Hàng Việt trội hơn hàng Trung Quốc, vì sao người Việt chưa tin dùng?

ANTD.VN - Được xếp thứ hạng trên thế giới cao hơn hàng Trung Quốc về chất lượng, nhưng hàng Việt Nam vẫn chưa được người Việt Nam tin dùng trong khi người Trung Quốc coi nhiều mặt hàng của họ là số 1.

Hãng nghiên cứu thị trường Statista mới đây đã tiến hành khảo sát 43.034 người tiêu dùng tại 52 quốc gia, vùng lãnh thổ (đại diện cho khoảng 90% dân số thế giới) về chất lượng hàng hóa.

Người tham gia được hỏi 3 câu: “Bạn cảm thấy thế nào về sản phẩm?”, “Nhận thức của bạn về nó thay đổi thế nào trong 12 tháng qua?” và “Đặc điểm nào sau đây khiến bạn nghĩ đến sản phẩm của quốc gia /vùng lãnh thổ này?”. Các đặc tính sản phẩm được đưa ra là: Tính kinh tế, mức độ công bằng trong sản xuất, sự độc đáo, hàng thật, thiết kế xuất sắc, công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, độ bền, độ bảo mật và khả năng chứng tỏ vị thế.

Kết quả cho thấy, Đức là quốc gia dẫn đầu về sự tin tưởng chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng với 100 điểm. Việt Nam được 34 điểm trong bảng xếp hạng, đứng thứ 46/52 quốc gia trong danh sách khảo sát. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xếp áp chót (thứ 49), với chỉ 28 điểm. Iran đứng cuối cùng với 27 điểm. 

Hàng Việt trội hơn hàng Trung Quốc, vì sao người Việt chưa tin dùng? ảnh 1Hàng Việt Nam chủ yếu sản xuất để xuất khẩu nên độ bao phủ trong nước khá thấp

Người Việt tin... hàng Nhật

Nhìn chung, hàng Việt Nam được đánh giá có chất lượng và giá cả thấp, với hầu hết các đặc tính sản phẩm dưới trung bình thế giới. Hàng Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá cao về tính kinh tế. Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi hàng “Made in China” được coi trọng tại thị trường nội địa nước này thì người Việt vẫn chuộng hàng ngoại hơn. Uy tín của hàng Việt đối với người tiêu dùng Việt chỉ xếp thứ 42/52. Người Việt Nam tin tưởng nhất vào hàng hóa Nhật Bản. 

Bình luận về kết quả khảo sát này, TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu của Đại học Thương mại cho rằng, tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam là khá rõ ràng.

“Bên cạnh đó, người Việt chưa chuộng hàng Việt vì độ phủ của hàng Việt quá thấp, không bao phủ hết thị trường nên người tiêu dùng nhìn nhận chưa tích cực. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, hàng Trung Quốc rất phong phú về cả chất lượng, mẫu mã và giá cả”- TS Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Tương tự, ở thị trường nước ngoài, hàng Trung Quốc cũng dồi dào, đủ chủng loại và ở mọi lĩnh vực của đời sống, trong khi hàng Việt Nam ở nước ngoài lại chủ yếu là hàng sản xuất để xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam gia công cho các hãng lớn ở nước ngoài, theo tiêu chuẩn quốc tế nên hàng chất lượng hơn. Vì vậy, hàng Việt có uy tín về chất lượng nhưng vẫn chưa được người Việt tin dùng. 

Xuất khẩu là chủ yếu

Cho rằng kết quả khảo sát của Statista chỉ mang tính tham khảo, ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành Mibrand - Công ty Tư vấn quản trị thương hiệu cho biết, Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu tốt nhưng số lượng lại quá ít.

Theo ông Lại Tiến Mạnh, ngoài những mặt hàng được gia công cho các hãng lớn để xuất khẩu, hàng Việt Nam theo đúng nghĩa, mang hàm lượng giá trị cao của người Việt Nam tại nước ngoài không nhiều, do công suất của các nhà sản xuất Việt Nam chưa cao, lại thiếu kinh phí đầu tư bài bản để phát triển thương hiệu nên thứ hạng xếp không cao. Còn ở trong nước, người tiêu dùng vẫn thấy hàng kém chất lượng, hàng thiếu an toàn được sản xuất bởi các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong 10 tiêu chí để đánh giá uy tín hàng hóa, hàng Việt Nam chỉ nhỉnh hơn hàng Trung Quốc về hàng thật và độ bền, còn lại các tiêu chí khác chưa hẳn đã hơn.