Hành động kỳ quặc của cá voi nghi là "vũ khí quân sự" Nga tại vùng biển Na Uy

ANTD.VN - Giới chức quân sự của Na Uy gần đây đặc biệt quan tâm đến một con cá voi Beluga khi nó xuất hiện ở vùng biển nước này và có nhiều hành động bất thường. Theo sự phản ánh của các ngư dân, con cá có thể đã được quân đội Nga huấn luyện và điều đó là có cơ sở bởi Nga nổi tiếng trong việc huấn luyện sinh vật biển có vú cho các hoạt động bí mật tại Bắc Cực.

Hành động kỳ quặc của cá voi nghi là "vũ khí quân sự" Nga tại vùng biển Na Uy ảnh 1Con cá voi trắng liên tục húc vào tàu đánh cá ở vùng biển Na Uy

Cá voi đeo “thiết bị của St. Petersburg”

Theo tờ Guardian của Anh, ngư dân tại ngôi làng Inga gần biển Barents mới đây cho biết, họ nhìn thấy một con cá voi trắng có hành động “kỳ quặc” là quấn dây quanh mình liên tục sục sạo quanh các tàu đánh cá. Đoạn video đăng tải trên truyền thông địa phương cho thấy, con cá voi Beluga bơi cạnh một con tàu và không ngừng húc vào mạn. “Chúng tôi đang chuẩn bị thả lưới thì thấy con cá voi bơi đến, hành động của nó giống như muốn xua đuổi chúng tôi vậy” - ngư dân Joar Hesten cho biết. 

Bên cạnh đó, các ngư dân và nhà khoa học Na Uy còn phát hiện những thiết bị quay phim của Nga được gắn trên cơ thể cá voi, trong đó có một đoạn dây với dòng chữ “Thiết bị của St. Petersburg” chằng quanh cổ chú cá có độ dài tới 4m này. Giáo sư Audun Rikardsen tại Khoa Bắc Cực và sinh học biển của Đại học Bắc Cực Na Uy nhận định: “Chúng tôi biết Nga nuôi một số lượng lớn cá voi, một số trong đó có thể đã được thả về môi trường tự nhiên. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì khi nó liên tục xua đuổi các tàu Na Uy”. Ông Rikardsen sau đó đã trao đổi với các nhà khoa học Nga và được biết, con cá voi có thể được quân đội Nga ở Murmansk huấn luyện.

Hành động kỳ quặc của cá voi nghi là "vũ khí quân sự" Nga tại vùng biển Na Uy ảnh 2

Loài động vật biển dễ thuần hóa

Beluga cũng như nhiều loài cá heo và cá voi khác, chúng sống dưới biển nhưng đều là loài động vật hữu nhũ, có xương sống, bộ não rất phát triển và sở hữu trí thông minh vượt bậc. Là một trong những loài sinh vật biển đầu tiên được thuần hóa, cá voi trắng Beluga có xu hướng tiếp cận để chơi đùa, xin ăn, hoặc đơn giản là chào hỏi con người khi gặp. 

Nga nổi tiếng trong việc huấn luyện sinh vật biển có vú và Matxcơva cũng có một căn cứ quân sự nằm không xa so với Na Uy, quốc gia thành viên NATO. Mới đây, Nga đã mở lại căn cứ quân sự của Liên Xô cũ tại vùng biển Bắc Cực, Tổng thống Vladimir Putin còn tuyên bố, Nga có quyền khai thác nguồn tài nguyên dồi dào tại đây. Việc sử dụng động vật biển trong quân sự có thể là một trong những nỗ lực của điện Kremlin nhằm tăng cường sự hiện diện của Nga trong khu vực biển Bắc Cực. Vì vậy, việc giới quân sự Na Uy nghi ngờ về chú cá voi trắng nói trên cũng không có gì lạ.

Theo Newsweek, tháng 6-2017, một phóng sự được thực hiện bởi kênh truyền hình Zvezda trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã hé lộ về việc sử dụng cá voi trắng Beluga để canh gác ở lối vào căn cứ quân sự hoặc tiêu diệt những kẻ đột nhập. Mặc khác, cá voi trắng hiện cũng đang được đào tạo để hỗ trợ các thợ lặn ở vùng nước sâu.

Các nghiên cứu của giới khoa học Nga cho biết, cá voi trắng sở hữu sóng âm phản xạ có độ nhạy cao, dù khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự của loài này không “đáng tin cậy” bằng hải cẩu do chúng quá nhạy cảm với cái lạnh và dễ bị nhiễm bệnh. Các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại rằng, loài cá voi trắng này nếu được thuần hóa sẽ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống trong tự nhiên mà không được cho ăn.

Công nghệ luyện “vũ khí dưới biển” của Nga

Trong lịch sử loài người, từ thời cổ đại, động vật đã được sử dụng như một nguồn lực chiến tranh. Nhưng với động vật biển thì Nga là nước đầu tiên có ý tưởng nuôi, huấn luyện và sử dụng chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm 1967, Liên Xô mở chương trình huấn luyện động vật biển có vú tại một căn cứ hải quân ở Sevastopol. Tính đến năm 1991, chương trình đã nuôi hơn 100 con cá heo Biển Đen, hải cẩu, sư tử biển và cá voi trắng.

Tuy vậy, quân đội Nga được cho là đã đóng cửa chương trình động vật biển vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Đó cũng là thời điểm Liên Xô tan rã, Sevastopol cũng như bán đảo Crimea bị chuyển sang Ukraine do thiếu hụt ngân sách và không còn hữu ích như dưới thời chiến tranh. Không rõ hiện nay những dự án này bị đình chỉ hoàn toàn hay đã chuyển sang hình thức khác. 

