Hành trình truy tố cựu thủ lĩnh phiến quân khét tiếng của Liberia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Alieu Kosiah - thủ lĩnh một nhóm phiến quân bị buộc tội giết người và hãm hiếp hàng loạt ở Liberia, Tây Phi - đã có hơn 20 năm sống yên bình ở châu Âu. Quyết tâm lật lại vụ án, các công tố viên Thụy Sĩ cuối cùng đã truy tố Kosiah sau 8 năm điều tra. Và vào tháng 6 tới, lần đầu tiên Tòa án Hình sự Liên bang Thụy Sĩ sẽ đưa ra một phán quyết về tội ác chiến tranh của Kosiah ở Liberia.

Theo luật sư của các nguyên đơn, vụ án này có ý nghĩa quan trọng bởi lần đầu tiên nó hướng tới trách nhiệm giải trình cho những tội ác đã xảy ra trong các cuộc nội chiến của Liberia từ năm 1989-2003. “Đây là phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên đối với bạo lực tình dục ở Liberia mà thủ phạm là lính trẻ em. Và lần đầu tiên sẽ có bản án dành cho tội ác chiến tranh trước mặt người Thụy Sĩ” - ông Alain Werner, một luật sư Thụy Sĩ đại diện cho một số nạn nhân trong vụ án cho biết.

Chiến binh trẻ em trong cuộc nội chiến ở Liberia

Chiến binh trẻ em trong cuộc nội chiến ở Liberia

Ký ức thời loạn lạc

Hồi tháng 2-2021, 6 người đàn ông Liberia đã bay hàng nghìn dặm từ Monrovia tới Geneva rồi đi tàu hỏa tới thị trấn Bellinzona, gần biên giới với Italia. Họ ở trong một khách sạn khiêm tốn ở trung tâm thị trấn cổ. Một số chưa bao giờ nhìn thấy tuyết và mùa đông lạnh giá. Họ là nguyên đơn, đứng ra làm chứng trước một hội đồng gồm 3 thẩm phán Thụy Sĩ tại Tòa án Hình sự Liên bang về những cáo buộc chống lại Kosiah. Nguyên đơn thứ 7 và là phụ nữ duy nhất đã dự phiên tòa qua hình thức trực tuyến từ Đại sứ quán Mỹ ở Monrovia. Teta đã sinh con chỉ vài ngày trước đó.

Trở lại năm 1994, đầu mùa mưa và cô bé Teta 15 tuổi khi đó đang chăm sóc ruộng lúa của gia đình thì nhóm chiến binh kéo đến ngôi làng hẻo lánh của cô ở hạt Lofa. Các thành viên của Phong trào giải phóng Liberia Dân chủ (ULIMO) này đã bắt trói, đưa những người đàn ông trong làng (trong đó có cha và anh trai Teta) đến trung tâm thị trấn. Bọn chúng thu tất cả gạo và dầu trong làng và bắt các phụ nữ phải nấu ăn, phục vụ.

Theo quan sát của Teta, chỉ huy của đám quân nổi dậy là Tướng Kosiah. Mới 19 tuổi, nhưng Kosiah đã lập ra một đoàn vận chuyển hàng hóa và đạn dược có khả năng tiến về biên giới Guinea. Khi đó, Teta đã chứng kiến cha và anh trai bị tàn sát. Cô bỏ trốn nhiều ngày, nhưng vì đói mà mò đến một ngôi làng và bị một cậu bé với khẩu súng bắt gặp rồi ra lệnh: “Tướng quân đang gọi. Không làm theo, tôi sẽ giết”.

Teta đã gặp lại tên chỉ huy mà trước đó vài ngày cô nhìn thấy trong làng của mình. Kosiah mặc đồ lính, làn da đen trũi, đôi mắt hình củ cải. “Em sẽ là vợ anh” - cô nhớ lại câu nói của anh ta. Teta bị nhốt trong một ngôi nhà gần đó và trở thành nô lệ tình dục của Kosiah. Một lần cánh cửa không khóa, cô vội vàng bỏ trốn trong cảnh ở trần, không có giày.

