Hành trình tìm lại đứa con Việt của cựu lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam

ANTĐ - Chiến tranh qua đi, mọi thứ đều trở thành dĩ vãng, duy chỉ có tình thân là còn mãi. Ở tuổi 60, 70, các cựu chiến binh Mỹ có con là người Việt Nam đang hy vọng tìm lại những đứa con mà họ chưa từng gặp mặt.

Ông Jerry và người yêu cũ - một cô gái Việt Nam

Một người đàn ông Mỹ cao, gầy, đội chiếc mũ rơm đi lang thang trên những con phố nhỏ của thành phố Hồ Chí Minh, trong tay nắm chặt một album ảnh. Bên cạnh ông là Hùng Phan, thông dịch viên, người đã giúp hàng chục cựu chiến binh Mỹ tìm lại những đứa con của họ đã thất lạc trong vòng 20 năm qua. Khách hàng mới nhất của anh là người đàn ông Mỹ với chiếc mũ rơm giản dị: Jerry Quinn. Ông đến Việt Nam để tìm con trai mình.

"Tôi còn nhớ chúng tôi sống tại số nhà 40", Quinn nói và đưa mắt nhìn khắp các con phố để tìm kiếm căn nhà ông từng chung sống với người bạn gái Việt Nam của mình. Nhưng không có căn nhà số 40.

Một đám đông nhỏ tập hợp. Một người đàn ông lớn tuổi đứng trước ngôi nhà của mình và giải thích rằng, tên đường phố, và cả những số nhà đã được đặt lại sau năm 1975.

Jerry Quinn là 1 trong 2 triệu binh sĩ Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Đã có khoảng 100.000 trẻ em được sinh ra từ mối quan hệ giữa những người phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ. Những người lính đang già đi từng ngày, họ cảm thấy tội lỗi hay chỉ tò mò muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra với con cái của họ trước khi nhắm mắt?

“Một số người cha không chỉ muốn biết điều đó”, Brian Hjort nói. Ông cùng với Hùng Phan thành lập một tổ chức có tên là “Những người cha tìm con”, không vì mục đích lợi nhuận của tổ chức, mà đặt mối quan hệ ruột thịt giữa con người lên hàng đầu. 

Kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ lưu giữ tỉ mỉ hồ sơ của các binh sĩ và cựu chiến binh, Hjort đã sớm có thể liên kết hàng chục trẻ em với cha của họ.

Tuy nhiên đôi khi ông cũng thấy khó chịu khi nhận được những phản ứng phũ phàng từ những người trong cuộc. "Họ sẽ hét vào mặt tôi và nói: Sao lại gọi cho tôi, anh muốn gì? Nó không phải con trai của tôi. Làm ơn đừng gọi cho tôi nữa!".

Trái ngược với những người đó, Jerry Quinn, một nhà truyền giáo sống và làm việc tại Đài Loan, lại là người lo lắng đi tìm con trai mình. Ông nói rằng, khi ông được cử đi công tác ở vùng Viễn Đông, ông nghĩ đó là cách để ông sửa đổi quá khứ của mình. "Tôi cho rằng đây chính là nơi đưa tôi ra khỏi tội lỗi khi tôi làm tròn nhiệm vụ của một người cha", Jerry nói.

Năm 1973, bạn gái Việt Nam của ông có biệt danh là Brandy, mang thai và họ được chấp nhận kết hôn. Nhưng đúng lúc đó, thỏa thuận cuối cùng buộc quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam ngay lập tức và Jerry Quinn đành phải quay về.

"Tôi đã cố gắng để giữ liên lạc, tôi gửi cho cô ấy 100 USD mỗi tháng trong một năm. Tôi không biết liệu cô ấy có nhận được số tiền ấy hay không?". Brandy đã gửi cho ông ba tấm ảnh, mà 40 năm sau ông đã gặp tất cả mọi người trên đường phố của thành phố Hồ Chí Minh. Một bức chân dung của Brandy - cô gái Việt cao ráo xinh đẹp trong độ tuổi 20; một tấm ảnh cô ấy với con trai của họ; và một tấm cô đứng bên cạnh một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác trắng.

