Hạnh phúc là được giúp đỡ mọi người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong suốt 21 năm “làm nghề”, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức luôn quan niệm, hạnh phúc của chúng tôi là được giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn… Đó không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là trách nhiệm của tất cả những người lính phòng cháy, chữa cháy .

Ước mơ thời thơ ấu

Chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội trong buổi tập cùng đồng đội tại đơn vị. Mồ hôi ướt đẫm sắc phục, nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi.

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức

Suốt 21 năm đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân thì chừng đó thời gian Thiếu tá Nguyễn Minh Đức gắn bó với nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Nhiều vụ cháy lớn đã được anh và đồng đội tham gia dập tắt, cứu được nhiều người thoát khỏi hiểm nguy. “Thực sự chúng tôi rất ngại khi được mọi người khen ngợi bởi đó là công việc và trách nhiệm. Tuy nhiên, mỗi lần chiến thắng “giặc lửa” và cứu được một người dân, tôi và đồng đội đều cảm thấy hạnh phúc, thêm yêu và trân trọng với nghề” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Kể về cơ duyên đến với nghề, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho biết, gia đình anh đều phục vụ trong ngành công an (bao gồm bố, mẹ và vợ), nhưng không ai theo nghiệp PCCC. Trước đây, một anh hàng xóm gần nhà làm Cảnh sát PCCC và CNCH. Mỗi lần thấy anh ấy đi về với bộ quân phục của lính cứu hỏa, cậu bé Đức ngày đó lại ngắm nhìn với con mắt ngưỡng mộ. Hào hứng nghe người lính đó kể về mỗi lần lăn xả cứu người, những pha băng mình trong khói lửa, thay vì sợ hãi, cậu bé Đức lúc đó lại rất hào hứng và chăm chú. Rồi từ lúc nào không hay, ước mơ trở thành lính cứu hỏa của anh dần dần nhen nhóm. “Lúc đó tôi cảm thấy nghề này rất ý nghĩa và cao cả nên đã quyết định thi vào Đại học Phòng cháy, chữa cháy. Năm đầu tiên thi trượt hệ đại học, nhưng lại đủ điểm đỗ vào Trung cấp Cảnh sát nhân dân, tôi vẫn quyết định ôn lại để thi tiếp. Quả nhiên năm sau tôi trúng tuyển vào ngôi trường ước mơ” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức kể lại.

Cô gái trẻ Mai Linh được Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cùng đồng đội cứu thoát khỏi đám cháy, đưa ra ngoài an toàn

Cô gái trẻ Mai Linh được Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cùng đồng đội cứu thoát khỏi đám cháy, đưa ra ngoài an toàn

Cứu người là ưu tiên hàng đầu

Suốt 21 năm theo nghề, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức luôn xác định, trong các vụ cháy phải ưu tiên cứu người là hàng đầu nên việc trinh sát, tiếp cận đám cháy cần đảm bảo nhanh nhất. “Nhưng để cứu được người thì phải thuộc nằm lòng nguyên tắc là đảm bảo an toàn cho bản thân, bởi nếu lính cứu hỏa bị thương thì còn cứu được ai nữa. Chính vì thế, tôi yêu cầu anh em chấp hành đúng chiến thuật, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chỉ huy. Đặc thù công việc của lính cứu hỏa là luôn gấp gáp, để ra quyết định chỉ trong tích tắc là rất khó khăn vì nếu sai lầm thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Do đó, trong chiến đấu, với cương vị chỉ huy tôi sẽ rất quyết liệt. Người nào ra “chiến trường” trong tâm thế chưa sẵn sàng cao độ là không thể chấp nhận được” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức bộc bạch.

