Hành hung cán bộ y tế, bạo hành giáo viên vì chế tài chưa nghiêm

ANTD.VN -Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình trạng hành hung nhân viên y tế, bạo hành giáo viên… đang là vấn đề nổi cộm.

Các đại biểu dự hội nghị của Ban Chỉ đạo chương trình 04 phát biểu về việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhân dân

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” diễn ra sáng nay, 7-3, nhiều đại biểu chia sẻ sự bức xúc về tình trạng hành hung, chống đối người thi hành công vụ có xu hướng tăng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, tình trạng hành hung, chống đối người thi hành công vụ đang rất bức xúc. Câu chuyện một giáo viên bị người nhà học sinh bắt quỳ, gây phẫn nộ dư luận thời gian gần đây hay việc hành hung cán bộ y tế hiện nay là ví dụ điển hình.

Hà Nội có lợi thế là ngành y tế đã ký kết quy chế phối hợp với CATP Hà Nội nên công tác đảm bảo an ninh bệnh viện tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn thì rất khó răn đe. Cùng đó, cần phải xử lý kịp thời.

“Vừa rồi có vụ việc người nhà bệnh nhân cầm dao vào khu vực phòng khám của bệnh viện, nếu không có lực lượng Công an có mặt kịp thời thì rất khó giải quyết” – ông Hiền dẫn chứng.

Ngược lại, về phía cán bộ, công chức cũng phải thay đổi thái độ, phong cách ứng xử trong tiếp xúc với người dân. Ông Hiền cho biết, với ngành y tế, Sở Y tế Hà Nội một mặt đã yêu cầu các bệnh viện phải niêm yết quy chế ứng xử của cả công chức lẫn quy chế ứng xử của người dân tại khu vực công cộng ở các điểm dễ nhìn thấy trong bệnh viện nhằm giáo dục người dân cùng thực hiện.

Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Các bệnh viện cũng quán triệt rất mạnh tới cán bộ nhân viên của mình và hiện đã dần có sự chuyển biến, nhân viên y tế đã dần ý thức được rằng bệnh viện cần người bệnh, không có người bệnh thì bệnh viện “cũng chết” chứ không chỉ là bệnh nhân cần bệnh viện nữa.

Đồng quan điểm về việc muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, bà Bạch Liên Hương, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức chia sẻ, tại khu vực lễ hội chùa Hương có trên 300 gian hàng với hàng nghìn người tham gia phục vụ, từ người lái đò đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

“Từ đầu năm đến nay khách du lịch về lễ hội chùa Hương khoảng 30.000-55.000 người mỗi ngày. Tất cả những người dân tham gia phục vụ lễ hội, kinh doanh trong khu vực lễ hội đều đã được tập huấn về quy tắc ứng xử, an toàn thực phẩm… song vẫn có vi phạm xảy ra, vẫn có những người có hành vi ứng xử không chuẩn mực. Vấn đề là chế tài xử lý hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Các vi phạm chủ yếu chỉ xử lý hành chính" – bà Hương nói.

Theo các đại biểu, về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, muốn hiệu quả thì phải bắt đầu từ người đứng đầu cơ quan đơn vị. Người đứng đầu mà cũng văng tục, không gương mẫu thì khó bảo cấp dưới. Do vậy, giải pháp quan trọng vẫn là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, hai bộ quy tắc ứng xử do thành phố ban hành (gồm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội) được các cấp và nhân dân hướng ứng, thực hiện.

Bước đầu việc thực hiện quy tắc ứng xử đã tạo những chuyển biến tích cực về văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị và văn hóa ứng xử trong các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, song đâu đó việc triển khai vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa đạt yêu cầu.