Hành trình đi đến niềm tin

ANTĐ - Không chỉ được biết đến bởi tấm lòng của một nhà hảo tâm, chàng trai gốc Hà Nội Nguyễn Thành Trung (SN 1982) còn khiến nhiều người cảm phục vì những chiến lược tài ba trong hoạt động từ thiện. Anh hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ từ thiện “Hạnh phúc là sẻ chia” với số thành viên lên đến hàng nghìn người, cùng 28 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố. 

Hành trình đi đến niềm tin ảnh 1

Bỏ dở đại học đi thu mua đồng nát

Sinh ra trong một gia đình có ba chị em, Nguyễn Thành Trung là con trai duy nhất vì vậy luôn được bố mẹ cưng chiều. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ Trung đã xây dựng cho mình được đức tính tự lập, không dựa dẫm vào bố mẹ. Những ngày còn học tiểu học, anh đã biết đi nhặt sắt vụn để bán kiếm tiền và phụ mẹ bó những mớ rau mùi nhà trồng được đem ra chợ bán. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thành Trung theo học ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học quốc gia.

Nhận thấy mình không phù hợp và thích nghi với môi trường này, anh bỏ dở việc học khi đang là sinh viên năm thứ ba. Do nhiều lí do tác động, Nguyễn Thành Trung quyết định tự thân lập nghiệp tại mảnh đất Hải Phòng với hai bàn trắng. Từ một chàng công tử được bố mẹ chiều chuộng, anh bắt đầu nếm trải cuộc sống ở bên ngoài với nhiều nỗi cay đắng, tủi cực. Anh xin vào làm cho một chủ vựa đồng nát rất lớn, chuyên thu mua đồng nát từ các tỉnh.

Sau đó, anh làm phụ xe để thu mua sắt vụn khắp nơi. Rồi dần dần, anh được ông chủ tin tưởng giao cho những công việc quan trọng. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, Nguyễn Thành Trung quyết định tự buôn đồng nát và thu được lợi nhuận khá cao. 6, 7 năm sau, lúc đã có một số tài sản khá lớn, anh mới quay trở lại Hà Nội đoàn tụ với gia đình. Lúc này, một mặt anh tiếp tục công việc kinh doanh cũ, nhưng cũng mở hướng sang nhiều công việc khác như mở quán cà phê, nhà hàng…

Trong một lần đi chơi với bạn, Nguyễn Thành Trung bắt gặp một bé trai khoảng 13 tuổi, làm trong một quán ăn đang gom thức ăn thừa mang ra đằng sau nhà cho người mẹ của mình. Chứng kiến cảnh tượng ấy anh đã khóc như một đứa trẻ. Anh lấy hết số tiền trong ví của mình cho cậu bé và quay trở về nhà với tấm lòng nặng trĩu.

“Hình ảnh của cậu bé khiến tôi ám ảnh. Cậu bé khiến tôi cảm thấy mình thật lãng phí tiền bạc và sống xa xỉ trong khi còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh đang đối mặt với cái đói, cái rét. Trong một cuộc chơi bình thường, tôi có thể tiêu đến 20-30 triệu đồng, với số tiền đó tôi có thể giúp được rất nhiều những người nghèo và khó khăn khác”, Nguyễn Thành Trung kể về kỷ niệm đầu tiên hướng anh tới con đường thiện nguyện.

Trăn trở, suy nghĩ, anh quyết định dành một số tiền để giúp những mảnh đời bất hạnh, có như thế cuộc sống với anh mới có ý nghĩa. Thế nhưng, những ngày đầu do xấu hổ và sợ những lời gièm pha nên anh không nói cho một ai biết về dự định đi từ thiện của mình. Với chuyến đi từ thiện một mình đầu tiên tới một vùng hẻo lánh, anh đặt tên cho chương trình là “Hạnh phúc là sẻ chia”.

“Trong chuyến đi ấy, tôi như được trở về với chính con người thật của mình. Tôi thấy vui khi tận tay trao những phần quà cho người nghèo. Thấy họ cười, thấy những đứa trẻ nô đùa xung quanh mình, tôi cảm thấy hạnh phúc và nó chính là động lực để tôi tích cực cống hiến và có được thành quả như ngày hôm nay”, gương mặt anh hồ hởi. 

