Hành trình "come out" của một chàng trai đồng tính

ANTĐ - “Come out” được những người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) dùng để chỉ việc công khai giới tính của mình với mọi người.
Hành trình "come out" của một chàng trai đồng tính ảnh 1

Và, đối với hầu hết người LGBT “come out” với gia đình, người thân  luôn là việc làm phải đắn đo nhất, là hành trình trắc trở nhất. Để được chấp nhận, nhiều người đã phải nỗ lực chứng minh bản thân mình gấp nhiều lần những người khác, mà thậm chí vẫn bị chối bỏ. Có những người vì không thể vượt qua những rào cản tâm lý, đã phải chấp nhận “sống trong bóng tối” suốt đời.

Câu chuyện của Lê Tuấn Anh (đường Đê La Thành, Hà Nội) không phải quá đặc biệt trong giới LGBT, nhưng hành trình “come out” 8 năm trời của cậu sẽ tiếp thêm niềm tin cho nhiều người cùng cảnh ngộ, rằng cứ nỗ lực sống tốt thì chắc chắn họ sẽ được nhìn nhận. 

Nếu giữ được trong lòng, em sẽ giữ mãi

Bố mẹ Lê Tuấn Anh sinh được 2 người con trai, Tuấn Anh là cả và cũng là niềm tự hào của cả gia đình, họ hàng vì luôn ngoan ngoãn, học giỏi. Có điều, ngay từ khi bắt đầu phát triển tính cách, Tuấn Anh đã có khác biệt so với đám bạn trai cùng lứa, em không thích những trò chơi nam tính như siêu nhân hay đá bóng mà chỉ thích chơi búp bê, đồ hàng cùng đám con gái. Lên cấp 1, cấp 2 cậu vẫn có nhiều sở thích, nhiều nét tính cách và ngoại hình nữ tính hơn các bạn nam khác. “Họ hàng, đồng nghiệp của bố mẹ đến nhà cũng hay trêu bố mẹ em là khéo đẻ được “cô con gái”.

Bạn bè cũng trêu nhiều, nhưng với em đó không phải vấn đề, một phần vì mình chưa ý thức lắm về vấn đề giới tính, một phần vì có nhiều bạn nam trong lớp cũng hay bị trêu như thế. Em nghĩ hơn ai hết, bố mẹ cũng nhận ra sự khác biệt của em ngay từ nhỏ rồi, vì đi đâu, làm gì mọi người cũng nhìn em với ánh mắt khác” - Tuấn Anh chia sẻ.

Lên cấp 3 Tuấn Anh bắt đầu nhận thức rõ hơn về giới tính của mình và suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề đó. Cậu kể rằng, lứa tuổi học sinh cấp 3 các bạn nam hay có những mối tình “ngốc xít” với người khác giới, nhưng với cậu thì không hề có. Mặc dù ngoại hình không được nam tính lắm nhưng bù lại học lực xuất sắc, vì vậy trong lớp có khá nhiều bạn nữ thích, thậm chí viết thư tỏ tình.

Dù vậy, Tuấn Anh vẫn không hề rung động, và vấn đề “khác người” đó cũng không hề làm cậu buồn phiền: “Em là người hướng nội nhưng tính cách thể hiện ra ngoài lại khá hướng ngoại, vì vậy mặc dù nhận thức được về giới tính của mình, em chỉ để trong lòng. Em có rất nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ nên cuộc sống vẫn rất “tưng bừng”, em ít bị suy nghĩ, buồn phiền về vấn đề giới tính”.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu tồi tệ khi Tuấn Anh bước chân vào cổng trường đại học và phải đối mặt với vấn đề “come out” chính thức với bố mẹ. Dù biết bố mẹ đã phần nào chuẩn bị tâm lý cho vấn đề này, nhưng Tuấn Anh không nghĩ mình lại gặp phản ứng dữ dội như vậy, nhất là từ mẹ. Hồi đấy cậu quen một người anh cũng là dân đồng tính, anh bạn này mở một quán cà phê cho những người trong giới. Thấy bạn quá vất vả vì thiếu người làm, Tuấn Anh đã ngỏ ý sang giúp đỡ.