8 năm điều tra và xét xử

Thực ra, những nguyên đơn Liberia đến được Thụy Sĩ là cả một hành trình kỳ công. Năm 2013, Alain Werner - luật sư người Thụy Sĩ điều hành Tổ chức Civitas Maxima (tổ chức chuyên điều tra tội ác thay mặt các nạn nhân Liberia) nhận được thông tin: một cựu chỉ huy ULIMO đang sống gần hồ Geneva. Luật sư Werner chưa bao giờ nghe nói về Kosiah, nhưng với những tội ác dày đặc của ULIMO ở hạt Lofa từ năm 1993-1995, ông tin rằng vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng.

Mùa hè năm 2014, Werner và các luật sư đối tác đã thay mặt cho 7 nạn nhân người Liberia đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại Kosiah. Chính quyền Thụy Sĩ đã bắt giữ Kosiah vào tháng 11 năm đó cho đến nay để chờ xét xử. Phần lớn bằng chứng đã không còn sau cuộc nội chiến đầu tiên và các nhân chứng quan trọng đã bị giết hoặc đã chết.

Một số nhân chứng lo sợ bị trả thù đã từ chối tham gia phiên tòa. Sau đó, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ngăn cản các nạn nhân và nhân chứng đến Thụy Sĩ. Cuối cùng, khi công tác hậu cần đã sẵn sàng, phòng xử án Thụy Sĩ đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên. Những người khiếu nại, 4 luật sư của họ và 2 công tố viên Thụy Sĩ ngồi cách xa nhau, đều đeo khẩu trang. Kosiah, năm nay 46 tuổi, mặc một chiếc áo sơ mi trắng đi cùng luật sư của mình.

Vào ngày đầu tiên của phiên điều trần, các nguyên đơn nói rằng họ chắc chắn Kosiah chính là kẻ đã phạm các tội ác tày trời hơn 2 thập kỷ trước đó. Họ nhận ra đôi mắt lồi, làn da đen và sự tức giận của ông ta. Một người từng là lính trẻ em khi ở tuổi 12 cho biết, Kosiah đã tuyển anh ta làm vệ sĩ riêng. Một người khác nói rằng đã thấy anh trai mình bị Kosiah ra lệnh hành quyết. Có người kể Kosiah và tay chân của ông ta đã mạo phạm xác chết của một thường dân và móc tim của họ. Xuất hiện tại tòa bằng hình thức trực tuyến, Teta nói rằng cô chưa bao giờ được học hành, nhưng đã nhận ra Kosiah: “Chính là người đàn ông đang nhìn vào camera. Tôi nhận ra ông ta rất rõ”.

Giai đoạn 1993-1995, Kosiah là chỉ huy của ULIMO khi nhóm quân nổi dậy nắm quyền kiểm soát phần lớn hạt Lofa, nơi trở thành địa điểm của các cuộc tấn công khủng khiếp và tàn khốc nhằm vào dân thường. Trước đó, gia đình Kosiah bị sát hại dã man, Do đó, ở tuổi thiếu niên, hắn ta đã trốn đến nước láng giềng Sierra Leone và gia nhập ULIMO chống lại nhóm đã tàn sát bộ tộc của mình.

Theo các công tố viên Thụy Sĩ, trong thời kỳ này Kosiah đã vi phạm luật chiến tranh khi phạm tội hãm hiếp, tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em, ra lệnh cướp bóc, cưỡng bức vận chuyển, giết hại dân thường và thậm chí là ăn thịt đồng loại. Năm 1997, khi nội chiến kết thúc, Kosiah chạy sang Thụy Sĩ, xưng là người Guinea và xin tị nạn. Đơn của ông ta bị từ chối, nhưng sau đó có được cấp phép thường trú nhờ người vợ đang sống ở bang Vaud. Tại tòa, Kosiah tuyên bố không phạm bất kỳ tội ác nào như vậy vì ông ta không có mặt ở hạt Lofa trong thời gian liên quan. Bị cáo cũng nói rằng, các nhân chứng đang âm mưu chống lại ông ta bằng những lời nói dối.

