“Hành hung nhà báo phải bị xử lý nghiêm khắc”

ANTĐ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ (ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đã nói như vậy với báo giới, tại hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

- PV: Vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tiêu cực hiện nay  như thế nào, thưa ông?

- Ông Hà Minh Huệ: Báo chí làm công tác thông tin, phản biện xã hội, trong đó có nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vừa qua, báo chí đã phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, đồng thời còn đề ra hướng xử lý những vụ việc đó.

- Hiện tượng hành hung nhà báo tham gia phòng chống tiêu cực đã xảy ra. Theo ông, cần có giải pháp nào giải quyết tình trạng này?

- Hành hung nhà báo đang tác nghiệp là vi phạm pháp luật. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhà báo có quyền được tác nghiệp một cách hợp pháp, theo đúng pháp luật. Do vậy, những hành vi cản trở, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và hành hung nhà báo phải được xem là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm khắc. 

- Theo ông, báo chí hiện nay có những mặt gì còn hạn chế?

- Hạn chế về trình độ nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, gây ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo chí. Mặt khác, nhà báo non về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẽ không thể hiện được ý mình định viết. Báo chí yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp rất cao và muốn thể hiện được vai trò vị trí của nhà báo, khi viết hoặc phát ngôn vấn đề gì phải chuẩn, không thể khiên cưỡng, theo ý cá nhân được.

- Trong thời kỳ phát triển và hội nhập hiện nay, nhà báo cần đảm bảo các yếu tố gì? 

- Nhà báo phải luôn được đào tạo, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị và có đạo đức nghề nghiệp. Những sự kiện xảy ra mang bản chất hoàn toàn mới và phóng viên phải cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy. Nhà báo phải đặt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân lên trên hết và đó là yêu cầu cốt lõi đối với người làm báo.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!