Hành trình tìm về tâm lũ miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi cả nước hướng về miền Trung, người dân Việt thắt lòng trước những hình ảnh bà con vùng lũ chật vật xoay xở giữa con nước hung hãn, tôi có may mắn được tham gia chuyến đi công tác xã hội - tình nghĩa vào tâm lũ. Đây là một trong những chuyến đi mà bản thân tôi không bao giờ quên, bởi cùng với nỗ lực cho đi, tôi đã được nhận lại rất nhiều…
Đoàn công tác xã hội tình nghĩa do Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô trao tặng bình lọc nước tới người dân huyện biên giới Đakrông (tỉnh Quảng Trị)

Đoàn công tác xã hội tình nghĩa do Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô trao tặng bình lọc nước tới người dân huyện biên giới Đakrông (tỉnh Quảng Trị)

“Làm công tác thiện nguyện càng ngày càng dễ, và cũng càng ngày càng khó!”. Đó là lời đúc kết của một người bạn thường xuyên hoạt động xã hội, khi chia sẻ với tôi.

Dễ, là bởi với sự phát triển của mạng xã hội, thì chỉ cần một câu chuyện với vài con chữ, một hình ảnh, một clip, là rất nhiều người có thể tiếp cận một hoàn cảnh cần giúp đỡ, và việc quyên góp thực sự hiệu quả, nhanh chóng.

Khó, cũng vì đặc thù kể trên. Mạng xã hội rộng lớn, “chín người mười ý”, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong vô vàn công việc của hoạt động thiện nguyện, thì người đứng ra thực hiện có thể phải gánh “bão” chỉ trích, hiểu lầm…

Tôi cảm nhận yếu tố “khó” nhiều hơn là “dễ”. Khó chứ! Trong những ngày căng thẳng này, một người bạn trong đoàn thiện nguyện đã gọi cho tôi, hỏi cách xử lý khi đoàn của bạn “đặt mua áo phao cho người dân vùng lũ”, nhưng lúc cả đoàn vào đến nơi thì đầu mối giao hàng “xù” tất cả.

Rồi một người bạn khác đang quản trị diễn đàn vài nghìn thành viên tích cực, hỏi ý kiến tôi về việc có nên đứng ra tổ chức hoạt động kêu gọi ủng hộ và đi vào miền Trung hay không. Tôi khích lệ anh, nhưng cũng không quên nhắc anh rằng, kêu gọi ủng hộ thì sẽ nhanh, nhưng sau đó, khi trực tiếp làm thì anh sẽ phải sẵn sàng bỏ ra công sức, thời gian, và cũng sẵn sàng luôn việc chấp nhận nghe chỉ trích, chấp nhận việc bị hiểu lầm…

Nghe thế, anh bần thần bảo “ừ nhỉ!”, rồi cuối cùng quyết định chỉ đứng ra kêu gọi ủng hộ và sẽ chuyển cho tổ chức khác thực hiện.

Sở dĩ kể lại những chuyện đó, để thấy rằng, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân âm thầm làm rất nhiều công việc thiện nguyện chỉ vì tấm lòng, tình cảm nhắc nhở, thôi thúc họ cần phải làm như vậy.

Báo An ninh Thủ đô là một cơ quan có truyền thống hoạt động xã hội - tình nghĩa như thế!

Khi nghe tin mình có tên trong danh sách đoàn công tác đi vào miền Trung, đến nơi vừa trải qua trận lũ dữ là huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tôi vừa mừng, vừa lo.

Mừng vì bản thân lại có thêm cơ hội được làm công việc ý nghĩa mà mình rất muốn, vì cơ hội trải nghiệm quý báu cho bất kỳ ai làm nghề báo, song lo bởi tôi nhận thông tin về chuyến đi khi cơn bão số 8 và đặc biệt là cơn bão số 9 được dự báo sẽ đổ vào vị trí mà mình sắp đến…

Trước chuyến đi, tôi được nghe phổ biến rằng, món quà mà đoàn sẽ trao tặng là bình lọc nước. Nghe tưởng đơn giản, nhưng câu chuyện đằng sau món quà này lại rất đáng để ngẫm nghĩ, để kể ra.

