Hành trình đến với giảng đường đại học của chàng trai mù giàu nghị lực

ANTĐ - Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo khó, từ năm 11 tuổi thì phải sống chung với bóng tối vì một căn bệnh quái ác về mắt, nhưng chàng trai quê Đông Hòa (Phú Yên) đã biết vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và đạt nhiều thành tích trong học tập để nuôi ước mơ bước chân tới giảng đường đại học, trở thành một nhà tâm lý học đặc biệt nhất từ trước tới nay.

Bước chân dò dẫm của Phú trên đường phố Đà Nẵng

Từ trong gian khó

Có mặt tại Hội đồng thi đại học Đà Nẵng, Trần Phú (21 tuổi) không cô đơn và lạc lõng giữa phố thị đông đúc sầm uất, mà ngược lại, chàng trai mù giàu nghị lực này lại được chở che trong vòng tay yêu thương của rất nhiều người. Và rồi, câu chuyện đến với kỳ thi đại học, đến với giảng đường của chàng trai mù này được kể lại khiến không ít người ngạc nhiên và cảm phục. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em. Nhà nghèo, con cái đông nên cha mẹ của Phú phải vất vả sớm hôm lênh đênh trên sông nước đánh bắt tôm cá kiếm tiền nuôi con cái có ăn có mặc. 

Theo lời Phú kể, từ lúc chào đời đến năm 10 tuổi thì mắt em vẫn nhìn thấy bình thường nhưng học được nửa kì năm lớp 6 thì tự nhiên em không nhìn thấy gì. Các bác sỹ ở Trạm Mắt Phú Yên cho biết em đã bị mắc chứng viêm mống mắt, là một loại bệnh viêm màng bồ đào, viêm lớp giữa của mắt rất nguy hiểm và có nhiều biến chứng đáng lo ngại. Thương đứa con trai hiếu học mà lại học rất giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình nên cha mẹ Phú đã cắn răng bán hết gia sản để đổi lại là những lần khám bệnh, những đơn thuốc tiền triệu với hy vọng giữ lại được đôi mắt quý giá cho Phú. Nhưng rồi số tiền bán của cải đồ đạc trong nhà, cùng với số tiền vay mượn khắp nơi để chữa trị cũng chẳng thể làm gì được trước căn bệnh về mắt quái ác này. Và từ đó, Phú không còn có cơ hội nhìn thấy ánh sáng nữa. Thời gian đầu, Phú như suy sụp hoàn toàn. Phú luôn mang trong mình mặc cảm và ngại tiếp xúc với người bên ngoài. Từ một cậu học trò hoạt bát, lém lỉnh và đầy ước mơ, Phú co mình lại sống trong vỏ ốc tăm tối, cùng với những ý nghĩ bi quan chán chường đến cùng cực của mình. Nhìn con sống trong bóng tối như thế, cha mẹ của Phú rơi nước mắt. Nhưng họ đã làm tất cả những gì có thể, tất cả tình thương yêu và niềm hy vọng đều dành hết cho Phú. 

Họa vô đơn chí, khi đôi mắt mù lòa khiến cuộc sống của Phú gặp muôn vàn khó khăn, thì trong cơ thể của Phú còn mang rất nhiều căn bệnh khác như bệnh viêm tai giữa, rồi bệnh thấp khớp, bệnh tim, đau cột sống, đau đầu vận mạch. Tất cả nỗi đắng cay và nỗi buồn vận mệnh dường như trút lên số phận của chàng trai nghèo khó này.

Chờ đợi nơi cánh cửa đại học

Từ một cậu bé mắt sáng bỗng dưng bị mù, tưởng chừng như cuộc sống đã khép lại với Phú. Hàng ngày, nghe các bạn cùng trang lứa chơi đùa, đi học mà Phú ngồi trong góc nhà khó­c thầm. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên đã có lúc Phú nghĩ quẩn, muốn chết đi để bố mẹ đỡ khổ. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình và bạn bè, Phú dần lấy lại niềm tin, thực hiện ước mơ của mình là tiếp tục được đi học. Khát khao tìm đến tri thức, Phú luôn nung nấu trong lòng. Vì vậy, khi nghe tin trong tỉnh có trường Niềm Vui dạy chữ cho các em bị khiếm thị, Phú đã xin ba mẹ cho được theo học ở đó. Khi học xong chương trình tiểu học, Phú tiếp tục hành trình đến với tri thức của mình bằng việc một mình lặn lội tìm đến trường Phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) để theo học. Khi ấy TP Đà Nẵng có chủ trương đưa học sinh trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu ra các trường THCS, THPT bình thường khác để các em có cơ hội được hòa nhập với cộng đồng. Phú đã theo theo học ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và hiện nay đang học lớp 12 trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Một điều vô cùng đặc biệt, là dù không nhìn thấy như các bạn cùng trang lứa, nhưng Phú lại học rất giỏi, 3 năm học THPT cũng là 3 năm Phú liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Điều đó khiến bạn bè cảm phục, cha mẹ Phú rơi nước mắt tự hào, và bản thân Phú cũng lấy đó làm niềm an ủi cho số phận không may của mình.

