- Hội đồng khảo sát "100 thương hiệu Việt bền vững" làm việc với Tân Hiệp Phát
- Xuất khẩu tăng trưởng chưa bền vững
- Hàng nội vẫn bị "lấn sân"
Hàng vào siêu thị cũng phải… “bôi trơn”
Siêu thị là một trong những kênh phân phối hàng hóa văn minh, hữu hiệu với sức mua lớn. Thế nhưng để được đứng trên kệ hàng siêu thị các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng chẳng dễ dàng gì.
Nhiều DN phải gồng mình chấp nhận hòa hay lỗ, thậm chí phải “buông” kênh phân phối này. Giám đốc một DN may mặc đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu cho biết: “Để mặt hàng của DN này có mặt trong một siêu thị lớn ở Hà Nội, DN đã phải đàm phán hơn 1 năm trời. Dù siêu thị đưa ra những tiêu chí rõ ràng về hàng hóa muốn đưa vào siêu thị, nhưng khi triển khai thì có rất nhiều vấn đề “nhạy cảm” khác như chi phí “bôi trơn”, lót tay để được giải quyết sớm, các chi phí giá kệ, hỗ trợ trưng bày, tín dụng, đổi hàng… cũng rất lớn khiến không chỉ các DN nhỏ mà ngay cả DN lớn cũng khó mà đáp ứng”.
Hay như thương hiệu nước mắm nổi tiếng ở Phú Quốc là Khải Hoàn, sau một thời gian bị áp mức chiết khấu cao tại chuỗi hệ thống siêu thị của Nhật tại TP.HCM, đã phải rút ra khỏi hệ thống này. Siêu thị liên tục tăng chiết khấu khiến sản phẩm bán ra không bù đắp đủ chi phí.
Tương tự, theo phản ánh của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây, mặt hàng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng phân phối vào hệ thống siêu thị trong nước, nhất là những siêu thị chủ đầu tư ngoại. Khó khăn lớn nhất là bị áp mức chiết khấu rất cao và tăng hàng năm, DN nào không chấp nhận bị dọa cắt hợp đồng cung cấp hàng. Đối với các siêu thị trong nước mức chiết khấu vẫn ở mức dễ chịu, cao nhất là 10%, nhưng với các siêu thị nước ngoài, mức chiết khấu cao hơn nhiều, từ 10% trở lên, thậm chí 25%/doanh thu.
Có những khoản chiết khấu tại các siêu thị nước ngoài vô lý như: Chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng tập hợp đơn hàng, chi phí tháng cho tối ưu hóa phân phối sản phẩm trong mạng lưới các cửa hàng, chi phí cho việc dùng thử sản phẩm (dù DN đã có chương trình với chi phí riêng)… Mỗi khoản chiết khấu 1-2% (tương đương với số tiền
100-200 triệu đồng nếu doanh số của DN 10 tỷ đồng/năm), mỗi năm lại xuất hiện thêm một vài khoản chiết khấu mới.
Các siêu thị còn đưa ra nhiều yêu sách đối với nhà cung cấp, đồng thời đề nghị tăng mức chi phí hỗ trợ các hoạt động thường xuyên như: hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, hỗ trợ sinh nhật, hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình khuyến mãi hay catalogue, chi phí vận chuyển… Mới đây, một số siêu thị nước ngoài còn gửi đề nghị tới các DN thủy sản đòi tăng mức chiết khấu từ 0,75%-1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015. Hiện nay các siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20-35% so với giá bán của nhà cung cấp, làm giá bán nhiều sản phẩm thủy sản trong siêu thị cao hơn các kênh bán lẻ, phân phối khác như chợ, đại lý và tất nhiên, người tiêu dùng phải trả khoản chênh lệch này.
Theo ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội), tình trạng siêu thị ép chiết khấu, hoa hồng và đặt ra nhiều khoản phí “hoa lá cành” khác rất phổ biến hiện nay. Nguyên nhân là do tâm lý làm ăn theo kiểu tối đa lợi nhuận cho mình, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, không tính làm sao để cả hai bên cùng sống. Điều này dẫn đến hậu quả là giá hàng hóa bị đẩy lên cao, DN khó cạnh tranh trong khi người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Do doanh nghiệp Việt còn yếu
Theo ông Vũ Vinh Phú, thực ra không phải siêu thị nào cũng “làm khó” DN, và không phải DN nào cũng bị ép. “Công bằng mà nói, không phải tất cả các siêu thị đều “chặt chém”, và cũng không phải tất cả các mặt hàng đều “chặt chém” cao. Thường hầu hết các siêu thị lớn sẽ ép nhà cung ứng, còn các siêu thị nhỏ lại bị nhà cung ứng ép. Ví dụ như siêu thị lớn thì mức chiết khấu cao, kèm theo nhiều khoản phí, tỷ lệ hàng ký gửi lớn. Trong khi siêu thị nhỏ chiết khấu thấp hơn, lại có thể phải mua hàng của nhà sản xuất”.
