Hạnh phúc lan tỏa từ cái nắm tay của cha để con khôn lớn

ANTD.VN - Xã hội hiện đại, khi các bậc cha mẹ bị “bủa vây” bởi hàng loạt phương pháp dạy con tự lập theo kiểu Nhật Bản, kiểu Do Thái, kiểu Mỹ... thì việc đưa ra quyết định chọn lựa nên dạy con tự lập theo “trường phái” nào là bài toán khó đối với số đông phụ huynh Việt. 

Dưới đây là cuộc trò chuyện với tác giả Hoàng Long của cuốn sách “Cùng nắm tay cha nào ta khôn lớn”.

Hạnh phúc lan tỏa từ cái nắm tay của cha để con khôn lớn ảnh 1Tác giả Hoàng Long

PV: Góc nhìn và quan điểm của anh về câu nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”?

Tác giả Hoàng Long: Đây là một điều theo xu hướng cổ xưa. Có thể cách nhìn của xã hội khác tôi. Nhưng tôi hoàn toàn không tán thành. Tôi muốn đề cập tới một khía cạnh - nếu như người bà, người mẹ thấy người bố ít dành thời gian cho con thì cũng nên suy nghĩ lại, liệu trong đó phần nào có nguyên do từ mình hay không.

Người phụ nữ Việt Nam có thiên hướng lo lắng cho con cái nhiều hơn, điều đó vô tình dẫn đến việc đôi khi nó chính là một gánh nặng cho họ; đôi khi trở thành sự “ích kỷ”. Ví như việc từ nhỏ tới lớn, nếu người mẹ lúc nào cũng nhìn thấy ông bố lóng ngóng, lại bảo “thôi để đấy” và giành lấy công việc chăm sóc con mà không hề hay biết rằng chính điều đó vô tình tạo ra khoảng cách. Mà những tiếp xúc, cử chỉ nhỏ nhất bố dành cho con trong cuộc sống hàng ngày mới tạo nên mối quan hệ và gắn kết giữa tình yêu thương.

Khá nhiều bạn bè của tôi có suy nghĩ này: Bố và mẹ đều có phần trách nhiệm như nhau trong việc con cái khôn lớn và trưởng thành. Vai trò của người mẹ trong việc kết nối hai bố con là rất lớn, mẹ nên cố gắng tạo điều kiện, khuyến khích bố quan tâm tới con nhiều hơn.

Gần đây, nhiều phụ huynh Việt Nam bày tỏ nỗi lo ngại khi cách dạy con của mình khác hoàn toàn với cách dạy cháu của ông bà khiến cho các thế hệ trong gia đình xảy ra mâu thuẫn. Cuộc sống của anh đã phải đối mặt với trường hợp này?

Vấn đề này tất nhiên tôi cũng gặp phải. Ông bà dành tình cảm cho cháu, lại có thời gian, bồng bế cháu, ru cháu ngủ, cho cháu ăn..., quấn quít suốt ngày. Thậm chí có nhiều gia đình, cháu đã lớn rồi mà ông bà vẫn chăm chút cháu như một đứa bé, không cho cháu tự lập. Lúc con tôi 3 tháng tuổi, sau giờ ăn tôi đặt con nằm xuống giường, đứng bên vỗ về trò chuyện để con tự ngủ. Thi thoảng bé không ngủ ngay, khóc đòi bế, tôi tập cho bé quen nếp ngủ thì mẹ tôi bảo: “Nhà bao nhiêu người sao không để bế cháu lại bắt tội khổ thân cháu”.

Vậy đó… Thế hệ trước có thể truyền cho chúng ta kinh nghiệm, nhưng xu hướng xã hội thay đổi, thời gian, guồng quay công việc bận rộn của chúng ta cũng khác dẫn đến việc, cách dạy con của mình cũng thay đổi. 

Nhưng hãy nhìn dưới một góc độ rằng, dù thế hệ nào đi chăng nữa cũng đều có điểm chung là tình yêu thương, sự hy sinh, vun đắp cho thế hệ mai sau. Bố mẹ cần ngồi xuống, chia sẻ góc nhìn, quan điểm dạy con của mình một cách nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, thuyết phục là cách tháo gỡ mọi vướng mắc nếu có.

Hạnh phúc lan tỏa từ cái nắm tay của cha để con khôn lớn ảnh 2Cuốn sách “Cùng nắm tay cha nào ta khôn lớn” nhận được sự đồng cảm của nhiều bậc phụ huynh

Nguyên do nào dẫn anh đến sự chọn lựa phương pháp “Là bạn của con”?

