Hàng Việt trong siêu thị: Còn nhiều khoảng trống

ANTĐ - Siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng riêng biệt của doanh nghiệp sản xuất được coi là mạng lưới cơ bản để phân phối hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng. Tỷ lệ hàng Việt tại các điểm bán hàng này công bố rất cao, nhưng con số này có chính xác không lại cần được đánh giá nghiêm túc.

Tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng

Tỷ lệ hàng Việt: Doanh nghiệp tự khai 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: “Nhiều siêu thị, đại siêu thị trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đều đưa ra tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống của mình. Tuy nhiên, số liệu này dường như do tự các doanh nghiệp công bố chứ không có những đánh giá thực tế”. 

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tỷ lệ hàng Việt trong các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại hiện rất cao. Chỉ riêng hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI, hàng Việt đã chiếm từ 85-90%, tương ứng với con số các nhà bán lẻ lớn đưa ra trong mỗi đợt tuyên truyền cuộc vận động trên. 

Lý giải cho điều này, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều xác định nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu của thị trường trong nước bởi theo quy luật, họ bắt buộc phải tận dụng cơ hội cũng như giá trị hiện có tại thị trường đầu tư, chứ không thể nhập hàng từ nước ngoài vào dẫn đến chi phí sẽ rất lớn. Ví dụ như Metro, Lotte… có thể là hàng liên doanh nhưng sản xuất tại Việt Nam. 

Xác định đúng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối là việc làm cần thiết để có biện pháp phù hợp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, Vụ Thị trường trong nước cần có những đánh giá cụ thể.

Liên kết tiêu thụ hàng Việt còn lỏng lẻo

Theo ông Trần Nguyên Năm, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiêu thụ hàng Việt, nhưng giải pháp quan trọng hàng đầu là thực hiện liên kết giữa nhà bán hàng và nhà sản xuất lại tương đối lỏng lẻo, làm giảm hiệu quả của chương trình. “Do tập quán sản xuất của người Việt Nam ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên quy trình liên kết giữa nhà sản xuất và người bán hàng đến tay người tiêu dùng đã qua nhiều khâu, nhiều lớp đã đẩy giá cả, chi phí lên cao”- ông Trần Nguyên Năm phân tích.

Đồng tình quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu- Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) chia sẻ: “Liên kết giữa nhà sản xuất và người bán hàng mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Vì vậy, doanh nghiệp luôn nỗ lực để giảm bớt trung gian từ sản xuất tới tiêu dùng, nhằm hạ giá thành sản phẩm”. Trên thực tế, theo các chuyên gia, nhiều mặt hàng vẫn chưa thể vượt qua được trở ngại từ việc có quá nhiều tầng nấc trung gian nên giá thành hàng Việt cao, tính cạnh tranh thấp. 

Một số doanh nghiệp như: May 10, Hapro… đã tìm cách gắn sản xuất với phân phối trực tiếp. Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ này đảm bảo chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, theo ông Thân Đức Việt- Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10, mô hình này cũng có khó khăn về vốn, con người và nhiều yếu tố. Doanh nghiệp phải có tính chuyên nghiệp trong phân phối mới có thể thành công. Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay: “Từ năm 2002, Chính phủ đã có quyết định về liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà kỹ thuật và nhà nước nhưng hiệu quả chưa đạt được mong muốn. Hy vọng cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ”. Khoảng trống cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống bán lẻ còn rất nhiều. Doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này thì hàng Việt cũng được mở thêm những “cánh cửa mới” trong khâu tiêu thụ.