Sau khi nhận được sự ủng hộ từ những bạn đọc, các doanh nghiệp hảo tâm, Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã suy nghĩ, tìm giải pháp là món quà phù hợp. Không hề đơn giản!

Có món quà nào ứng dụng hiệu quả trong vùng lũ, sau lũ vẫn phát huy tác dụng, góp phần giải quyết vấn đề sinh hoạt hằng ngày?

“Người dân ở vùng lũ sống giữa biển nước, nhưng lại không có nước uống, chẳng có nước để nấu dù chỉ gói mì ăn liền. Đó là thực tế khắc nghiệt mà bà con đang phải gánh chịu. Vậy nên, bình lọc nước là một trong những vật phẩm phù hợp nhất! Bà con có thể dùng trong và sau lũ, đều rất hiệu quả!”, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, bày tỏ như vậy trong cuộc họp trước chuyến đi.

Những bình lọc nước được vận chuyển tới xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị)

Những bình lọc nước được vận chuyển tới xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị)

Sau khi chọn được món quà phù hợp, “bài toán” tiếp tục phải giải quyết ở khâu chất lượng và vận chuyển. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, được chứng nhận bởi những cơ quan độc lập uy tín, để bà con yên tâm sử dụng. Điều này cũng được giải quyết nhanh gọn, bởi sản phẩm mà Báo An ninh Thủ đô lựa chọn là loại bình được UNICEF và Bộ Y tế thẩm định xác nhận có chất lượng tốt và hiệu quả, đã từng sử dụng trong một số chương trình nước sạch nông thôn .

Kế đó là việc vận chuyển - một sản phẩm đặc biệt dễ vỡ - vượt quãng đường gần 1.000km (từ nơi sản xuất là An Giang tới Quảng Trị) mà phải đảm bảo an toàn, cũng không hề đơn giản…

Tất cả vấn đề khó đó đều được xử lý gọn gàng, giải quyết từ gốc rễ, với những cái đầu từng trải của những người giàu kinh nghiệm hoạt động công tác xã hội - tình nghĩa tại Báo.

Ngày lên đường, tôi thêm phần yên tâm, khi đoàn 4 người có 3 người anh rất giàu kinh nghiệm: Từ đường sá, khí hậu, đặc điểm địa lý… các anh đều nắm vững, để đảm bảo chuyến hành trình gần 1.400km (hai lượt) an toàn, khi 2 cơn bão số 8 và 9 đang áp sát.

Trên từng cây số của hành trình “tìm về tâm lũ” để cho đi những điều tốt đẹp, tôi đã may mắn được nhận lại rất nhiều. Đó là những câu chuyện hay, ý nghĩa về các hoạt động công tác xã hội - tình nghĩa của Báo mà tôi chưa có cơ hội khám phá, được những người anh đi trước kể lại đầy hào hứng, đó là những thông tin về từng địa danh mà đoàn đi qua, trên suốt gần 700km dọc chiều dài đất nước.

Cùng với đó, có những chuyến xe xuôi ngược, đi qua chiếc xe của đoàn cũng làm tôi ấm lòng. Những chiếc xe tải, xe bán tải gắn băng-rôn đỏ “Cứu trợ miền Trung”, “Hết lòng vì đồng bào miền Trung thân yêu”, “Hướng về miền Trung”… thực sự có sức truyền cảm hứng rất lớn. Những chuyến xe đó - khi đi cùng chiều với chúng tôi - thì chở đầy ắp hàng hóa, và khi chạy ngược chiều thì thùng xe đã quang tênh, với nét mặt hồ hởi và mãn nguyện của những người vừa hoàn thành sứ mệnh…

Sau một ngày chạy xe liên tục, đoàn chúng tôi đến tỉnh Quảng Trị - nơi có những địa danh gắn với lịch sử, những ký ức đau thương, và những câu thơ mà chỉ Quảng Trị mới có.

Tôi đã cảm nhận được sự bi tráng ấy, khi người anh trong đoàn đọc câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” (tác giả: Lê Bá Dương).

