Hành trình đầy cảm xúc của một học sinh chế tạo ra cánh tay robot

ANTD.VN - Sản phẩm cánh tay robot không chỉ mang tính thực tiễn cao, giúp đỡ cho xã hội mà chính hành trình chinh phục của “cha đẻ” ra sản phẩm này cũng lắm gian truân, đầy cảm xúc.

Câu chuyện mà chúng tôi muốn nói đến là số phận và hành trình chinh phục cánh tay robot cho người khuyết tật của chàng trai Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Hành trình đầy cảm xúc của một học sinh chế tạo ra cánh tay robot  ảnh 1Phạm Huy bên cạnh thầy giáo hướng dẫn Lê Công Long và mô hình cánh tay robot cho người khuyết tật

Những cung bậc cảm xúc

Những ngày này, người dân trong thôn Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và nhiều thầy cô, học sinh trường cấp III Phạm Huy theo học không khỏi vui mừng, tự hào trước giải Ba mà chàng trai này đạt được tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế năm 2017 được tổ chức ở Califonia, Mỹ.

Phạm Huy là con út trong gia đình thuần nông, bố làm nghề sửa xe máy, mẹ bán vải ở chợ thị xã. Hàng ngày, tận mắt chứng kiến nhiều người khuyết tật sinh hoạt rất khó khăn, em đã nảy sinh ý tưởng sáng chế cánh tay robot. Để rồi nhà trường, gia đình và Phạm Huy vỡ òa trong hạnh phúc và tự hào khi sản phẩm mang đi dự thi cấp quốc gia khu vực phía Bắc đạt giải Nhất. Đặc biệt, đề tài được Bộ Giáo dục - Đào tạo chọn là 1 trong 8 đề tài cử đi dự thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế tại Mỹ.

“Sản phẩm phần lớn do Phạm Huy tự nghiên cứu, thực hiện từ thiết kế cho đến viết phần mềm, nhà trường cử giáo viên hướng dẫn để định hướng công việc, hướng dẫn nghiên cứu, lập kế hoạch và viết báo cáo, các vấn đề kỹ thuật liên quan bộ môn, hướng phát triển đề tài”, thầy Lê Công Long, giáo viên hướng dẫn cho biết. 

Chưa hết vui mừng, Phạm Huy bị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ chối cấp visa vào Mỹ sau hai lần phỏng vấn vì không đủ điều kiện. Điều này khiến Huy buồn bã, có lúc đã nghĩ đến việc buông xuôi. Nhưng rất may mắn, trong lúc tinh thần hụt hẫng tột độ ấy, một tia sáng hy vọng nữa đã lóe lên. Sau khi báo chí và các thầy cô ở Bộ Giáo dục - Đào tạo và các ban ngành vào cuộc phản ánh, Huy đã được Đại sứ quán Mỹ gọi phỏng vấn lần thứ ba và cấp visa đến Mỹ.

Cơ hội sau cùng ấy đã rất kịp thời trao cho em, thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. “Đó cũng là một thử thách mới và củng cố thêm minh chứng cho mọi người rằng Huy là một học sinh rất đam mê, tài năng, có bản lĩnh trước những khó khăn mà em gặp phải, quyết tâm theo đề tài cánh tay robot mà em dành nhiều tâm huyết nghiên cứu nhiều năm”, thầy Lê Công Long kể lại trong sự xúc động.

Chia sẻ về cảm xúc khi vượt qua lần phỏng vấn thứ ba, Phạm Huy vui mừng nói: “Cuộc phỏng vấn diễn ra hơn 10 phút và mất 1 tiếng để em nhận được visa. Thực sự mà nói, khi biết kết quả, em cảm thấy mình rất hạnh phúc, sau bao cố gắng cuối cùng em cũng có thể tham dự kỳ thi này”. Khi nhận được thông tin Huy đạt giải Ba chung cuộc, các thầy cô vô cùng bất ngờ. Bởi, theo các thầy cô, cuộc thi lần này là nơi quy tụ của nhiều thí sinh đến từ các cường quốc rất mạnh về lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

Hành trình đầy cảm xúc của một học sinh chế tạo ra cánh tay robot  ảnh 2Cánh tay robot được Huy ấp ủ nhiều năm

Sản phẩm sáng chế vì con người

Trước khi đến với “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, Phạm Huy từng tự tay chế tạo nhiều sản phẩm khác nhưng đa số không được ghi nhận. Không nản chí, em vẫn cứ tiếp tục với niềm đam mê máy móc của mình.

