Hành trình trả nợ đời của người đàn bà buôn ma túy

ANTĐ - Đi buôn và tàng trữ ma túy, đến lúc bị tuyên án 7 năm tù, người phụ nữ ấy mới nhận ra tác hại kinh hoàng về việc làm của mình là đi reo rắc “cái chết trắng”. Ngày được trả tự do, chị đã trả nợ đời bằng cách xung phong tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân trong địa phương tránh xa thuốc phiện và ma túy. Chị là Tô Thị Kim Loan (SN 1972), ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Nghèo túng sinh làm liều 

Chị Tô Thị Kim Loan đã từng có gia đình đầm ấm với hai đứa con, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền, ăn bữa nay lại lo bữa mai cứ mãi luôn đeo đẳng. Không bằng lòng với số phận, chị nghĩ ra đủ mọi cách làm ăn với hy vọng một ngày nào đó kinh tế gia đình sẽ khá giả, con cái đủ ăn, đủ mặc, được ăn học đến nơi đến chốn như bao đưa trẻ con nhà giàu khác.

Quyết tâm làm giàu, vợ chồng chị Loan bàn nhau buôn bán để thoát khỏi cái nghèo. Mạnh dạn vay mượn tiền của người thân, hai vợ chồng mở một xưởng làm bì lợn ngay tại nhà mình. Họ làm việc quần quật cả ngày không ngơi nghỉ. Ngặt nỗi, đúng lúc đang làm ăn phát đạt, hàng xuất vào miền Nam làm không kịp thì tai bay vạ gió ập đến với tổ ấm này. Một lượng hàng lớn đang chuẩn bị xuất đi thì ngay trước ngày xuất hàng, căn nhà bỗng dưng bốc cháy mà không rõ nguyên nhân. Thế là trong tích tắc, toàn bộ gia sản và hàng hóa của vợ chồng chị Loan đã tan thành tro bụi. Các chủ nợ còn thi nhau kéo đến nhà chị Loan để đòi tiền…

Trong thời điểm khốn cùng nhất của gia đình chị Loan thì cũng là giai đoạn  “cơn bão” ma túy ồ ạt kéo về và hoành hành trên địa bàn thị trấn. Trong lúc túng quẫn, thất vọng và cũng chưa biết làm gì để kiếm sống,  thấy nhiều gia đình giàu có lên nhờ buôn bán ma túy, chị Loan đã tính liều. “Hồi đó ở quê tôi người ta bán bạch phiến gần như công khai. Người mua, kẻ bán đầy nhan nhản chứ không như bây giờ đâu. Qua một vài người ở cùng làng, tôi lấy “hàng” về bỏ xỉ tại nhà cho các con nghiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, kinh tế gia đình tôi đã phục hồi, không còn cảnh nghèo túng như xưa. Vì thế, càng ngày tôi càng dấn sâu vào con đường tội lỗi nhưng không được bao lâu thì tôi bị công an bắt cùng với số “hàng” tàng trữ trong nhà”, chị Loan nhớ lại.

Hành trình trả nợ đời 

Vụ án được đem ra xét xử. Những giọt nước mắt ân hận không thể cứu cho sự tự do của Loan. Kết thúc phiên tòa, bị cáo Tô Thị Kim Loan bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy”. Loan bị chuyển về giam giữ, cải tạo tại Trại giam Ngọc Lý, Bắc Giang. Chính trong những tháng ngày tù tội ấy, Loan đã thực sự tỉnh giấc và nhận ra rằng mình đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời. Chị tâm sự: “Vào trại, tôi mới thực sự hiểu hết tác hại của việc mình làm. Nhưng điều quan trọng nhất đó là hai đứa con nhỏ đang ở nhà của tôi. Tôi sợ khi lớn lên, chúng sẽ đi vào vết xe đổ của mẹ thì tôi có chết cũng không thể nhắm mắt. Nỗi nhớ con tha thiết cùng với nỗi sợ chồng ở nhà lấy vợ khác thì các con sẽ khổ, chính điều ấy trở thành động lực giúp tôi cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về cùng với gia đình và xã hội”.

Nhờ nhận thức đúng đắn và có thái độ lao động, cải tạo tốt, sau đó Loan đã được ân xá và ra tù trước thời hạn 2 năm. Ngày trở về với cuộc sống đời thường, với sự mặc cảm của một người đã từng phạm tội, điều khiến Loan hoang mang nhất là những lời dị nghị mà mọi người nói về mình, chị sợ xã hội sẽ không tiếp nhận một con người tù tội quay trở lại. Nhưng rất may là những ánh mắt kỳ thị dành cho chị mau chóng tan đi, chính quyền, đoàn thể địa phương động viên, giúp đỡ chị có thêm nghị lực, quyết tâm làm lại cuộc đời. Lúc đấy, nhận thấy số người nghiện ở thôn khá đông và cả những người bán ma túy vẫn còn, vì thế chị quyết định đi tuyên truyền về tác hại của ma túy. Nhưng chị cũng lại nhận ra rằng, vận động mà không có tổ chức thì không có tiếng nói, thế là chị Loan xin một “chân” trong Hội Phụ nữ ở thôn để thực hiện quyết tâm của mình.