Với anh, để ở lại với nghề suốt 21 năm qua chính là mong muốn có thể cứu người. “Lúc hoàn thành công việc, cứu được người, cứu được tài sản, anh em tay bắt mặt mừng ôm chầm lấy nhau. Nhưng khi không cứu được, nhiều chiến sĩ cũng đau buồn, có người bật khóc vì bất lực. Chúng tôi cứ day dứt là tại sao mình không đến nhanh hơn chút nữa? Tại sao cú điện thoại gọi cứu hỏa không đến sớm hơn? Giá như nhà không ở ngõ sâu mà ngay mặt đường... Hàng trăm câu hỏi, hàng nghìn cái “giá như” đó cứ thôi thúc, dằn vặt trong lòng”.

Cô gái Mai Linh sau khi được cứu ra khỏi đám cháy đã ôm chầm lấy Thiếu tá Nguyễn Minh Đức

Cô gái Mai Linh sau khi được cứu ra khỏi đám cháy đã ôm chầm lấy Thiếu tá Nguyễn Minh Đức

“Trái ngọt” của lính cứu hỏa

Trong nhiều lần chữa cháy khác, cảm giác vui buồn thường đan xen bởi cứu được người này nhưng lại bất lực khi không cứu được người kia. Do vậy, với mỗi người lính cứu hoả, chỉ khi cứu được tất cả mọi người, tất cả được an toàn, khi đó họ mới có được niềm vui trọn vẹn.

Nhắc đến niềm vui của người lính, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức lại xòe những lá thư cảm ơn, những món quà nhỏ xinh từ khăn len, găng tay… của những người đã được anh cứu. Bức ảnh một cô gái ôm chầm lấy anh khóc nghẹn ngào vì vừa thoát khỏi “lưới hái tử thần” vẫn là một kỷ niệm theo anh hết cuộc đời. Đó là vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 23-10-2022. “Sau khi trinh sát và triển khai đội hình, chúng tôi vừa chữa cháy vừa tổ chức cứu nạn. Cuối cùng thì anh em đã đưa được ra ngoài an toàn 11 người, một số chỉ bị thương nhẹ…” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức kể lại.

Bình thường, tâm lý của người dân sau khi thoát nạn vẫn rất hoảng loạn, họ sẽ chạy đi tìm người thân hoặc kiếm nơi nào đó kín đáo để ngồi trấn tĩnh. Nhưng hôm ấy có một cô gái tên Mai Linh sau khi được Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cứu ra đã ôm chặt lấy anh trong nỗi nghẹn ngào: “Cảm ơn các anh… cảm ơn vì đã đến cứu em!”. Cái ôm của cô đã thay lời tri ân các chiến sĩ Cảnh sát PCCC, những người không quản ngại hiểm nguy lao vào biển lửa cứu các nạn nhân thoát khỏi cái chết cận kề. Và vòng tay của người lính cứu hỏa cũng thay lời động viên cô gái trẻ vừa trải qua hoạn nạn. “Lúc đó, tôi cũng cảm thấy xúc động, cũng muốn trấn an để cô gái bình tĩnh lại. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đã ôm cô ấy và động viên: Ổn rồi… mọi thứ ổn rồi, đã có bọn anh ở đây rồi!” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức kể.

Đến bây giờ Mai Linh vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng cô lại đến trụ sở đơn vị thăm những người lính, khi thì gửi tặng chút quà quê, khi thì viết thư để lại với câu chữ rất tình cảm, chân thành. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh em lính cứu hỏa, đặc biệt các chiến sĩ trẻ yêu ngành, yêu nghề hơn. Khi chúng tôi dành những lời khen cho những người lính cứu hỏa, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức khiêm tốn nói, đó là công việc và nghĩa vụ hàng ngày các anh phải làm. Mỗi lần cứu thành công một người dân là thành quả, trái ngọt của tất cả anh em chiến sĩ.

Vất vả, hiểm nguy là thế, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, tất cả các chiến sĩ PCCC và CNCH mà tôi gặp đều nói về công việc với sự tự tin đầy trách nhiệm. Dù luôn có thể gặp rủi ro, ảnh hưởng đến sinh mạng khi chiến đấu với “giặc lửa”, nhưng không vì thế mà họ chùn bước, sờn lòng.