Trao đổi với chúng tôi, Phạm Huy cho biết: “Em sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Trị - vùng quê nghèo chịu nhiều mất mát sau chiến tranh. Lúc còn nhỏ, em đã chứng kiến nhiều người khuyết tật do bom mìn, tai nạn giao thông gây ra… sinh hoạt vất vả do họ không có công cụ hỗ trợ”.

Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế năm 2017 có 1.700 thí sinh tham dự đến từ 70 quốc gia. Năm nay, Việt Nam tham dự có 8 đề tài và có đến 5 giải, trong đó đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của Phạm Huy đạt giải cao nhất.

Huy cho biết thêm, tình cờ em có biết người Mỹ đã sáng tạo ra cánh tay robot cho người khuyết tật. Tuy nhiên, so với điều kiện của người Việt Nam, chi phí của cánh tay này quá đắt nên từ năm học lớp 9 em ấp ủ chế tạo ra cánh tay robot giá rẻ cho người khuyết tật.

Qua quá trình tìm tòi, học hỏi, đến lớp 10, em bắt đầu sáng chế. Hơn 1 năm sau, sản phẩm của em được hoàn thành trong niềm vui. Theo tìm hiểu, cánh tay robot của Huy có trọng lượng khoảng 0,9kg, được điều khiển bằng các vi mạch dưới lòng bàn chân, có thể thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng... Cánh tay hoạt động theo nguyên lý hệ thống nhúng trường lực cơ và hoạt động như một cánh tay của người bình thường với 31 cử động, việc thiết kế, lắp đặt tương đối đơn giản, tính nhân văn cao và đặc biệt là giá thành rất rẻ với chỉ gần 3 triệu đồng sau khi hoàn thiện đề tài.

Phạm Huy cho biết, lúc đầu cánh tay robot được làm từ vật liệu nhựa mica. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ không cao, độ mượt giữa các ngón tay không được trơn tru. Do đó, sau nhiều lần nghiên cứu, Huy và thầy giáo hướng dẫn đã chuyển qua sử dụng nhựa PLA và công nghệ in 3D. Sản phẩm đã được ông Phạm Quý Thi,  Chủ tịch Hội người khuyết tật xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng vận hành đánh giá sản phẩm, nêu lên ước muốn… nên cánh tay robot của Huy được thử nghiệm, kiểm chứng nhiều lần.

Để gặt hái được những quả ngọt ấy, Huy đã có những tháng ngày “nếm mật nằm gai”, gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khó khăn nhất là in 3D các phần cứng của cánh tay, cái này ở Quảng Trị chưa có nên Huy phải tự vẽ chi tiết rồi đặt hàng in tận TP.HCM, Phú Yên, có khi mẫu không được như ý.

Ngoài ra, mỗi khi hàng về, hai bố con Huy, có hôm cả thầy giáo phải ra quốc lộ để chờ xe khách Nam - Bắc chạy qua để nhận hàng. Có nhiều hôm, hai bố con phải đứng dưới trời mưa và tới tận khuya mới nhận được hàng. Ngoài ra, ban đầu Huy không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bởi bố mẹ Huy mong em chuyên tâm học hành. Tuy nhiên, khi đề tài của em đạt giải Nhất cấp tỉnh, gia đình dần ủng hộ nhiệt tình.

Ông Phạm Xuân Đính (bố của Huy) hồ hởi cho biết: “Từ nhỏ Huy đã rất thích tìm tòi máy móc, lúc đầu gia đình hạn chế cho con tiếp xúc với máy móc nhưng sau này thấy con đam mê quá nên gia đình ủng hộ. Con trai tôi vượt qua khe cửa hẹp mới được sang Mỹ thi và may mắn đạt giải”. Về phía mình, Huy cho biết thêm: “Sắp tới, em hy vọng sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào đó chung sức với mình để phát triển đề tài này một cách hoàn thiện, để sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, sớm được đến với những người khuyết tật có thu nhập thấp”. 

Huy chia sẻ thêm, sắp tới em sẽ cùng thầy giáo cải tiến cánh tay robot này để đảm bảo được tính linh hoạt, thẩm mỹ, sự ổn định của mạch điện, phát triển thêm nhiều phiên bản cho nhiều người khuyết tật khác nhau như người bị cụt một cánh tay, cánh tay bị tê liệt không cử động được.