Một điều ít người biết là trong suốt chừng ấy năm học tập tại Đà Nẵng, Phú đã phải vượt qua biết bao chông gai, trở ngại về chuyện nơi ăn, chốn ở, khó khăn trong học tập chốn đất khách, quê người. Nhà quá nghèo, cha mẹ chẳng thể chu cấp thường xuyên cho Phú nơi thành phố, nên để có tiền trang trải cho cuộc sống và học tập của mình, Phú đã học nghề mát-xa để làm khi có thời gian rảnh. Rồi Phú một mình bước chân dò dẫm khắp các chợ, các phố phường Đà Nẵng để bán tăm tre, đũa, bút… Vất vả, cơ cực là thế nhưng với nghị lực phi thường, Phú vẫn rất ham học và luôn biết sắp xếp thời gian để không bị việc học sa sút. Không chỉ đạt học sinh giỏi liên tục từ  năm lớp 6 tới lớp 12, Phú còn đạt nhiều giải thưởng trong các kì thi học sinh giỏi của quận, của thành phố như: Giải Nhì môn Ngữ văn cấp quận năm lớp 8, giải Nhất môn Ngữ văn cấp thành phố năm lớp 9, giải Nhì môn Ngữ văn cấp thành phố năm lớp 10, giải Nhất môn Ngữ văn cấp thành phố năm lớp 11. Đặc biệt, năm lớp 9, em đạt giải Nhất thành phố đồng thời cũng là giải quốc gia dành cho người khuyết tật trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39. Gần đây, em tham gia cuộc thi viết về ngư dân tiêu biểu khu vực miền Trung do Đài Tiếng nói Việt Nam phát động và đã đoạt giải khuyến khích. Trò chuyện với chúng tôi, cô Bùi Thị Diệp Anh - giáo viên chủ nhiệm của Phú ở trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Em Phú là một học sinh khiếm thị tại trường, em cũng học hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn cố gắng vượt qua để học tập, và em đã đạt được rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Phú là một tấm gương sáng cho nhiều bạn noi theo!”.

Học xong lớp 12, ước mơ của Phú là được làm một nhà tâm lý học, hay học nghề thuốc đông y để có thể giúp đỡ mọi người. Để hiện thực hóa niềm mong ước của mình, Phú đã đăng ký vào một ngành của đại học Đà Nẵng. Vì quãng đường từ nơi Phú ở tới điểm thi khá xa, trong khi đường sá đông đúc mà mắt Phú lại không nhìn thấy gì. Thương cảm trước hoàn cảnh và nghị lực của chàng trai mù này, ông Nguyễn Văn Tâm (72 tuổi, tiếp sức mùa thi của Gia đình phật tử chùa Pháp Lâm, Đà Nẵng) đã đón Phú về chùa để em có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi của mình, rồi cũng chính ông tâm ngày ngày đưa đón Phú đến  điểm thi. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tâm cho biết: “Thấy hoàn cảnh khó khăn của em Phú, chùa đã nhận nuôi ăn ở, đưa đón và chữa bệnh khớp cho em trong kỳ thi đại học này. Hiện trong chùa còn cưu mang nhiều thí sinh nghèo các tỉnh về Đà Nẵng dự thi đại học!”. Một niềm vui bất ngờ đến với chàng trai mù giàu nghị lực này, ấy là khi làm thủ tục dự thi, nhận được thông tin về Phú nên lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã quyết định đặc cách cho Phú được vào học tại trường. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trường hợp của Trần Phú là một thí sinh khiếm thị đặc biệt. Với thành tích học tập trong 3 năm THPT của Phú rất xuất sắc và mặc dù em không nộp đơn xin đặc cách nhưng ĐH Đà Nẵng vẫn đặc cách cho em vào thẳng đại học để tạo điều kiện cho Phú viết tiếp giấc mơ của mình!”. Ngay trong sáng 3-7, sau khi biết mình được đặc cách vào thẳng đại học, Phú đã gọi điện về nhà báo cho bố mẹ tin vui này. Phú cho biết, bố mẹ em rất vui và vô cùng xúc động. 

Thế nhưng, chặng đường trên giảng đường đại học của chàng trai này còn đó lắm nỗi gian truân khi gia đình của Phú thuộc hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn do bố mẹ đang bị bệnh nặng. Cuộc sống cả nhà trước đây phụ thuộc vào những chuyến đi biển của cha và những buổi đi chợ bán cá của mẹ nhưng sức khỏe của hai người đã yếu nên thời gian tới, không biết Phú có trụ vững mấy năm trên giảng đường đại học hay không. Bản thân Phú cũng đang bị nhiều căn bệnh khác nên ngoài việc học, em còn phải đấu tranh với bệnh tật để có sức khỏe tiếp tục giấc mơ giảng đường đại học của mình. Thế nhưng, trước niềm vui về mơ ước đang dần thành sự thật, Phú vẫn vững tin vào một tương lai đầy hân hoan trước mắt. Chia tay Phú khi kỳ thi đại học đang diễn ra, chúng tôi chỉ biết chúc Phú chân cứng đá mềm, cố gắng hoàn thành ước mơ trên giảng đường đại học của mình.