Hành trình truy tìm tên giết người hàng loạt bí ẩn Charles Sobhraj

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Charles Sobhraj là người gốc Việt - Ấn. Hồi những năm 1970, gã đã gieo rắc tội ác khắp châu Á với thủ đoạn đánh thuốc mê, cướp và sát hại khách du lịch “ba lô”. Người có công điều tra dẫn đến việc bắt giữ tên tội phạm này là một nhà ngoại giao Hà Lan công tác tại Bangkok. Hành trình truy bắt kẻ giết người hàng loạt bí ẩn này chứa đựng nhiều tình tiết ly kỳ.

Bên trong khu nhà xác nồng nặc mùi thuốc khử trùng, người ta phải làm vậy để át đi mùi xác chết đang phân hủy. Đội khám nghiệm tử thi đang kiểm tra 2 thi thể đã bị đốt cháy. “Chính là họ” - vị nha sĩ nói. Một nhà nghiên cứu bệnh học cho biết, não của người phụ nữ đã bị một thứ gì đó đâm vào và người đàn ông đã bị bóp cổ. Cảnh tượng hôm 3-3-1976 tại nhà xác Thủ đô Bangkok (Thái Lan) vẫn hiện rõ trong tâm trí của nhà cựu ngoại giao Hà Lan Herman Knippenberg. Đó là điều gây sốc nhất mà ông từng thấy trong 30 năm công tác và là động lực để nhiều năm sau ông vẫn đeo đuổi chứng cứ để đưa kẻ giết người ra trước công lý. Charles Sobhraj hiện đang thụ án chung thân tại một nhà tù ở Nepal vì đã giết 2 du khách vào năm 1975.

Charles Sobhraj còn có biệt danh “con rắn” về khả năng che giấu tội ác, luồn lách khắp nơi

Charles Sobhraj còn có biệt danh “con rắn” về khả năng che giấu tội ác, luồn lách khắp nơi

Tay buôn đá quý và bộ sưu tập kỳ quái

Vào ngày 6-2-1976, nhà ngoại giao Knippenberg nhận được một lá thư nhờ tìm cặp đôi khách du lịch người Hà Lan là Henricus Bintanja và Cornelia Hemker bị nghi mất tích. Khi đi du lịch châu Á, họ viết thư về cho gia đình 2 lần/tuần, nhưng đã 6 tuần liên tục người thân không nhận được tin tức gì. Knippenberg lúc đó 31 tuổi và là một nhà ngoại giao cấp thấp tại Đại sứ quán Hà Lan ở Bangkok nhận thấy có điều gì đó khá kỳ lạ.

Trước đó 1 tuần, 2 thi thể cháy sém đã được tìm thấy bên lề đường gần Ayutthaya, cách Bangkok khoảng 80km. Knippenberg tự hỏi, không biết liệu thi thể đó có phải là cặp vợ chồng người Hà Lan hay không. Vì vậy, ông đã mới một nha sĩ Hà Lan đang làm việc tại Bangkok đến để giám định răng các thi thể đang bảo quản tại nhà xác và đối chiếu với hồ sơ nha khoa của cặp vợ chồng mất tích. Khi suy nghĩ về vụ việc, Knippenberg nhớ lại một câu chuyện kỳ lạ mà người bạn Paul Siemons - tùy viên Đại sứ quán Bỉ - đã kể cho ông vài tuần trước đó. Đó là Alain Gautier - một nhà buôn đá quý người Pháp ở Bangkok có một bộ sưu tập hộ chiếu những người nước ngoài mất tích, trong đó có 2 tấm hộ chiếu Hà Lan.

Bị Knippenberg khẩn khoản hỏi, Siemons đã giới thiệu ông với một phụ nữ Pháp tên là Gires vốn sống cùng khu chung cư với tay buôn đá quý kia. Cô ta cho hay đã nhìn thấy cặp vợ chồng du khách Hà Lan đến khu nhà này. Sáng 11-3-1976, Gires báo cho Knippenberg biết việc Alain Gautier và bạn gái Marie-Andrée Leclerc đang có kế hoạch đi châu Âu. Knippenberg gọi cho cảnh sát và tối hôm đó họ ập vào căn hộ của Alain Gautier. Khi cảnh sát đưa nghi phạm đi thẩm vấn thì người này đưa ra hộ chiếu công dân Mỹ và sau đó sớm được thả. Tuy nhiên, sự thật đó chỉ là hộ chiếu của một nạn nhân mà anh ta đã chèn ảnh của mình vào. Vài ngày sau Alain Gautier rời Thái Lan.