Phương pháp này đến với tôi rất tự nhiên. Ai cũng biết cách sinh ra một đứa trẻ song không phải ai cũng biết tạo ra một người bố tốt. Mặc dù, trên thị trường bán rất nhiều sách dạy con nhưng rất ít người viết cuốn sách làm thế nào trở thành người cha tuyệt vời. Khi có con, tôi suy nghĩ nhiều, nhớ về thuở nhỏ được bố mẹ bảo ban, chỉ dạy.

Tôi cảm phục bố mẹ mình không phải lúc bố tôi cầm roi trách phạt hay mẹ quát tháo. Tôi trân trọng khoảnh khắc bố mẹ dành thời gian nói chuyện với tôi để tôi hiểu về những khó khăn, hay những điều tôi làm chưa tốt... Những lúc bố mẹ cùng tôi tâm sự, cảm giác bố mẹ như người bạn thân. Điều đó mang lại hiệu quả lớn trong quá trình tôi trưởng thành. Phương pháp “Là bạn của con” giúp bố con chia sẻ nhiều nhất với nhau.

Theo anh, sự gắn kết giữa bố - mẹ và con được “chuyển hóa” thế nào trong cái tam giác gia đình ấy?  

Xuất phát từ quan điểm, người con sinh ra cũng là lúc là người bố sinh ra. Không chỉ tôi dạy con mà con cũng dạy tôi bao điều thú vị. Người bố tốt cần học từ con, xem con mong muốn điều gì, ít nhiều thay đổi bản thân để phù hợp với con. Trong gia đình có một sợi dây vô hình ràng buộc tất cả mọi người, sợi dây vô hình đó nó được thắt chặt từ một phía thì nó sẽ bền chặt hơn từ những phía kia. Bố gắn kết với con cũng khiến cho tình cảm bố mẹ trở nên khăng khít. Hơn nữa, hạnh phúc có sức lan tỏa, một gia đình hạnh phúc sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc ấy tới mọi người xung quanh.

Nhiều bậc cha mẹ hiện đại tán thành việc dạy con tự lập để tạo cho con nền tảng tốt khi trưởng thành. Anh nhìn nhận ra sao về chiều hướng này?

Dạy con tự lập cũng giống như những điều khác, nó không có gì hoàn toàn tích cực hay tiêu cực, nếu quá mức sẽ thành không tốt. Mặt tốt là trẻ sẽ mạnh dạn, chủ động, thêm tự tin, dám khám phá... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại muốn có những lúc con cái nên phụ thuộc bố mẹ một chút, hỏi ý kiến hoặc xin bố mẹ hướng dẫn những chuyện quan trọng. Tự lập là tự giải quyết mọi việc theo cách của mình, nhưng một đứa trẻ hay một thanh niên đều sẽ thiếu kinh nghiệm. Có những chuyện quan trọng chưa chắc để con tự lập đã tốt, bố mẹ từng trải hơn sẽ có những bài học quý báu để con lắng nghe, tham khảo.

Trào lưu dạy con tự lập có phải “Tây hóa” không, theo anh? 

Nhiều người nghĩ dạy con tự lập là “Tây hóa”, ảnh hưởng tới bản sắc dân tộc, thực ra không phải, mọi người cần có cái nhìn rộng mở, linh hoạt hơn trong đời sống hiện đại. Một điều tôi mong các bậc phụ huynh lưu tâm, dù ở phương Tây hay phương Đông, cụ thể là Việt Nam thì trẻ con nào cũng biết so bì hết, chúng sẽ so bì: “Tại sao con phải làm mà bạn không phải làm”. Như tôi dạy con không được bỏ phí đồ ăn, bữa ăn phải ngồi tại bàn, con sẽ thắc mắc tại sao bạn được chạy vòng vòng. Con nhìn thấy một cái khác với nó, nó sẽ đặt câu hỏi và so bì. Các bậc phụ huynh cần xác định đó không phải là “hư” mà là phản ứng tự nhiên của con người.

“Kiên nhẫn + Thời gian = Hạnh phúc cho con”, đây có phải là một công thức không? 

Kiên nhẫn phân tích cho con hiểu từng chuyện từ nhỏ tới lớn trong cuộc đời có thể sẽ mất thời gian, mắng con hay phạt con thì nhanh. Về lâu dài, tôi khẳng định, dành thời gian lắng nghe, trò chuyện, phân tích cho con về phải trái, đúng sai, khuyên răn con là hợp lý. Bởi chỉ lâu những bước đầu, sau con hiểu đã vào nền nếp. Mắng phạt hay chiều theo ý con có thể nhanh bây giờ, nhưng sau uốn nắn rất khó. Người ta tưởng chừng hạnh phúc cao xa nhưng hạnh phúc rất gần gũi giản dị. Bí quyết trước tiên để khiến con trở nên hạnh phúc là dành thời gian cho con nhiều nhất có thể!