Qua ba ngày lang thang trên khắp đường phố, Jerry cảm thấy tuyệt vọng. Ông và Hùng Phan đã nhờ tới giúp đỡ của chủ hiệu mì gần ngôi nhà nơi Jerry và Brandy đã từng sống với nhau. Người chủ cửa hiệu ngồi trên ghế, lật từng trang của album ảnh đến tấm ảnh của Brandy và người phụ nữ trong chiếc áo khoác màu trắng, bà dừng lại và nói: "Cô ấy là nữ hộ sinh ở đây, bây giờ cô đang sống tại Mỹ, nhưng vẫn không quên và thỉnh thoảng trở lại thăm chúng tôi. Hôm qua con gái cô ấy đã ăn một bát mì ở đây".

Jerry đã cầu xin sự giúp đỡ để liên lạc với người phụ nữ đó, và bà buộc lòng đồng ý.

Ông Jerry và bà Kim, người đã giúp Jerry tìm lại đứa con chưa bao giờ gặp mặt của ông


Hôm sau bà Kim đến. Đó là một phụ nữ trung niên thanh lịch, bà đang ở một khách sạn giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với người chồng bác sĩ gốc California của mình. Bà cầm album, chỉ vào bức ảnh của Brandy, phấn khích nói: "Tôi nhớ bà ấy, chúng tôi là những người bạn tốt của nhau và tôi đã giúp bà ấy sinh con".

Kim viết họ tiếng Việt của Brandy là Bùi lên mặt sau của một trong những hình ảnh nhưng lại không thể giúp Jerry biết tên của con trai ông. Nghẹn ngào nước mắt, Jerry hỏi Kim liệu ông có thể nắm tay bà bởi đây là bàn tay đã giúp con trai ông chào đời, bây giờ nó lại giúp cha con họ gần nhau hơn. Và câu chuyện kết thúc trong một hiệu mì nhỏ ở Việt Nam, khi các khách hàng ngạc nhiên nhìn thấy một người đàn ông Mỹ đang khóc và nắm tay một người phụ nữ Việt.

Khi Jerry đăng tải các bức ảnh của Brandy và đứa bé lên Facebook và cho biết, ông đang tìm kiếm một người phụ nữ 60 tuổi có họ Bùi ở cách 8.500 dặm từ  Albuquerque, New Mexico, thì một người đàn ông 40 tuổi đã gọi cho Gary Bùi lúc nhận ra các bức ảnh.

Jerry bay đến Albuquerque. Ngồi trên taxi đến nhà của Gary, thần kinh của ông run rẩy và nghi ngờ vào phút cuối. "Liệu nó có chấp nhận tôi không? Đã 40 năm chờ đợi một người cha, không biết có cho người cha này được nhận con? Nó nói với tôi qua điện thoại rằng nó đã tự học được cách không thể hiện cảm xúc”, Jerry xúc động.

Xe taxi dừng lại trước nhà và cả gia đình Gary đang đừng bên ngoài chờ Jerry. "Nếu con nhìn giống cha, con sẽ nhận cha!" - ông nói khi ông bước ra khỏi taxi và ôm lấy con trai mình. Hai đứa trẻ nhỏ cách nhau khoảng một tuổi đang dựa lưng vào nhau và khóc. Đó là hai đứa cháu nội của Jerry.

Chuyện đời của Gary bắt đầu hiện rõ dần sau những ly rượu mạnh. Cũng giống như rất nhiều bà mẹ có con của lính Mỹ khác, Brandy cũng bỏ rơi đứa con trai bé bỏng và bỏ chạy cho cuộc sống của riêng mình.

Sau rất nhiều nỗ lực, cựu lính Mỹ đã tìm được con trai của mình


Khi Gary bốn tuổi, anh được đưa tới một trại trẻ mồ côi và 4 năm sau đó, anh thấy mình trên một chuyến bay đến New York trong một phần chương trình được chính phủ Hoa Kỳ đưa ra để bảo vệ và nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em là con lai Mỹ. Gary giữ bản sao của các bức ảnh giống như Brandy đã gửi Jerry.

Trong khi đó, vợ và các con của Gary xem cảnh này một cách thận trọng. Những gì đang có thực sự quá đột ngột.

Jerry bị day dứt bởi cảm giác tội lỗi. "Cha không biết con là một đứa trẻ mồ côi, cha luôn luôn nghĩ rằng con sẽ ở cùng với mẹ của con, có quá nhiều điều cha cần phải biết về cuộc sống của con", Jerry chia sẻ cảm xúc của mình: “Cha biết đã muộn, nhưng cha muốn ở đây cùng các con, cha muốn được xuất hiện trong cuộc sống của con”.