Cựu chỉ huy quân nổi dậy ở Libieria Alieu Kosiah buộc phải ra hầu tòa sau hơn 20 sống yên ổn tai Thụy Sĩ

Cựu chỉ huy quân nổi dậy ở Libieria Alieu Kosiah buộc phải ra hầu tòa sau hơn 20 sống yên ổn tai Thụy Sĩ

Dai dẳng nỗi buồn chiến tranh

Bạo lực tình dục trong cuộc nội chiến ở Liberia là một vấn đề phổ biến dù chưa có tổ chức nào nắm được quy mô thực sự của nó. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ước tính, hơn 70% các vụ vi phạm là nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái, những người được sử dụng làm “vợ bụi” và người giúp việc. Tuy nhiên, hơn 15 năm kể từ khi các cuộc xung đột kết thúc và cướp đi sinh mạng của 250.000 người, các hành vi vi phạm tình dục trong thời nội chiến ở nước này vẫn chưa được coi trọng thực sự. “Liberia vẫn là một quốc gia mà bạo lực đối với phụ nữ hòa lẫn vào các hành vi tội phạm khác” - ông Emmanuelle Marchand, người đứng đầu bộ phận pháp lý của Tổ chức Civitas Maxima cho biết.

Năm 2009, Ủy ban Sự thật và hòa giải của Liberia đã đưa ra một báo cáo khuyến nghị thành lập một tòa án đặc biệt về tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, chưa một thủ phạm nào phải chịu trách nhiệm cho những hành vi tàn bạo đã gây ra trong cuộc nội chiến ở nước này. Một số lãnh chúa nổi tiếng đã đảm nhận các vị trí cấp cao trong chính phủ, có những người tái định cư ở các nước thứ ba. Nhưng lần này, Kosiah - một cựu chỉ huy của ULIMO trở thành trung tâm của phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên ở Thụy Sĩ.

Sau khi trốn thoát khỏi ngôi nhà của Tướng Kosiah, Teta đi theo một con đường về phía Guinea. Trên đường đi, cô dặn mọi người rằng, nếu mẹ cô đến tìm, hãy bảo bà tìm ở Guinea. Teta vượt biên và may mắn được một gia đình nhận vào làm. Như một phép màu, mẹ Teta nhận được tin con. Bà đến Guinea tìm từ làng này sang làng khác và rồi mẹ con đoàn tụ sau 1 năm. Hơn 10 năm sau, khi nghe tin Liberia có Tổng thống mới là bà Ellen Johnson Sirleaf, họ đã quay về nhà cũ. Tại phiên tòa, thẩm phán hỏi liệu Teta có chờ đợi một lời xin lỗi hay không. “Tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi của hắn” - cô trả lời. Khi được hỏi làm thế nào cô ấy có đủ can đảm để làm chứng, Teta nói: “Tôi muốn công lý. Hắn ta cần bị phán xét”. Teta vẫn cảm thấy kinh khủng khi những ký ức chiến tranh ùa về. Cô cho biết, em bé mới sinh được đặt tên là “Công lý”.

Phiên tòa xét xử Alieu Kosiah thực hiện được nhờ năm 2011 Thụy Sĩ có luật cho phép truy tố những người không mang quốc tịch đã phạm tội ác quốc tế nghiêm trọng ở nước ngoài. Đây là phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên xảy ra ngoài tòa án quân sự ở Thụy Sĩ và cũng là nơi đầu tiên trên thế giới xét xử tội phạm hiếp dâm như một tội ác chiến tranh ở Liberia, đặt ra một tiền lệ có ý nghĩa.