Hạnh phúc như tên mẹ

ANTD.VN - Cứ mỗi thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, trong khuôn viên trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) luôn có một góc tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười, đó là giờ học của các em học sinh đặc biệt. Ở đây, các em được chăm sóc bởi bàn tay của “mẹ Phúc”, người phụ nữ đã bước sang tuổi 80 và dành hơn 20 năm gắn bó đời mình với những số phận không may mắn.

Mẹ Phúc luôn kiên trì, nhẹ nhàng nhắc các con từng động tác múa, từng câu hát tưởng chừng đơn giản nhất

4 năm và 1 khúc ca

Hơn 20 năm qua, cứ đến cuối tuần là bà Phúc lại tất bật với việc chăm sóc, dạy văn nghệ cho những em nhỏ khuyết tật. Những đứa trẻ đến với lớp học của bà ngày đầu tiên như con chim lạc đàn, sống khép mình, có nhiều em bị chính người thân xa lánh. Cảm thông với hoàn cảnh ấy, bà Phúc quyết tâm đưa các em hòa nhập với cuộc sống dù đó là công việc vô cùng vất vả. Chẳng ai còn nhớ rõ thời điểm hay biết được đứa trẻ đầu tiên nào đã cất lên tiếng gọi thân thương “mẹ Phúc” nữa, nhưng với bà, 2 chữ này thật thiêng liêng và ấm áp suốt từng ấy năm ròng.

Mở đầu buổi học luôn là những điệu nhảy, điệu múa và các em học sinh đặc biệt cùng nắm tay nhau nói cười. Lớp học có khoảng 30 em, và điều kỳ lạ là có cả những “em” năm nay đã… trên 30 tuổi. Chúng sống như trong một gia đình và đầy tình thương mến. 

Yêu văn nghệ từ tấm bé, bà Phan Thị Phúc thi vào Trường Nghệ thuật Hà Nội và được đào tạo thành diễn viên kịch nói. Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại Đoàn kịch Hải Phòng, nhiều lần đi biểu diễn phục vụ đồng bào, bộ đội kháng chiến. Từ năm 1980, bà về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Như một cơ duyên, tại đây bà Phúc được phân công quản lý đội kịch trẻ em, thường xuyên đi biểu diễn ở các trường học.

Bà Phúc xúc động kể về việc mình đã hình thành “mái ấm” đặc biệt cho các trẻ em khuyết tật: “Trong lần đưa đội kịch về Trường Tiểu học Trung Tự (quận Ðống Ða, Hà Nội) biểu diễn, tôi thấy nhiều em khuyết tật ở đó rất thích hát, thích múa. Nhìn những ánh mắt chứa chan tình yêu cuộc sống của các con, tôi quyết tâm gắn bó phần đời còn lại của mình với những trẻ em khuyết tật đáng thương. Và thế là CLB văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời”. 

Lần đầu nhìn thấy những đứa trẻ bất hạnh, bà mẹ của bao mảnh đời không may mắn ấy đã trăn trở một suy nghĩ, làm thế nào để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống? Cuối cùng, chính bà lại tự trả lời cho mình, đó là nghệ thuật sẽ là chìa khóa mở cửa tâm hồn những đứa trẻ đang chịu thiệt thòi. Bà quyết định thử nghiệm bằng cách mang các môn nghệ thuật như múa, hát, vẽ… để dạy cho những đứa trẻ vốn tự ti, sống khép mình trong vỏ ốc. Kết quả thật bất ngờ, nhiều trẻ em khuyết tật đã trở nên cởi mở, tự tin, hòa nhập hơn trong cuộc sống.

Mẹ Phúc đã già, bước chân cũng đã chậm dần đi vì tuổi tác, nhưng con đường và mong muốn của mẹ chắc chắn sẽ được tiếp nối bởi các tấm lòng chân thành nhất như lời một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Và với sự hy sinh của mẹ, chắc chắn cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh kia cũng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc. Bởi mẹ là một tấm lòng, một cuộc đời hạnh phúc hơn mọi cuộc đời mà chúng từng biết. Hạnh phúc như chính tên mẹ vậy.

Trong số những đứa con đặc biệt của mình, bà Phúc nhớ mãi về cô bé Vy vốn bị câm điếc bẩm sinh. Ban đầu, Vy không có khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh. 4 năm trời, mẹ Phúc nói chuyện với em chủ yếu bằng… tay. Và giáo trình duy nhất bà dành cho Vy trong suốt quãng thời gian đó chỉ là một bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Sự kiên trì đến kinh ngạc ấy của bà cuối cùng cũng được đền đáp.

