Hành động ngay bây giờ

ANTĐ - Cuộc chiến bảo vệ ngôi nhà chung cho thế hệ con cháu mai sau đã có bước đột phá sau khi 195 quốc gia đồng ý ký Thỏa thuận Paris cùng hành động chung, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, vậy chúng ta sẽ phải làm gì trước mắt và lâu dài? 

“Thay đổi khí hậu là ngay bây giờ”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh như vậy sau khi ký kết thỏa thuận chung chống lại sự nóng lên của bầu khí quyển. Cao ủy khí hậu của EU cũng cho rằng, ngay từ hôm nay, thế giới phải lập tức bắt tay thực hiện ngay các biện pháp cụ thể để giảm khí thải nhà kính.

Giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt và đòi hỏi phải duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2 độ C từ nay đến cuối thế kỷ. Năm 2015 cũng là năm nóng nhất trong lịch sử và năm 2016 có thể sẽ còn nóng hơn, hậu quả thảm hại hơn. Chẳng nói đâu xa, hậu quả của biến đổi khí hậu đã diễn ra ở Việt Nam trong năm 2015.

Hán hạn trên diện rộng chưa từng có ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Hầu hết các dòng sông khô kiệt nguồn nước, hệ thống ao hồ, đập chứa nước thủy điện cạn khô tới đáy. Đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, khi phải chạy đôn chạy đáo lo từng giọt nước. Sản xuất nông nghiệp lao đao, sản lượng cây công nghiệp sụt giảm đáng kể.

Hậu quả nặng nề nhất, rõ rệt nhất là tình trạng nước mặn xâm nhập, “tấn công” vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khô hạn chưa dứt, nước biển đã tiến sâu vào đất liền hơn chục cây số. Sản xuất lúa, cây trồng, nuôi thủy sản thất bát, trong khi năm nay không có lũ sông Cửu Long, khiến người nông dân càng thêm khốn đốn trong sản xuất. 

Không phải đợi tới mấy năm sau, ngay hôm nay Việt Nam đã hứng chịu hậu quả của Trái đất nóng lên 1 độ C, nước biển dâng đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay trước mắt, triều cường đã trở thành mối nguy hại cho các tỉnh duyên hải Nam bộ, nhất là TP.HCM mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra.

Điều đáng lo ngại, đáng báo động là khí hậu biến đổi bất thình lình, khốc liệt theo từng năm, từng tháng và từng ngày. Song nhận thức, ý thức và hành động của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như mỗi người dân hầu như không “biến đổi” trước thực tế khó có thể đảo ngược này, thậm chí ý thức có phần còn thụt lùi. 

Trái đất nóng lên rõ rệt, hậu quả đã nhìn thấy rõ ràng, nhưng dường như nhiều người  vẫn dửng dưng, “nguội lạnh” cảm xúc và thờ ơ coi như là chuyện xa xôi, xa vời của nhân loại, của các nước phát triển. Tình trạng xả rác thải, nước thải, khí thải không chỉ diễn ra trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề mà còn là thói quen xấu của một bộ phận dân cư ở thành phố và nông thôn. Đấy chính là điều đáng lo!

Thông điệp lịch sử từ Thỏa thuận Paris sau Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu COP21 ở nước Pháp là hồi chuông cấp báo tới 195 quốc gia, trong đó có Việt Nam: Phải hành động ngay bây giờ! Từ nay, thế giới cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Thế giới sẽ phải vượt qua sự ích kỷ của mỗi quốc gia. Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân toàn cầu càng phải gắng sức thắng được thói ích kỷ cố hữu. Có như vậy thì mới mong: ngôi nhà chung của nhân loại bớt bị biến đổi khí hậu đe dọa.