Hình như mẹ cậu đã có phần nghi ngờ nên đã bí mật theo dõi, và vào một ngày đang mải mê công việc thì bỗng mẹ xuất hiện trong quán. “Lúc đó, có lẽ mẹ đã chắc chắn mọi chuyện sau những gì đã chứng kiến. Bởi vì các bạn đồng tính bình thường đã phải “gồng” quá nhiều để tỏ ra nam tính, thành ra khi có một cái địa điểm dành riêng cho mình thì các bạn ấy thoải mái “xả”. Khi em về nhà, mẹ liên tục hỏi dồn dập, tra khảo, em không biết làm gì trước thái độ giận dữ của mẹ nên chỉ biết chối bay chối biến tất cả những câu hỏi của mẹ, nhưng đến giây phút cuối cùng em đã không thể chối cãi được nữa và đã thừa nhận. Thực sự là đến bây giờ, em vẫn nghĩ nếu điều này giữ được trong lòng, em sẽ giữ mãi chứ không muốn nói với bố mẹ”.

Tự lập

Mẹ Tuấn Anh dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng khi nghe chính đứa con mình thừa nhận là đồng tính, bà vẫn không thể chấp nhận. Từ giây phút bất đắc dĩ phải “come out” với bố mẹ đó, gia đình cậu rơi vào những ngày tháng vô cùng khủng khiếp. Gia đình có 4 người thì 3 người lớn nhìn thấy nhau nhưng cứ như vô hình. Chỉ có cậu em út là vẫn vô tư không biết gì, thành ra mọi vấn đề cần thiết trao đổi với nhau bố mẹ và Tuấn Anh đều thông qua cậu em này. 

“Em lúc đó bước chân vào cổng trường đại học, em đã cố gắng rất nhiều, chứng minh rất nhiều bằng việc học hành thật tốt, bằng sự tự lập của mình, nhưng chỉ vì em là người đồng tính nên kết quả đều bị phủ định hết. Những lúc bình thường cuộc sống đã rất nặng nề, nếu lúc nào chẳng may có chuyện gì bực tức là mẹ lại trút lên đầu em, mẹ nói em bằng những câu mà em tổn thương vô cùng.

Bố thì buồn chán nên suốt ngày cứ im lặng thôi. Thực sự lúc đấy em đã vô cùng tuyệt vọng” - Tuấn Anh kể. “Mọi chuyện càng trầm trọng hơn khi em dẫn người yêu về công bố với bố mẹ. Thật ra lúc ấy tuổi trẻ bồng bột, em chỉ nghĩ là chuyện đã đến nước này thì công bố luôn một thể, đã yêu nhau thì phải đến được với nhau. Không ngờ lúc đó mẹ em phản đối quyết liệt”. 

Sau lần ấy, Tuấn Anh quá buồn chán, cậu đã có hành động dại dột là tự tử, nhưng rất may được phát hiện và đưa đi bệnh viên cấp cứu. Dù vậy việc làm này vẫn không làm mẹ cậu nguôi ngoai. Cuối cùng, cậu đã quyết định bỏ nhà ra đi, tài sản mang theo chỉ có một chiếc xe đạp và mấy bộ quần áo. Tuấn Anh bảo mình vốn là người tự lập, nhưng cậu cũng không thể hình dung được cuộc sống lang thang không gia đình lại vất vả đến vậy.

Cậu thuê được một căn nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp ở Cầu Giấy rồi bắt đầu tự làm thêm để trang trải cuộc sống. Mới học năm thứ nhất chuyên ngành du lịch nhưng vốn tiếng Anh khá tốt nên Tuấn Anh đã nhận đi tour cho các công ty du lịch, mỗi tháng được khoảng 1,8 triệu để chi tiêu cho tất cả việc thuê nhà, điện nước, ăn uống và để dành một khoản để đóng học phí mỗi kỳ. “Người yêu em hồi đó thương em nên cũng trợ giúp một phần tiền nhà, nhưng em không muốn nhận nhiều nên luôn cố gắng chi tiêu trong khoản tiền mình kiếm ra. Thành ra có những lúc trong người không có một đồng tiền nào, cả ngày chỉ dám ăn một bữa buổi chiều để cầm hơi, còn lại ngoài giờ lên giảng đường thì ngủ để quên đi cái đói”.

