"Hành trình sự thật” của nước tam giang Bạch Hạc trong can nhựa (2)

ANTĐ -Nguồn nước sông bình thường bỗng chốc trở thành nước “thánh” do một số người sở tại nói vống sự thật.

Tất nhiên, những người đi lấy nước từ ngã 3 sông Bạch Hạc- Việt Trì về đều có mục đích riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trong số hàng nghìn người đi lấy nước không phải ai cũng đủ tỉnh táo để xác định việc lấy nước chỉ là quan niệm bình thường. Từ sự tâm tín, từ sự thực dụng của mỗi con người đã “nâng tầm” nguồn nước ngã 3 sông này thành nước “thánh”.

Bán… nước “thánh”.

Việc lấy nước và việc nhu cầu sử dụng nước ngã 3 sông của du khách là hết sức bình thường. Tuy nhiên, với những thông tin và sự thật mà chúng tôi ghi nhận được tại nơi này, lại thấy dấu hiệu bất thường về những gì mà người ta gọi là nước “thiêng”.

Chỉ cần ghi nhận những cách thức mua bán của người dân cung cấp dịch vụ này, đã thấy nhiều điều cần phải suy nghĩ. Bởi sự thật nếu là nước “thiêng” như những lời nói của người dân, thì việc có thể lấy nước hộ, thậm chí lấy dự trữ trước để phục vụ nhu cầu của người không có thời gian, hoặc không đủ can đảm ngồi trên con thuyền sắt ra giữa dòng nước xoáy là biết được sự đồn thổi ở giá trị nào.

Trên con đê thuộc phường Bạch Hạc giờ đây xuất hiện rất nhiều nhưng biển hiệu chào mời “lấy nước, lấy cát, lấy đất ngã ba sông thuê”, “chuyên chở người ra ngã ba sông lấy nước…”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ này xuất hiện cách đây chưa lâu, và những du khách thập phương đến lấy nước cũng xuất hiện đông dần trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây.

Giả sử nếu nước đó có giá trị thật như những lời quảng bá của một bộ phận người dân, thì cách thức mua bán như thế liệu sức “thiêng” của nó đến đâu, và ai tin tưởng đến mức nước được múc thuê bán cho những người không dám đi thuyền ra là nước ngã ba hay nước ngã… mấy?!

Dịch vụ mọc lên rất nhiều tại dọc đê phường Bạch Hạc

Tìm hiểu một số người đi lấy nước được biết, việc lấy nước của họ chủ yếu phục vụ cho việc âm phần. Việc này là nhu cá nhân và mục đích riêng của du khách. Nếu vậy thì không có gì đáng nói. Thứ nhất, những lời đồn thổi về sự cao siêu của nước ngã 3 sông Bạch Hạc đã được loan rất xa, rất rộng. Điều đó chứng minh qua những lần ra sông của người chở thuyền, và đặc biệt qua công tác nắm tình hình của CAP Bạch Hạc- CATP Việt Trì, Phú Thọ.

Trung tá Đỗ Trọng Phú, Trưởng CAP Bạch Hạc cho biết: “Công tác giữ gìn ANTT địa bàn ngày càng phức tạp. Trước đây cán bộ chiến sỹ chỉ vất vả vào các kỳ cuộc hoặc lễ hội, thì giờ đây luôn luôn phải bám sát địa bàn một cách nghiêm ngặt. Sở dĩ như vậy là vì lượng người về lấy nước ngã 3 sông ngày càng đông. Sự gia tăng của khách thập phương đồng nghĩa với việc có nguy cơ kéo theo sự phức tạp về tình hình ANTT, nếu như công tác quản lý địa bàn không chắc chắn là lộn xộn tất yếu sẽ xảy ra. Vì thế anh em trong đơn vị ngày thường cũng bận như con mọn”.

"Bến" thuyền ra ngã 3 sông lấy nước

Tục lấy nước và sự thật nước “thiêng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND phường Bạch Hạc, TP Việt Trì cho biết: “Tục lấy nước thường chỉ gắn với lễ hội đền Tam Giang vào dịp 25-9 và 10-3 âm lịch hàng năm, còn đền Mẫu Tam Giang thì vào 22-2 âm lịch. Việc lấy nước cũng diễn ra theo nghi thức từ xa xưa, có đầy đủ đội tố nam, nữ cùng cụ từ của đền. Người ta lấy nước theo diện bơi chải đua thuyền ra ngã ba sông để lấy nước. Tục xưa chỉ có vậy thôi, chứ việc coi nước ngã 3 sông là nước thiêng thì theo quan niệm ngày nay người dân nói thế chứ thực hư đã có ai kiểm định đâu mà biết”.