Sau 2 năm, anh mới tâm sự với gia đình và bạn bè những việc làm của mình và không ngờ mọi người đều ủng hộ nhiệt tình. “Thật may mắn khi tôi được bố mẹ hết lòng ủng hộ. Có những chương trình bố mẹ cho hàng trăm triệu đồng góp sức giúp tôi thực hiện chương trình”, Nguyễn Thành Trung giãi bày.

Mặc dù, anh không thể nhớ được cụ thể bao nhiêu chuyến đi tình nguyện, giúp đỡ được bao nhiêu mảnh đời, anh chỉ khiêm tốn: “Tôi không cho mình là người tốt hay lương thiện, vì không phải ai làm từ thiện cũng là người lương thiện. Tôi chỉ muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của tôi và khi tôi cho đi, có nghĩa là tôi cũng đang được nhận lại. Tôi nhận được niềm vui, tìm được ý nghĩa của cuộc sống khi tôi sẻ chia”.

Mở lòng để đón nhận niềm vui

Hiện nay, câu lạc bộ “Hạnh phúc là sẻ chia” mà anh Trung làm trưởng nhóm có đến hàng nghìn thành viên tham gia, hoạt động ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến bây giờ, anh cũng không hiểu mình đã làm cách nào để nhóm phát triển được như vậy. Những hình ảnh, những mảnh đời trong các chuyến đi từ thiện là động lực thôi thúc anh cần phải đi và làm nhiều việc có ích hơn nữa.

“Làm từ thiện không chỉ cần có cái tâm mà còn cần phải có tầm. Nhiều lúc, đôi chân cũng đã mỏi, tinh thần cũng có phần hao hụt, tôi cũng có ý định sẽ bỏ đi một số chương trình vì quá sức. Nhưng rồi, những hình ảnh lúc đi từ thiện, những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ của họ… cứ hiện rõ trong đầu tôi, thôi thúc tôi phải đi, phải làm được điều gì đó. Và rồi tôi lại lấy được nhiệt huyết để tiếp tục hành trình của mình”, anh chia sẻ.

Ai nói đi làm từ thiện là đơn giản, ai nói làm từ thiện không cần đến “chất xám”? Khi tổ chức những chương trình từ thiện ở những vùng cao, để đảm bảo an toàn và bảo vệ cho hội viên cho mình, anh đều mua bảo hiểm du lịch để phòng ngừa rủi ro. Anh cũng tính rất chi li và kĩ càng cho mỗi chương trình, chính bởi vậy chưa có một chương trình nào thất bại hay gặp sự cố ngoài ý muốn.

Khi đi làm từ thiện, anh Trung luôn tôn trọng người nhận quà, với quan điểm “đi biếu quà chứ không cho quà”, anh luôn dành cho những người nghèo những gì tốt nhất. Bất kể một vật phẩm gì, từ sách vở, quần áo, gạo hay thậm chí là đôi tất, anh Trung đều sử dụng những sản phẩm chất lượng và uy tín.

Ngay cả khi thực hiện chương trình tặng suất cơm cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, anh đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng minh những thực phẩm anh mang đến cho họ là an toàn, đảm bảo vệ sinh.

Không chỉ tổ chức những chương trình từ thiện, kêu gọi quyên góp và tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh, anh Trung còn cùng các tình nguyện viên của mình sửa chữa những trường học xuống cấp, hư hỏng cho học sinh ở vùng cao. Anh cũng góp phần giải quyết nạn thất nghiệp cho các bạn tình nguyện viên trong đội của mình. Ngoài ra, anh còn thực hiện dự án rau an toàn giúp người dân có thêm thu nhập.

Nhận thấy việc cho quà chỉ mang ý nghĩa tạm thời, nó chỉ là niềm vui nho nhỏ và không giải quyết được tận gốc sự nghèo đói, anh đã quyết định thay vì cho họ “miếng cơm”, anh mang đến cho người nghèo những chiếc “cần câu cơm”. Hiện tại, anh Trung đang triển khai chương trình “Tặng dê xóa nghèo” và cung cấp cây giống cho những hộ nghèo ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc trồng rừng.

Chàng thanh niên gốc Hà Nội đang ấp ủ một dự định lớn, mà anh cho biết phải tích cực kiếm nhiều tiền mới thực hiện được. Từ một chàng trai bình thường, anh đã trưởng thành hơn, là niềm hi vọng của những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, thổi bùng lên ngọn lửa niềm tin vào tình yêu thương của con người với con người.