Đại tá nghỉ hưu Viktor Baranets, người giám sát việc huấn luyện cá heo thời Liên Xô và hậu Liên Xô nói rằng, các loài động vật biển có vú là một phần của cuộc chạy đua vũ trang mở rộng trong Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Theo ông Baranets, từ năm 1965, Crimea là nơi đặt trung tâm huấn luyện cá heo của Nga. Toàn bộ cá heo của trung tâm đã được bán cho Iran sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Đến năm 2012, hải quân Ukraine đã tái thiết lại trung tâm và khi sáp nhập vào Nga (năm 2014) thì Matxcơva nắm quyền kiểm soát các cá heo chiến đấu của Crimea. Hãng RIA Novosti tại thời điểm đó nhấn mạnh: “Chương trình cá heo chiến đấu tại Sevastopol sẽ được giữ lại và chuyển hướng phục vụ lợi ích của Hải quân Nga”.

Ở thời kỳ hoàng kim, cá heo sát thủ của Liên Xô được huấn luyện kỹ năng tìm kiếm ngư lôi, mìn, xác định vị trí chướng ngại vật dưới nước, thiết bị quân dụng bị mất tích, phát hiện âm mưu phá hoại và bảo vệ các cơ sở quan trọng. Chúng có thể phát hiện đối tượng ở độ sâu 120 mét và có thể nhảy dù từ máy bay trực thăng. Thậm chí, chúng còn có thể chiến đấu như những chiến binh thực thụ, thực hiện đánh bom cảm tử vào chiến hạm hoặc tàu ngầm địch. Nhờ vào sóng siêu âm đặc trưng, chúng có thể dễ dàng phân biệt tàu ngầm của Liên Xô qua tiếng ồn động cơ để không tấn công nhầm vào “người nhà”.

Hải cẩu cũng là lựa chọn hiệu quả cho việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nga. Ngay cả sau 1 năm huấn luyện, hải cẩu vẫn ghi nhớ đầy đủ những mệnh lệnh đã được dạy. Trong một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, loài hải cẩu xám có râu, hải cẩu vùng Greenland và cá heo xám có khả năng dò mìn hoặc lấy đồ vật từ vùng nước sâu. Hải cẩu có thể giúp các thợ lặn trong việc lấy và mang đồ qua lại, chúng có thể phân biệt được các thợ lặn với nhau. Thậm chí, khi nhận được tín hiệu đặc biệt, chúng cũng có thể ngăn chặn và tiêu diệt những kẻ phá hoại. Tờ DailyMail cho biết, Bộ Quốc phòng Nga năm 2016 cũng đã mua thêm 5 con hải cẩu xám từ 3 đến 5 tuổi để tăng cường quân số cho lực lượng này.

Hành động kỳ quặc của cá voi nghi là "vũ khí quân sự" Nga tại vùng biển Na Uy ảnh 3Chiếc vòng được gỡ ra khỏi cổ cá voi trắng Beluga có gắn thiết bị được cho là của Nga

Mỹ cũng sở hữu “đội quân” đặc biệt dưới nước

Trong Chiến tranh lạnh, cả Liên Xô và Mỹ đều sử dụng động vật biển được huấn luyện để phát hiện tàu ngầm, thủy lôi hay vật và người khả nghi. CNN đưa tin, năm 1960, sau khi thực hiện rất nhiều thí nghiệm với hơn 19 loại động vật, trong đó có cả cá mập và các loài chim, các nhà khoa học Mỹ đã kết luận cá heo và sư tử biển là loài thích hợp nhất để huấn luyện và sử dụng cho các mục đích của Hải quân Mỹ.

Cụ thể, chúng có thể giúp tấn công, phòng ngự, phát hiện mìn cũng như hỗ trợ con người trong nghiên cứu thiết kế các loại tàu ngầm và vũ khí dưới nước mới. Không chỉ dễ thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, huấn luyện của con người, cá heo còn sở hữu hệ thống định vị bẩm sinh, trong khi “tài sản” lớn nhất của sư tử biển là tầm nhìn dưới nước hoàn hảo, giúp phát hiện người nhái quân sự của đối phương.

Với cá heo, chúng sử dụng hệ thống định vị bằng siêu âm sinh học phức tạp để tìm kiếm bom mìn thông qua tiếng vang. Khả năng phát hiện dấu vết của bom mìn này đã được tận dụng trong cả 2 cuộc chiến tranh Vùng Vịnh và chiến tranh Iraq. Trong đó, đội cá heo của Hải quân Mỹ từng góp phần giúp xóa sổ cảng Umm Qasr ở miền Nam Iraq. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ phủ nhận những lời đồn đại về việc huấn luyện cá heo sử dụng vũ khí chống lại con người.

Nói riêng về sư tử biển, đặc tính của chúng là có tầm nhìn tốt trong ánh sáng yếu và khả năng nghe dưới nước tốt. Chúng có thể bơi với vận tốc 40 km/h và lặn tới độ sâu 300 mét. Lực lượng Hải quân Mỹ có đội ngũ sư tử biển tinh nhuệ, chuyên dùng phát hiện căn cứ của kẻ thù ở trong nước. Chúng còn được huấn luyện quấy rầy và làm gián đoạn công việc của thợ lặn đối phương. Các con sư tử biển California từng được vinh danh vì cống hiến trong chương trình động vật biển có vú của Hải quân Mỹ khi được giao nhiệm vụ tìm kiếm các thiết bị thất lạc, quét thủy lôi hay phát hiện kẻ xâm nhập.