Khoảng 1 tháng sau, Knippenberg nhận được cuộc gọi từ Đại sứ quán Canada cho hay, cha mẹ của Marie-Andrée Leclerc đã báo cảnh sát Canada rằng con gái họ đi du lịch với bạn trai và cô để lại liên lạc khẩn cấp gần Marseilles (Pháp). Khi cảnh sát Pháp đến đó kiểm tra, họ mới biết danh tính bạn trai cô gái này không phải là Alain Gautier, tên thật của gã là Charles Sobhraj.

Nhà cựu ngoại giao Hà Lan Herman Knippenberg vẫn nhớ nhiều chi tiết rùng rợn khi theo dấu kẻ giết người hàng loạt Charles Sobhraj

Nhà cựu ngoại giao Hà Lan Herman Knippenberg vẫn nhớ nhiều chi tiết rùng rợn khi theo dấu kẻ giết người hàng loạt Charles Sobhraj

Kẻ giết người hàng loạt sa lưới

Alain Gautier là một trong nhiều cái tên được Charles Sobhraj sử dụng. Trên đường chạy trốn và đóng giả một đại lý buôn đá quý ở Bangkok, tên trộm, kẻ lừa đảo và kẻ giết người này đã kết bạn với nhiều du khách sau đó đánh thuốc mê để cướp tài sản của họ. Trong thời kỳ an ninh biên giới còn lỏng lẻo, hắn thường sử dụng danh tính của các nạn nhân và sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp để luồn lách khắp châu Á.

Sinh năm 1944 tại Sài Gòn thời Pháp thuộc, Sobhraj có mẹ là người Việt Nam và cha là người Ấn Độ. Gã đã trải qua một thời thơ ấu khó khăn khi cha mẹ chia tay. Người mẹ tái hôn với một lính Pháp và theo chồng về nước, nơi mà cậu thiếu niên Sobhraj phải vật lộn để ổn định cuộc sống trước khi bước vào thế giới tội phạm. Những người đã gặp Sobhraj đều mô tả đây là một kẻ lừa đảo đẹp trai, quyến rũ, đầy bạn gái theo đuổi.

Cũng trong năm 1976, Gires gọi điện cho Knippenberg báo rằng, chủ nhà của Sobhraj muốn cho người khác thuê và sẽ vứt bỏ đồ đạc của anh ta. Lo ngại bằng chứng quan trọng bị mất, Knippenberg tập hợp một nhóm bạn tới căn hộ. Họ đã tìm thấy 5kg thuốc, hóa chất cũng như áo khoác và túi xách của Hemker - người phụ nữ Hà Lan mất tích cùng chồng. Ngày 5-5-1976, Đại sứ quán Hà Lan đề nghị Knippenberg chia sẻ câu chuyện với báo chí. Sau đó, các nhà chức trách Thái Lan đã vào cuộc, họ đề nghị Interpol phát truy nã quốc tế. Tháng 7-1976, Sobhraj bị bắt ở Ấn Độ sau khi đánh thuốc mê một nhóm khách du lịch Pháp ở New Delhi. Hắn cũng bị buộc tội giết một người đàn ông Israel ở Varanasi và một du khách Pháp ở Delhi vào cùng năm đó. Kết quả, đối tượng bị kết án 12 năm trong nhà tù Tihar khét tiếng của Ấn Độ.

Nhưng cuộc sống sau song sắt không hoàn toàn tồi tệ đối với Sobhraj. Sunil Gupta - cựu Giám đốc nhà tù Tihar cho biết, Sobhraj kiếm được tiền bằng cách soạn thảo các bản kiến nghị nộp lên tòa án cho các tù nhân giàu có. Phạm nhân đặc biệt này còn bí mật ghi âm về hành vi tham nhũng của lãnh đạo trại giam để “bắt thóp” họ. Hôm đó, Gupta đang ở nhà thì nhận tin báo Sobhraj đã trốn thoát cùng hơn 10 tù nhân khác. Tới nơi, ông thấy một cảnh tượng kinh hoàng: tất cả những người gác cổng đều nằm mê man. Sobhraj nói hôm đó sinh nhật mình nên đã mời họ món đồ ngọt có tẩm thuốc an thần. Nhưng chỉ còn vài tuần nữa là hắn được thả, tại sao kẻ giết người hàng loạt này phải vượt ngục như vậy?

