Dấu ấn chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội:

Hành động mạnh mẽ, không có ngoại lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 2016 đến nay, đã có hơn 2.300 tổ chức, đơn vị của Hà Nội được kiểm tra về việc công khai, minh bạch trong hoạt động, hơn 600 bị cáo bị truy tố các tội danh về tham nhũng, hàng nghìn cán bộ đảng viên bị kỷ luật…

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, những kết quả đạt được từ chương trình này đã và đang lan tỏa, tác động tích cực đến tất cả lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì một cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình 07

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì một cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình 07

Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh đã giảm hẳn

Ngay sau khi Chương trình 07 được ban hành ngày 26-4-2016, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng 13 chuyên đề, 4 nhóm chỉ tiêu, 8 nhóm giải pháp để triển khai; ban hành 6 kế hoạch, thành lập 16 đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Tiếp đó, ngày 25-11-2019, Ban Chỉ đạo chương trình triển khai thêm Đề án 56-ĐA/BCĐ về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội”…

Theo đánh giá, đó là những cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, chặt chẽ của Thành ủy Hà Nội trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, đã gắn phòng chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào kết quả toàn diện của Thủ đô Hà Nội giai đoạn vừa qua.

Những con số đầy ấn tượng có thể kể đến như: đã có 2.313 tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Thanh tra các cấp đã triển khai 1.673 cuộc, phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý gần 1.400 tỷ đồng, hơn 40ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 207 tập thể, 429 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 21 vụ, xử lý 192 vụ với 657 bị cáo bị truy tố các tội danh về tham nhũng.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng được đẩy mạnh. Trong đó, cơ quan thi hành án dân sự thành phố đã thụ lý để giải quyết thu hồi tài sản đối với 114 bản án, quyết định của tòa án lên tới 1.028 tỷ đồng. Mặt khác, thành phố kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Tự Cấp cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 34 tổ chức đảng và 143 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 25 tổ chức đảng, 103 đảng viên có vi phạm và phải thi hành kỷ luật 59 đảng viên.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan hành chính của thành phố đã triển khai 197 cuộc thanh tra, kết luận 127 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 7,7 tỷ đồng và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 12 tập thể, 66 cá nhân. Đồng thời, cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 12.804 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo; tiếp nhận và xử lý 25.421 đơn các loại; qua đó đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 32 tập thể và 27 cá nhân để xảy ra sai phạm… Đặc biệt, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, số tiền mà TP Hà Nội tiết kiệm được 6 tháng đầu năm lên đến hơn 2.400 tỷ đồng.

Hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực

Hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực

Mạnh dạn “tấn công” vào các lĩnh vực nhạy cảm

Sau gần 5 năm nhìn lại, có thể khẳng định, chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thành phố cùng tham gia thực hiện, bước đầu đạt được kết quả nhất định ở cả hai lĩnh vực phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Không chỉ thể hiện qua những con số mang tính thống kê đơn thuần, điều rất quan trọng là Hà Nội đã mạnh dạn chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng, qua đó thể hiện hành động mạnh mẽ, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp chặt chẽ và chủ động tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo tích cực 3 ngành tư pháp chủ động phối hợp giải quyết các vụ án tham nhũng đúng người, đúng tội và không để lọt tội phạm. Vì vậy, tình hình tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế và từng bước được ngăn chặn.

Dù vậy, đánh giá về kết quả thực hiện chương trình số 07, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo chương trình 07 cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Công tác điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án còn chậm; bộ máy lãnh đạo của các cơ quan tư pháp, nội chính thời gian qua còn có tình trạng chậm được kiện toàn; hệ thống quy định đơn giá, định mức đơn giá chế độ, chính sách còn vướng mắc khi thực hiện theo quy định của trung ương, thành phố; hay việc triển khai các giải pháp căn cơ để phòng ngừa, loại bỏ dần “tham nhũng vặt” ở một số lĩnh vực cũng cần được lưu ý hơn…

Hà Nội xác định cải cách hành chính, chống lãng phí, tham nhũng, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ảnh: LAM THANH

Hà Nội xác định cải cách hành chính, chống lãng phí, tham nhũng, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ảnh: LAM THANH

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung của Chương trình 07 vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, yếu tố đầu tiên là cần tổ chức thông tin truyền thông thật tốt các nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí; rà soát các quy định còn vướng mắc để sửa đổi. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ công tác của cán bộ ở các lĩnh vực nhạy cảm (đất đai, cán bộ, hải quan); thực hiện nghiêm quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị…

Không chỉ thể hiện qua những con số mang tính thống kê đơn thuần, điều rất quan trọng là Hà Nội đã mạnh dạn chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng, qua đó thể hiện hành động mạnh mẽ, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.