Chính sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn những chế tài của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã gây bối rối cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hi vọng trong thời gian sắp tới, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hệ thống văn bản pháp luật với những chế tài nghiêm khắc, góp phần ngăn chặn và trừng trị thích đáng những hành vi biến tướng, tiêu cực này. Đồng thời, có tuyên truyền để những hành vi “bán nội tạng” sẽ bị khống chế.