Sobhraj bị bắt lại vào ngày 6-4-1977 khi đang nhâm nhi bia ở khu nghỉ mát Goa (Ấn Độ). Ông Gupta cho rằng, tên tội phạm lo sau khi ra tù sẽ bị dẫn độ đến Thái Lan đối mặt án tử hình vì các vụ giết người năm 1975, nên cố tình vượt ngục nhằm nhận thêm án tù ở Ấn Độ cho đến khi hết thời hiệu khởi tố ở Thái Lan. Mãn hạn tù ở Tihar vào năm 1997 sau 21 năm bị giam giữ, Sobhraj tiếp tục được giới truyền thông chú ý bởi hắn đã bán bản quyền phim, sách, kể về câu chuyện đời mình với giá 15 triệu USD cho một nhà sản xuất giấu tên người Pháp.

Trang nhất của tờ Bangkok Post đưa tin về tội ác của Charles Sobhraj

Trang nhất của tờ Bangkok Post đưa tin về tội ác của Charles Sobhraj

Bản án chung thân nơi đất khách

Vào một buổi sáng mùa đông năm 2003 ở Wellington (New Zealand), Knippenberg đang tận hưởng ngày nghỉ hưu đầu tiên thì một người bạn gọi tới cho hay, Sobhraj vừa bị bắt ở Nepal và bị buộc tội giết một du khách Mỹ ở Kathmandu năm 1975. Thật lạ lùng, Nepal là nơi duy nhất trên thế giới mà hắn ta vẫn còn là một kẻ bị truy nã. Bị cảnh sát Nepal thẩm vấn, Sobhraj phủ nhận trước đây từng đến thăm đất nước này. Knippenberg vội đi xuống gara của mình, nơi ông giữ 6 hộp tài liệu liên quan đến Sobhraj. Ông nhớ, cô bạn gái Leclerc của Sobhraj khi bị bắt vào tháng 7-1976 đã mô tả chi tiết khoảng thời gian cô ta ở Nepal với Sobhraj. Những tài liệu đó được ông gửi cho FBI.

Tháng 8-2004, Sobhraj bị kết án tù chung thân. Đến năm 2014, một tòa án ở Nepal đã kết án gã về tội sát hại du khách Laurent Carrière người Canada vào năm 1975. Mức án được tuyên là 20 năm. Lý do vụ án được mở lại là vì các công tố viên lo ngại Sobhraj có thể kháng cáo để được ra tù sớm do tuổi già. Nhưng sau song sắt, Sobhraj vẫn gây chú ý. Năm 2008, khi đã 64 tuổi, Sobhraj kết hôn với cô Nihita Biswas (20 tuổi) là con gái của luật sư riêng. Nihita Biswas cũng đóng vai trò là người phiên dịch cho chồng. “Anh ấy vô tội. Không có bằng chứng chống lại anh ấy” - Biswas nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ Times of India. Cho đến giờ, Sobhraj đã 76 tuổi và vẫn phải thụ án chung thân.

Knippenberg nay cũng đã 76 tuổi, ông thừa nhận cung cấp thông tin giúp bắt Sobhraj ở 2 quốc gia, nhưng không cho là mình là “anh hùng”. Knippenberg cho rằng, vụ án vẫn chưa hoàn toàn khép lại bởi Sobhraj vẫn chưa thừa nhận ra tay với một số nạn nhân, trong đó có cặp vợ chồng xấu số người Hà Lan.

Charles Sobhraj cuối cùng đã thừa nhận ít nhất 12 vụ giết người từ năm 1972 đến năm 1976. Một số nạn nhân được cho là đã bị đánh thuốc mê quá liều, một số bị chết đuối, trong khi những người khác bị đâm và đổ xăng lên đốt để phi tang. Không rõ số nạn nhân thực sự của hắn và chỉ có 2 trong số những vụ này khiến Sobhraj bị kết án.