Hành trang và kiến thức sinh tồn trong tình huống hỏa hoạn đối với học sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng cháy, chữa cháy học đường, nhân rộng mô hình “Trường học an toàn phòng cháy, chữa cháy”, Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội tổ chức sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho gần 2.000 cán bộ, công nhân viên chức và học sinh.
Đại uý Nguyễn Tuấn Anh hướng dẫn cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay

Đại uý Nguyễn Tuấn Anh hướng dẫn cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay

Trải nghiệm tình huống cháy giả định

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội hiện nay, cơ sở giáo dục là khu vực tập trung đông người và nhiều khu vực tập trung trang thiết bị dễ cháy, như: Bếp ăn, nhà để xe, thiết bị phục vụ học tập (tivi, máy chiếu, máy vi tính…). Đặc biệt, loại hình cơ sở này chủ yếu là học sinh, sinh viên chưa có kỹ năng PCCC, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi xảy ra sự cố. Do vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức cơ bản về phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn an toàn là vô cùng quan trọng.

Tại buổi sinh hoạt, Đại uý Nguyễn Tuấn Anh - cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thanh Oai, đã phổ biến, giáo dục pháp luật đã cung cấp thông tin tình hình cháy nổ, đặc biệt là những thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; một số nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ tại trường học như: bất cẩn trong việc sử dụng lửa và ý thức chủ quan trong việc sử dụng điện cũng như cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay, cách thoát hiểm khi có cháy xảy ra trong trường học, gia đình; các biện pháp đề phòng, hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, tránh sự cố cháy xảy ra.

Qua hướng dẫn các học sinh cách nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn và hướng dẫn, tập huấn, giúp các em học sinh nắm bắt được những kỹ năng cơ bản để chữa cháy, ứng cứu và thoát hiểm khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ như: Hô hoán, báo động, cách chọn lối thoát, cách sử dụng các vật dụng để bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc.

Các học sinh trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai tham gia sinh hoạt chuyên đề

Các học sinh trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai tham gia sinh hoạt chuyên đề

Tại buổi sinh hoạt, thầy cô giáo cùng các em học sinh được nghe hướng dẫn và tham gia thực hành thoát nạn trong môi trường nhiều khói, khí độc;​​​ kỹ năng sơ cấp cứu di chuyển nạn nhân, được trang bị những kiến thức cơ bản để hỗ trợ và tự hỗ trợ về mặt y tế cho bản thân và người khác ở những thời điểm ban đầu của tai nạn như: kỹ thuật ép tim, thổi ngạt, sơ cấp cứu với nạn nhân bị ngưng tim, hóc dị vật đường thở, điện giật…

Lan tỏa kiến thức và ý thức an toàn cháy, nổ

Qua buổi tuyên truyền, không chỉ giúp các em học sinh được trang bị những kỹ năng cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân trong những tình huống nguy hiểm từ cháy nổ, mà chính các em học sinh hoàn toàn có thể là một tuyên truyền viên tích cực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH tại nhà trường, gia đình và nơi mình sinh sống.

Từ tháng 5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 06 về việc đưa nội dung hướng dẫn, trang bị kỹ năng thoát nạn, an toàn PCCC cho học sinh, sinh viên và cơ sở giáo dục.

Theo đó, căn cứ vào hướng dẫn của Công an thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, UBND các quận, huyện yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an quận, huyện triển khai cho 100% học sinh trên địa bàn kỹ năng an toàn cháy, nổ bằng cách lồng ghép vào các bài giảng chính khóa.

Từ đầu năm học mới 2024 – 2025 đến nay, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội và Công an các quận, huyện đã đồng loạt triển khai tiết học về kỹ năng an toàn cháy, nổ trong các cơ sở giáo dục. Qua đó góp thêm hành trang, kiến thức phòng tránh tai nạn, thương vong do hỏa hoạn cho học sinh, giáo viên...

Việc triển khai bộ tài liệu trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho học sinh trong nhà trường được thực hiện trong suốt năm học và báo cáo kết quả các đợt vào giữa và cuối năm 2025.

Các em học sinh thực hành sử dụng bình chữa cháy

Các em học sinh thực hành sử dụng bình chữa cháy

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội, thực hiện công tác PCCC trong nhà trường là một trong những công tác rất quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Cháy nổ không chỉ để lại những nỗi đau cho bản thân người bị nạn, mà còn gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến những hệ lụy to lớn...

Hiểu được tầm quan trọng của công tác PCCC và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội đã luôn chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH tại các cơ sở giáo dục, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng bậc đào tạo, đối tượng và độ tuổi học sinh, sinh viên...