Dù cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng Tuấn Anh tuyệt đối không kêu ca với ai, bố mẹ tìm mọi cách liên lạc gọi về nhưng cậu không nhấc máy. Tuấn Anh chia sẻ: “Lúc đó chỉ nghĩ phải làm sao để chứng minh là mình vẫn sống tốt. Em có rất nhiều bạn bè, nhưng đến tận lúc ra trường thì những người bạn thân mới biết em phải bỏ nhà đi như vậy”.

Tuấn Anh còn nhớ mãi đêm 30 Tết năm đó sau nhiều đắn đo cậu đã quyết định về nhà chúc tết bố mẹ. “Lúc đó em suy nghĩ nhiều lắm, nửa muốn về, nửa không muốn về, vì em biết nếu em về thì không khí gia đình sẽ rất khủng khiếp. Thì y như vậy, ngày Tết mà về nhà cứ như có đám tang, mẹ nấu cơm cúng tất niên xong thì mỗi người lại ngồi một góc, không ai nói với ai câu nào. Thế là đêm 30 Tết, em lại bước chân đi, có lẽ mẹ cũng muốn giữ em lại, nhưng cuối cùng bà lại để em đi”.

8 năm mới được chấp nhận

Tuấn Anh bảo, phải đến tận bây giờ mẹ mới thực sự chấp nhận, thực sự thoải mái về việc có một người con trai đồng tính. “Giờ mẹ mới có thể nói với mọi người, vâng, con trai tôi nó là người đồng tính, và nó đang rất hạnh phúc. Mẹ đã có thể nói chuyện với em về người đồng tính, mẹ đã hỏi em có muốn ra ở riêng hay không…”. 

Cậu kể, khi bỏ nhà đi ở lang thang bên ngoài được khoảng 2 năm thì mẹ cậu tìm được đến chỗ trọ. Thấy cuộc sống quá tồi tàn, mẹ chỉ nói một câu: Về nhà đi con. “Thật ra em quyết định về là vì người yêu cũ của em. Lúc đó anh sắp đi du học, anh cũng động viên em về nhà vì nếu em không về thì chắc chắn anh sẽ không yên tâm để đi. Một dịp gần Tết, mẹ tiếp tục đến nói em về, lần này mẹ nói chuyện nhẹ nhàng hơn, mẹ hứa là sẽ không căng thẳng như trước nữa, em suy nghĩ mãi rồi mới quyết định về” - Tuấn Anh kể.

Lần này về nhà thì không khí đỡ căng thẳng hơn, bố mẹ và Tuấn Anh đều cố gắng không nhắc đến chuyện của cậu, và nếu không nhắc đến thì coi như nó không tồn tại. Dù vậy lúc có chuyện, mẹ không biết trút giận đi đâu mà chỉ biết oán trách, bà oán trách mình, oán trách con, oán trách số phận, oán trách rất nhiều thứ… Rồi bà đi tìm hiểu về “căn bệnh” đồng tính, đến năm Tuấn Anh chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì bà đã bàn về việc đưa cậu vào miền Nam chữa bệnh, vì nghe nói trong đấy có người chữa được bệnh này.

 Cậu phải tìm mọi lý do để từ chối. Vì sau 4 năm học hành vất vả, cậu luôn là sinh viên xuất sắc, nhiều khả năng được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, vậy mà chỉ vì để “chữa bệnh” mà phải bỏ học vào miền Nam thì không đành. Cuối cùng mẹ cậu đành phải nhượng bộ. 

Để được mẹ hoàn toàn chấp nhận, Tuấn Anh nói phải cảm ơn người yêu hiện tại của cậu rất nhiều. Hồi đó, vì nhiều lý do nên Tuấn Anh và người yêu đầu tiên phải chia tay. Cậu đến với người yêu hiện tại cũng bị bố mẹ phản đối nhiều, nhưng cả hai đã cố gắng chứng minh mình sống thật tốt, thật hạnh phúc. “Đến bây giờ sau 5 năm yêu nhau, bố mẹ em đã coi anh ấy như một thành viên trong gia đình, anh đã giúp em kết nối với mẹ nhiều hơn”. 

Hiện tại người yêu của Tuấn Anh đang là cán bộ có triển vọng trong một cơ quan Nhà nước, còn cậu thì đang hoàn thành chương trình thạc sĩ để chuẩn bị làm một giảng viên đại học. Tuy nhiên, để tính đến chuyện ra ở riêng, chung sống với nhau một nhà, cả hai vẫn còn đắn đo vì những rào cản tâm lý.