Từ suy nghĩ và quan niệm, cộng với những lời đồn thổi quá “nâng tầm” vượt qua sự thật đã làm sai lệch đi những giá trị chuẩn mực của văn hóa dân gian, lịch sử. Việc quan niệm tâm linh của mỗi người thì là chuyện cá nhân, và mục đích riêng của họ. Không bàn đến. Tuy nhiên việc nhu cầu cá nhân nếu thái quá nó sẽ gây lộn xộn, trước tiên là khu vực sở tại. Về mặt môi trường và ANGT đường thủy là nguy cơ thấy rõ nhất.

Ra ngã 3 sông phải đi thuyền mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ

“Các anh lấy đi, mang nước này về may mắn lắm. Nhiều người còn mãi Cà Mau, TP Hồ Chí Minh còn ra tận đây chở hàng xe cát, lấy hàng chục mét khối nước về ấy chứ”- một phụ nữ chở thuyền giới thiệu. Chị này còn cho biết rằng, sau khi một người ở Cà Mau lấy nước ngã 3 sông về làm ăn trúng quả lớn ngay. Thấy “hiệu nghiệm” quá vị khách kia lại trở thành cầu nối cho những người ở Cà Mau. Mỗi lần cần vị khách “a lô” cho chị là chị chuyển hàng vào ngay lập tức.

Tất nhiên, những lời mời dạng như vậy thì không hiếm ở những nơi có dịch vụ bùng phát. Nhiều người còn tỏ ra am hiểu về những “sự tích” lấy nước, rồi ngay sau đó giới thiệu rằng “mua vàng mã mang ra sông khấn làm lễ, trước khi lấy nước thả xuống sông...”. Tại vị trí lối xuống được tạm gọi là bến thuyền ra ngã 3 sông lấy nước, có một cụm di tích mang tên chùa Tam Giang- Đại Bi. Theo tìm hiểu, trước đây ngày tuần rằm nơi này mới đông người vào hương đăng, còn bây giờ thì luôn nhộn nhịp các giá hầu đồng cũng như khách thập phương đến lấy nước vào làm lễ.

Múc nước ngã 3 sông, mỗi chuyến thuyền phải chi trả từ 300-500 nghìn đồng

Ông Nguyễn Xuân Hòa, phố Đoàn Kết, Phường Bạch Hạc, cho biết: “Lượng người người lấy nước thường đông vào những ngày đẹp trong khoảng tháng 2, tháng 3. Khách lấy nước chủ yếu là khách các nơi, chứ ông hiếm khi gặp khách ở khu vực lận cận hay trong tỉnh ra lấy nước ngã 3 sông”. Trước đây, việc chở khách ra ngã ba sông lấy nước thì tự phát, mạnh ai người ấy làm. Thời gian gần đây, phường đã giao cho hội CCB chở khách. Từ đây, giữa những người dân và hội CCB đã nảy sinh mâu thuẫn từ việc “bị chia khách”. Có một điều cần chú ý hơn cả lại không phải việc tranh giành khách hay cãi lộn tại đây, mà là việc những con thuyền chở khách ra ngã 3 sông lấy cát, nước…không hề có áo phao, hay phao cứu sinh. Khi đề cập đến vấn đề này thì vị lãnh đạo UBND phường Bạch Hạc đã tự tin: “Việc này diễn ra lâu nhưng chưa thấy sao cả, khì khi phong trào lấy nước ngã ba sông rầm rộ đến nay tính hàng vài năm rồi nhưng chưa một con thuyền nào…đắm cả”.

“Cứ đi đi, không sao đâu, các cụ phù hộ rồi, lo gì”- khi tôi đắn đo về việc “thuyền không đồ cứu sinh” thì được chủ nhân động viên. Chẳng biết, nước ngã 3 sông giá trị đến nhường nào mà đến ngay cả tính mạng của chính mình từ những vị khách cho đến người chèo thuyền chẳng mấy ai coi trọng. Nhìn dòng nước ngã 3 sông, nơi hợp lưu của “3 ngài thủy thần” lớn nhất phía Bắc; sông Đà, sông Hồng, sông Lô đang cuồn cuộn tạo những xoáy lớn, xoáy nhỏ khiến người nhát hay có linh cảm nghĩ về điều bất an. Nhỡ xảy ra việc không may mắn, thì việc sống sót thật hy hữu.