Hôm mẹ Phúc đưa Vy đi thi văn nghệ, cả hội trường Cung Thiếu nhi Hà Nội đã lặng đi. Khán giả xúc động đến trào nước mắt khi một đứa trẻ 13 tuổi bị câm điếc từ nhỏ cất lên tiếng hát, dù những khẩu âm phát ra còn chưa rõ. “Tôi tin, nghệ thuật có thể cảm hóa được mọi tâm hồn”- bà Phúc chiêm nghiệm.

Trên bục giảng, mẹ Phúc luôn kiên trì, nhẹ nhàng nhắc các con từng động tác múa, từng câu hát tưởng chừng đơn giản nhất. Có những bài hát điệu múa, tập cả năm trời rồi mà các con cứ quên, mẹ Phúc lại kiên trì tìm cách hướng dẫn mới để các con dễ nhớ hơn bởi theo mẹ: “Lớp học này là nơi các em được thỏa sức sáng tạo, từ đó nhân lên sự tự tin, yêu đời, giúp các em hòa nhập với cuộc sống dễ dàng hơn”. 

Gia tài của mẹ Phúc là hàng trăm bức ảnh chân dung của những đứa con được dán khắp nhà

Sống trên đời sống…

Ngoài dạy nghệ thuật, mẹ Phúc còn kết hợp cả việc dạy nghề cho các em. Đó là những công việc đơn giản, vừa sức như sửa chữa điện dân dụng, đan móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ... Phần lớn các em khi hoàn thành việc học nghề đều đã tìm được công việc nuôi sống bản thân, có nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn.

Không chỉ dạy múa, dạy hát, dạy kĩ năng sống cho các trẻ em khuyết tật, mẹ Phúc còn quan tâm, chăm sóc cho những đứa con của mình từng bữa ăn, giấc ngủ. Có những ngày nắng nóng, mẹ vẫn tranh thủ đi xin từng chiếc máy khâu cũ cho các em học may hay lặn lội đi xin từng tấm thẻ xe buýt miễn phí cho các em đi lại. Đến cả những việc trọng đại của đời người như đi hỏi vợ, hỏi chồng cho chúng khi trưởng thành, mẹ cũng ghé vai gánh vác. Cho đến bây giờ, gia tài của mẹ là hàng trăm bức ảnh chân dung của những đứa con được dán khắp nhà. “Thằng này lớn lên sẽ làm họa sỹ nhé, tranh đẹp lắm… Hai đứa này lấy nhau sinh được lũ nhóc xinh đáo để…” - mẹ Phúc cứ thủ thỉ với từng bức ảnh như kể chuyện.

Chăm sóc những đứa trẻ ấy từ bé, mẹ Phúc để ý đến từng ánh, mắt, cử chỉ của các con mình. Nhìn thấy các em thân nhau, mẹ biết người này có thể bù đắp cho người kia, biết những cái họ thiếu để khi đến với nhau có thể chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống, vượt qua mặc cảm của số phận. “Như chuyện của Kim Oanh và Quang Huy, tôi cứ có cảm giác đặc biệt khi chúng nhìn nhau. Để ý một thời gian thì tôi hiểu rằng, dù có tình cảm với nhau nhưng chúng không dám thổ lộ vì mặc cảm, tự ti bản thân. Sau một thời gian dài ủng hộ, động viên thì giờ đây, hai con đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, có công việc ổn định. Tôi là bà mối, là bà nội, bà ngoại của nhiều cặp đôi khác trong CLB. Nhìn các con hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình, bản thân tôi thấy ấm lòng” - mẹ Phúc chia sẻ.

Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội vẫn nằm khiêm tốn trong một góc tại trường Tiểu học Trung Tự. Vào mỗi ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, các trẻ em khuyết tật trên khắp Hà Nội lại sum họp về đây để học vẽ, học múa hát, tiếng Anh… như bao đứa trẻ khác.

Mẹ Phúc đã già, bước chân cũng đã chậm dần đi vì tuổi tác, nhưng con đường và mong muốn của mẹ chắc chắn sẽ được tiếp nối bởi các tấm lòng chân thành nhất như lời một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Và với sự hy sinh của mẹ, chắc chắn cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh kia cũng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc. Bởi mẹ là một tấm lòng, một cuộc đời hạnh phúc hơn mọi cuộc đời mà chúng từng biết. Hạnh phúc như chính tên mẹ vậy.