Hành trình "xuất khẩu" gái bán dâm từ Nigeria sang châu Âu

ANTĐ - Nigeria đang được coi là mảnh đất màu mỡ của những đường dây buôn người cung cấp gái mại dâm sang châu Âu. Với viễn cảnh sẽ tìm được công việc hấp dẫn, lương cao từ miền đất hứa, nhiều cô gái trẻ đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người, nô lệ tình dục thời hiện đại.

Hành trình "xuất khẩu" gái bán dâm từ Nigeria sang châu Âu ảnh 1

Một đường dây bán dâm bị cảnh sát Tây Ban Nha phát hiện 

“Thủ phủ” hoạt động của SEC

“Eiye Confraternity” (SEC), hay còn được gọi là “Air Lords” được biết đến là một đường dây cung cấp gái mại dâm lớn ở châu Âu, Bắc, Đông và Tây Phi, Bắc và Nam Mỹ, Trung Đông, châu Á. “Eiye” trong tiếng Yoruba, ngôn ngữ chính ở khu vực Tây Nam Nigeria có nghĩa là “con chim”. Các “chi nhánh” của tổ chức tội phạm này được gọi là “tổ ấm” và “trung tâm đầu não” đặt ở Ibadan, địa danh cách phía Đông Lagos khoảng 100km. SEC được thành lập tại Đại học Ibadan trong những năm 1970 với mục đích ban đầu là triển khai thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều thành viên đã đi lạc lối, trở thành tội phạm ở Nigeria và nước ngoài. Quá trình điều tra cho thấy, thành phố Benin là trung tâm buôn bán người sôi động bậc nhất ở Nigeria hiện nay. Những kẻ buôn người luôn tìm cách tiếp cận, lôi kéo những cô gái trẻ, đẹp bằng cách tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua gia đình và giới thiệu về việc làm hấp dẫn ở nước ngoài.

Destiny, 19 tuổi, bị bán sang Tây Ban Nha cách đây 3 năm nói rằng, cô chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ trở thành nô lệ tình dục. “Ở Benin, nhiều cô gái rất giàu có sau khi trở về từ Tây Ban Nha. Những kẻ buôn người nói rằng, thỉnh thoảng tôi sẽ phải quan hệ tình dục nhưng thực tế, tôi đã bị đánh đập, hãm hiếp, buộc quan hệ tình dục nhiều lần mỗi đêm”, Destiny nói. 

Hành trình gian khó

Sau khi được “tuyển dụng”, các cô gái sẽ được đưa tới Lagos hoặc khu vực miền Bắc Nigeria. Tại đây, họ sẽ được “bàn giao” cho những người đàn ông được gọi là “chó sói” hay “xe đẩy”. Cuộc hành trình đến châu Âu rất nguy hiểm vì thường xuyên phải đối mặt với nhóm vũ trang ở các vùng sa mạc Niger hay ở miền Nam Libya. “Cuộc hành trình đến châu Âu kéo dài nhiều tuần lễ", Sarah, 24 tuổi, người đã đến Tây Ban Nha vào năm 2013 cho biết.

“Những người đàn ông khó chịu khi một cô gái trẻ đòi uống nước. Chúng đã để cô lại một mình trên sa mạc ở Libya và nói với ông chủ qua điện thoại rằng, cô gái đã bị nhóm khủng bố giết chết. Khi đến Libya, họ đưa chúng tôi vào một căn nhà để giam giữ. Tôi nhận ra rằng, công việc bán hàng tại siêu thị như giới thiệu chỉ là chiêu lừa đảo. Một người đàn ông chuyên làm nhiệm vụ canh giữ chúng tôi. Anh ta hãm hiếp tôi nhiều lần và tôi đã mang thai”, Sarah nói. Sarah cho biết thêm, phụ nữ thường bị hãm hiếp đến khi mang thai trước khi đưa đến Tây Ban Nha vì trẻ em và phụ nữ mang thai ít khi bị trục xuất trở lại. 

Các nhà điều tra cho biết, ngoài tuyến đường di chuyển qua Hy Lạp hay qua Yemen, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, SEC đã bắt đầu “khai thác” các chuyến bay đến Anh. Chúng sử dụng giấy tờ giả, hộ chiếu từ Nigeria để đáp chuyến bay đến Gatwick, sau đó tiếp tục phân phối “hàng” đến các quốc gia châu Âu khác. Nếu muốn được tự do, mỗi cô gái phải trả khoản tiền từ 30.000 đến 60.000 Euro. Số tiền thu được từ hoạt động bán dâm sẽ được các cô gái chia làm 3 phần, tiền thuê nhà, tiền ăn và trả cho SEC. Nếu gái bán dâm không kiếm đủ tiền hoặc từ chối làm việc, họ sẽ bị đánh đập.