Từ giữa năm 2005, chị Loan hàng ngày đều đi đến từng gia đình để tuyên truyền về tác hại của ma túy và khuyên họ nên tránh xa. Với những con nghiện, chị cố gắng tiếp cận và tranh thủ mọi lúc để khuyên can họ từ bỏ con đường nghiện ngập sai trái. Chị tâm sự: “Những ngày đầu tôi đi tuyên truyền, mọi người không ai thèm nghe tôi nói. Họ bảo tôi không có việc gì để làm hay sao mà rỗi hơi đến vậy. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Tôi tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc đi làm ngoài đồng hay lúc tôi đến nhà người khác chơi. Lâu thành quen, mọi người mới bắt đầu tin tưởng vào công việc của tôi đang làm”. Với những người bán ma túy, chị tìm đến trò chuyện tâm tình và kể về nỗi thống khổ trong những tháng ngày phải vào trại giam, bị mất tự do, phải xa gia đình để họ hiểu mà dừng bước. Càng hoạt động chị càng thấy lòng mình thanh thản và phần nào tội lỗi của chị được vơi bớt.

Sau nhiều năm nhiệt tình đi tuyên truyền về tác hại của ma túy, chị Loan được mọi người yêu mến gắn biệt danh “bà tuyên truyền thôn”. Thấy người ta gọi mình như vậy, chị cảm thấy vui, sự say mê càng có thêm cơ hội được phát huy khi chị xin vào làm cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Khi nộp đơn, chị Loan nghĩ nguyện vọng của mình trở thành hiện thực rất mờ, chỉ “5 ăn 5 thua” là cùng. Tuy nhiên, sau đó nhờ sự đồng ý từ chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của các chị em phụ nữ trong Hội nên chị Loan đã được thỏa ước nguyện.

Cũng từ ngày đó, chị dành nhiều thời gian hơn cho công việc mà mình theo đuổi. Với bài học từ chính sự vấp ngã của cuộc đời mình, chị Loan đã khuyên can thành công một số đối tượng nghiện. Từ đó, nhận thức của bà con địa phương về chị cũng được “cải tiến” trông thấy. Họ không còn khinh miệt “bà tuyên truyền thôn” như những ngày đầu mà tin rằng, những con người lỗi lầm chỉ cần thực sự quyết tâm quay trở lại con đường lương thiện thì không có gì khó khăn cả. Cảm phục tấm lòng và nghị lực của chị Loan, không ít người nghiện ma túy đã tìm đến tận nhà để nhờ giúp đỡ. Những lúc như thế, chị lại ở bên động viên thậm chí là giúp đỡ về kinh tế để họ yên tâm cai nghiện. Được biết, suốt khoảng thời gian từ năm 2005 cho tới nay, chị Loan đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công và quay trở lại con đường làm ăn chân chính. Cũng nhờ vậy mà tình trạng tái nghiện và mắc nghiện trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh đã giảm đi trông thấy. 

Bà Nguyễn Thị Tám, một người dân địa phương cho biết: “Chị Loan “tuyên truyền” thì có ai mà không biết. Ngày nào tôi cũng thấy chị ấy tìm đến những nhà có người nghiện để trò chuyện. Chị ấy còn cho một bà lão có con trai mắc nghiện vay tiền để cai thuốc. Chị ấy cũng giỏi giang và chịu khó nữa, nếu không thế thì làm sao mà thuyết phục được những đứa nghiện ngập nhiều năm liền đi cai nghiện”. Với những cống hiến nhiệt tình đó, chị Loan đã nhiều lần được Ban chấp hành Liên hiệp phụ nữ huyện Văn Lâm tặng giấy khen, đạt danh hiệu cán bộ hội cơ sở giỏi… Khi được hỏi: “Có khi nào chị nghĩ sẽ từ bỏ công việc này không?”, chị Loan trả lời: Nếu không được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, của mọi người chắc có lẽ cuộc đời của tôi sẽ không bao giờ trở lại như ngày nay. Chính vì vậy, tôi làm công việc này cho những người dân quê tôi và cũng là cho tôi. Tôi sẽ làm đến lúc không còn làm được nữa, chỉ có đi làm như vậy tôi mới xóa được lỗi lầm trước kia của mình.