Hàng Việt Nam cần thêm “bệ đỡ”

ANTĐ - Trong bối cảnh hiện nay, khi số doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất quá lớn, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng và tiêu thụ hàng sản xuất trong nước rất có ý nghĩa. Nhưng để hàng Việt mở rộng phân phối, cần có thêm chính sách ưu đãi.

Hàng may mặc sản xuất tại Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa

Phân phối hàng Việt qua kênh thương mại điện tử

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 5 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh các hình thức phân phối hàng Việt truyền thống như: mở điểm bán lẻ, hệ thống cửa hàng chuyên biệt, bán trong các siêu thị hoặc đưa hàng về nông thôn, tổ chức hội chợ… bà Đinh Thị Mỹ Loan gợi ý, cần mở rộng kênh phân phối hàng Việt bằng các phương thức bán lẻ mới như: thông qua mạng internet, mạng xã hội, điện thoại di động hoặc kênh truyền hình… bởi các hình thức mua sắm hiện đại này ngày càng được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, tập đoàn sẽ nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bán lẻ và thương mại điện tử trong thời gian tới. 

Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động phân phối hàng Việt đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp có uy tín thông qua các hình thức thương mại điện tử còn khá khiêm tốn, nhưng hàng Việt đã được nhiều trang mua sắm thương mại điện tử quảng bá rầm rộ, như Sendo.vn, hotdeal.vn, mua rẻ... Sản phẩm thời trang gồm: quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện... bán trên các trang này giới thiệu là hàng “made in Việt Nam” với giá bán bình dân, trung bình từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm nên bán rất chạy, thể hiện ở con số thống kê khách hàng mua sản phẩm ngay trên website. Bên cạnh đó, hình thức mua bán qua mạng cũng được nhiều hãng thời trang công sở có tên tuổi như: Alcado, Seven AM, Format... khai thác. Các hãng này đưa trực tiếp sản phẩm với màu sắc, kích thước, chất liệu và giá cả để người tiêu dùng lựa chọn, đặt mua qua các giao dịch điện tử. 

Doanh thu nội địa từ hàng Việt tăng

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, có nhiều lý do khiến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tiêu dùng trong nước nhờ có những đặc điểm như: giá cả hợp lý, tính đa dạng, dịch vụ khuyến mãi, bảo hành tốt, quan trọng nhất là an toàn cho sức khỏe. Vì vậy, doanh thu nội địa của   Vinatex liên tục tăng trong những năm qua. 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu nội địa của tập đoàn ước đạt 11.086 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trong cả năm 2014, doanh thu nội địa của Vinatex ước tăng 6,3% so với năm 2013, đạt 22.200 tỷ đồng. Số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex cũng tăng nhanh chóng.

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa chiếm 80% trong tổng cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Hapro. Doanh thu các mã hàng Việt Nam trong tổng doanh thu toàn hệ thống bán lẻ của tổng công ty tăng từ 30% - 50% so với những năm trước. 

Đáng chú ý, theo khảo sát hành vi tiêu dùng của Sở Công Thương TP.HCM, 92% người dân có chuyển biến nhận thức về hàng Việt. Hàng sản xuất trong nước được bày bán tại các chợ đạt tỷ lệ trung bình 80%, tại các siêu thị chiếm tỷ lệ 90 – 95%.

Ưu đãi cho hàng Việt

Ông Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam bày tỏ mong muốn việc sử dụng hàng Việt không chỉ dừng lại là một “cuộc vận động” mà phải là ưu tiên hành động của mọi người Việt Nam. Xuất phát từ vướng mắc thực tiễn là nhiều mặt hàng Việt Nam giá còn cao do nguyên liệu phải nhập khẩu, bà Lê Thị Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương nên có một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về thuế và phí; đồng thời có chính sách để khống chế chiết khấu, giúp các nhà cung cấp Việt Nam vào được hệ thống siêu thị nước ngoài, bởi yêu cầu chiết khấu rất cao đang là một trong những chiêu để các hệ thống siêu thị này gạt các nhà cung cấp nhỏ khỏi cuộc chơi.

Cụ thể hơn vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan kiến nghị nên xem xét giảm thuế VAT (từ 30% đến 50%), hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 

Đại diện các doanh nghiệp đề xuất thêm, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm giả được gắn mác hàng Việt Nam, ảnh hưởng tới uy tín của nhà cung cấp.