Bước vào thành cổ Quảng Trị, lại là những dòng xúc động: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng” (tác giả: Phạm Đình Lân).

Chắc chắn tôi sẽ không quên những câu thơ đó trên chặng đường làm nghề của mình. Đó là khoảnh khắc mà một cây bút đi làm công tác xã hội như tôi được “nhận lại” rất nhiều!

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đã tới huyện biên giới Quảng Trị - Đakrông. Đường đi với những phần sạt lở nghiêm trọng, những vết bùn đất còn kéo vệt trên bức tường cao cả mét, những mảng bèo dồn đẩy tới mép thành cầu… đã nói thay sự hung bạo của trận lũ vừa qua, mà người dân Đakrông phải gánh chịu.

Người dân nơi đây thật như đếm, và mang vóc dáng khắc khổ khi phải thường xuyên đối mặt với thiên tai khắc nghiệt.

Tâm sự với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Văn Trung - Trưởng Công an huyện Đakrông - trải lòng rất nhiều. Anh nói, trong những ngày Đakrông bị nước lũ bao vây, một số đoàn thiện nguyện đã tới và Công an huyện huy động tối đa nhân lực, vật lực có thể để hỗ trợ các đoàn.

Trong câu chuyện ấy, có những khoảng lặng. Lặng là khi vị trưởng công an huyện nói về những tấm lòng trân quý của người ủng hộ, nhưng đôi lúc, món đồ mà họ mang tới không có tính thực tế, như thực phẩm sau hành trình dài có nguy cơ lớn gặp vấn đề mất vệ sinh, an toàn, mà nhận xong thì phải điều chỉnh ra sao để người tặng hiểu và thông cảm… Lặng là khi ở đâu đó trên mạng xã hội Facebook, có những ý kiến phiến diện, thậm chí sai lệch hoàn toàn, dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai về nỗ lực của những cán bộ đang ngày đêm chèo chống lũ dữ giúp đỡ bà con…

“Tôi nghĩ, chỉ những kẻ có đầu óc không bình thường mới nghĩ đến việc xà xẻo đồ cứu trợ của người dân vùng lũ lúc này. Còn những người như chúng tôi có mặt ở đây là để hỗ trợ phân phát đồ cứu trợ một cách công bằng và đến tay người dân nhanh nhất có thể”, Thượng tá Hoàng Văn Trung đã trải lòng như thế, khiến tôi không thể quên.

Danh sách trao tặng bình lọc nước mà phía Công an huyện phối hợp với Báo An ninh Thủ đô thực hiện có tên của nhiều điểm trường, cùng toàn bộ số xã trên địa bàn. Tất cả được lên phương án khẩn trương, rõ ràng và hợp lý.

Khi hoàn thành chuyến công tác, tôi trở về và nghe thấy những lời phát thanh từ radio: “Trong cơn bão số 9, nhiều địa phương đã bị ngập nặng trở lại. Trong đó, có huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Xã Ba Lòng ở huyện này bị ngập sâu, cô lập…”. Đó là những nơi mà đoàn công tác của chúng tôi vừa đến và trao tặng bình lọc nước.

Khó khăn chồng lên khó khăn, và bà con sẽ tiếp tục phải nỗ lực để vượt qua. Nhưng trong bức tranh ấy, tôi vẫn thấy lấp lánh niềm hy vọng. Niềm hy vọng đó là giọt nước sạch từ chiếc bình lọc chảy ra, để giúp bà con có thêm nguồn lực chống chịu với sự cuồng nộ của thiên nhiên.

Giờ, ngồi viết ra những dòng này, tôi càng thấy thấm thía hơn với câu nói “cho đi là nhận lại”. Đúng, tôi đã được nhận quá nhiều thứ từ chuyến đi công tác xã hội - tình nghĩa vừa qua của Báo An ninh Thủ đô.

Và điều nhận được lớn nhất chính là bài học về sự tử tế. Sự tử tế ấy lan tỏa rất nhiều, và được gửi gắm trong từng món quà trao đến tay người dân vùng lũ.