Hàng Việt yếu thế... toàn diện

ANTĐ - Chiến lược nào cho hàng Việt tại hệ thống bán lẻ hiện đại là câu hỏi đang được các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất đặt ra nhằm đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng nội địa. 

Người tiêu dùng ngày càng lựa chọn nhiều hàng Việt Nam


Ngập tràn hàng ngoại

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận, dù sau gần 3 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 77% người Việt đã tin tưởng dùng hàng Việt nhưng do hệ thống phân phối bán lẻ của chúng ta còn yếu, khiến hàng nội không ổn định về đầu ra. Bà Nga cho biết, hiện hệ thống kênh bán lẻ hiện đại vẫn thấp, chỉ chiếm khoảng 20-30%. Trong khi đó, chi phí vận hành cho kênh này hoạt động lại cao. Kho vận tại các kênh bán lẻ cũng không được chú trọng. Tính cạnh tranh của bán lẻ hiện đại chưa cao, còn mang dáng dấp của thương nghiệp thời bao cấp.

Có lẽ vì vậy nên tỷ lệ hàng Việt tại kênh bán lẻ hiện đại còn thấp và chưa đồng đều ở mỗi ngành hàng. Theo đại diện Liên hiệp HTX thương mại thành phố Hồ Chí Minh, một số ngành hàng đồ dùng khá yếu thế với tỷ trọng từ 50-60%, thậm chí dưới mức 40%. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt chủ yếu vẫn dùng hàng nhập khẩu, mà phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op chia sẻ: “Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp Việt Nam cũng như trên thế giới. Thêm vào đó, việc bãi bỏ thuế nhập khẩu với hàng hóa của các nước trong khu vực từ năm 2009 đã tạo điều kiện cho hàng Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… tràn ngập vào Việt Nam”.

Tăng cường hàng Việt vào hệ thống bán lẻ hiện đại

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hệ thống bán lẻ hiện đại không nên hiểu chỉ gồm các siêu thị mà còn có cả cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc chủng, bán hàng trên mạng… Bà Loan cũng cho rằng, đối với những siêu thị như Fivimart, Co.op mart, tỷ lệ hàng Việt lên tới 95% là thuận lợi cho cả nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần theo hướng tập trung cho các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc chủng. “Chúng ta phải nhìn nhận là xu hướng của người tiêu dùng đã có thay đổi. Nhiều khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi. Cửa hàng này cũng đang trở lại và phát triển mạnh mẽ. Do vậy, cần đưa mạnh hàng Việt vào đây” - bà Loan nói.

Muốn vậy, cần giải quyết một cách căn cơ một trong những điểm yếu của hàng Việt bấy lâu nay là sự thiếu đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên sản xuất hàng ở tất cả các phân khúc, phục vụ người tiêu dùng từ thu nhập thấp đến thu nhập cao và cần có sự lựa chọn hàng Việt để ưu tiên giới thiệu, bày bán.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nga hy vọng, các kênh bán lẻ hiện đại cần tăng cường kết nối và phân phối hàng Việt với tỷ trọng lớn hơn. Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc xây dựng quy hoạch phát triển thương mại rất quan trọng. Hà Nội đã xây dựng và hoàn chỉnh xong quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trình thành phố phê duyệt. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa.

Bán lẻ nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, Công ty Lotte Mart (thuộc Tập đoàn Lotte Shopping bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc) đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên đến 50 triệu USD; Takashimaya - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản cũng đã đến Việt Nam và hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) công bố dự án Trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh với mức đầu tư 109 triệu USD.