Vì vậy tình trạng bị “ép” như trên, một phần là do các DN Việt quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng thiếu ổn định, chưa có thương hiệu, hệ thống phân phối kém. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long cho rằng hàng Việt đã có nhiều cải thiện nhưng nếu sản xuất những mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc và chuẩn hóa về quy cách sản phẩm, chuyên nghiệp trong giao dịch... thì sẽ rất khó đưa hàng vào chuỗi siêu thị để bán cho người tiêu dùng.
Vì vậy, theo nhiều nhận định thì tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị không bền vững và có khả năng giảm xuống trong những năm tới, đặc biệt khi chúng ta thực thi các hiệp định tự do thương mại. “Chưa cần đợi đến lúc ấy mà ngay bây giờ những dãy hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đứng đầy trong các siêu thị. Hàng Việt chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông, thủy sản. Chưa kể, tỷ lệ hàng Việt được thống kê ở trên, bao gồm một tỷ lệ lớn hàng liên doanh (có nhà xưởng tại Việt Nam nhưng tỷ lệ sản xuất trong nước rất ít), chúng ta vẫn tạm gọi là hàng Việt Nam. Hàng Việt vốn đã yếu, mà thời gian tới thuế quan hạ xuống đến 0% thì liệu có cạnh tranh được với hàng nhập khẩu không?” - ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm được sản xuất rất manh mún và thủ công, chất lượng thiếu ổn định, thiếu đồng đều, không có thương hiệu, chưa có bao bì, nhãn hiệu, mã số, mã vạch theo quy định nên rất khó tiếp cận kênh phân phối siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện đại khác. Trong khi đó hệ thống phân phối kém, sản phẩm từ sản xuất phải đi qua 3-4 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng, hàng hóa thường xuyên bị ép giá, rơi vào cảnh được mùa, mất giá.
Quy hoạch sản xuất hàng Việt đã yếu, bản đồ tiêu dùng hàng Việt lại chưa có. Mặc dù chúng ta đã có cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng hầu hết chỉ thực hiện theo kiểu phong trào, thi thoảng có một Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, rồi tháng ưu tiên dùng hàng Việt… chứ chưa có một chiến lược, điều kiện vật chất, tinh thần, hay marketing phù hợp. Ngoài ra các yếu tố như sức mua thấp, hàng lậu, hàng giả ngày càng tăng… cũng khiến hàng Việt đối mặt nguy cơ thua trận.
Làm gì để cứu hàng Việt?
Hội nhập mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như DN nhưng cũng đặt ra những áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sức chịu đựng kém. “Tỷ trọng hàng Việt trong hệ thống phân phối bán lẻ chắc chắn sẽ dao động và theo tôi nghĩ sẽ dao động đi xuống. Còn giảm nhanh hay chậm một phần do khách quan, nhưng chủ yếu (80%) là do chúng ta.
DN sẽ phải cố gắng, người tiêu dùng phải ủng hộ, và quan trọng là Chính phủ phải có những giải pháp để hỗ trợ DN” - ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm. “Chính phủ phải ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát, chống tham nhũng, tạo công ăn việc làm, tạo sức mua, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… DN Việt vốn quy mô nhỏ, lại phải chịu hàng trăm thứ chi phí cõng vào giá thành: xăng dầu điện nước độc quyền, tự tung tự tác. Giá xăng ở Mỹ 14.000 đồng thì ở ta 17.000 đồng.
Điện thì đưa cả sân golf, khách sạn vào giá… để đổ lên đầu DN. DN ngoại vay vốn vài phần trăm lãi suất, còn ở ta 8-10%... Tất cả những thứ đó đều đi vào giá thành sản phẩm thì rất khó cạnh tranh. Ngoài ra, Chính phủ phải tổ chức lại sản xuất lớn, sản xuất sạch, có thương hiệu, tổ chức sản xuất theo kiểu liên kết chuỗi, đưa thẳng từ sản xuất đến bán lẻ thì mới giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Tôi cho rằng 70% trách nhiệm thuộc về Chính phủ trong vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt”.
Bên cạnh đó, DN cũng phải cố gắng tự đổi mới mình, tiết kiệm chi phí, tổ chức quản trị DN, đào tạo nhân lực, liên kết tự giác và đạt hiệu quả. Các DN phân phối, bán lẻ cũng cần chia sẻ với nhà sản xuất để hai bên cùng có lợi nhuận, chứ nếu chỉ bo bo cái lợi ở túi mình thì DN chết, siêu thị, nhà phân phối cũng chẳng lợi gì.