Hàng tỷ đồng đắp chiếu: Nhà máy mọc rêu

ANTĐ - Chương trình Nước sạch nông thôn giúp người dân có nguồn nước đảm bảo vệ sinh đã được thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện từ lâu. Cách đây gần 10 năm, ngân sách thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 16 trạm bơm lọc nước sạch cung cấp cho người dân một số vùng ngoại thành Hà Nội. Ấy vậy mà, đến nay thời gian đằng đẵng trôi qua... trạm bơm đã xong, nhưng đống tiền tỷ ấy cứ nằm đắp chiếu.

8 năm nay họng nước này vẫn nằm chờ nước (Ảnh chụp tại xã Ninh Hiệp)

Ước mơ mười năm

Ông Chu Văn Hòe, ở xóm 6, thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, Thạch Thất chỉ xuống cái ao quây bằng tường gạch, nơi mà mấy đàn vịt đang quàng quạc bơi vầy xót xa: “Đấy! Trạm bơm nước sạch đấy. Người dân hy vọng vào cái hồ này cả chục năm nay rồi, vậy mà giờ nó vẫn chỉ là ao tù cho vịt lội...”. Người dân Phùng Xá không nhớ chính xác cái ngày mà họ nhận được thông tin “xã sẽ có trạm bơm cung cấp nước sạch cho dân” là thời điểm nào.

Chỉ biết rằng, khi ấy họ hình dung nước máy sẽ tuôn chảy lên tận tầng cao, chấm dứt cảnh mỗi nhà một giếng khoan với thứ nước vàng khè đầy váng sắt. Ở nơi khác cần nước một thì Phùng Xá cần nước mười. Nói thế không phải là vì dân cư đông, nguồn nước thiếu mà đơn giản vì Phùng Xá là làng nghề nông cụ cơ khí có từ bao đời nay. Thế nên nước là khâu quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất. “Không có thì đừng thông báo, thông báo để người dân chờ gần chục năm thì ai nhịn tức được” - ông Hòe bức xúc mặt đỏ gay, có lúc cao trào nói với khách cứ như quát.

Ngay hôm chúng tôi đến tìm hiểu “những cỗ máy bơm bạc tỷ đắp chiếu” tại UBND xã thì gặp một doanh nghiệp đến xin đầu tư “làm sống lại” những cỗ máy bơm nước đang… ngắc ngoải. Đại diện doanh nghiệp đầu tư đánh giá theo kiểu nửa đùa nửa thật: nếu bây giờ khôi phục trạm bơm thì chúng tôi phải bỏ tiền bạc ra làm lại từ đầu. Vì nhiều lý do tế nhị không tiện nêu ra nhưng nhìn chung, những gì còn lại của hệ thống trạm bơm nước đã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng cách đây vài năm thì nay đều dang dở và phải bỏ hết do để quá lâu.

Ông Nguyễn Tường Kha - Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá khẳng định: “Tôi không nhớ năm xây chỉ biết trạm bơm được đầu tư trên 1 tỷ đồng và xây được khu tường bao chừng hơn trăm mét vuông rồi bỏ đấy, giờ hỏng hết rồi...”. Thời gian, sự quan tâm ở mức độ hạn chế nên nhiều người cũng chẳng để ý đến công trình phục vụ dân sinh ấy. Điều mà trước đây bà con mừng khi nhận được thông tin sắp có nước sạch về làng không phải do bị khát lâu năm mà là vì một nhóm chuyên gia về khảo sát, phân tích thấy nguồn nước ngầm nơi bà con đang dùng bị nhiễm độc tố vượt chỉ số cho phép gấp cả trăm lần.

Những âu lo về bệnh tật đã được giải tỏa ngay sau thời gian ngắn khi nghe thông tin sắp được dùng nước sạch. Điều trớ trêu thay, niềm hy vọng của người dân đến giờ đã là... gần 10 năm. Giờ vẫn còn đó, bức tường bao cũ kỹ quây vũng nước tù đọng, bẩn thỉu. Nếu không nói, ít ai nghĩ đó là “công trình” mà huyện Thạch Thất đã “rót” vào đó trên 1 tỷ đồng. Người dân 9 thôn của Phùng Xá đã quen với nước giếng khoan nhưng họ lại trách rằng nếu như đơn vị quan trắc nào đó đừng công bố thông tin thì họ vẫn yên tâm dùng nước của...  nhà. 

Máy bơm nước nằm hút... rêu

Nhà máy nước Ninh Hiệp đắp chiếu suốt 8 năm

Khi chúng tôi đi thực tế thì hầu hết những cỗ máy bơm đã hoàn chỉnh cách đây vài năm giờ vẫn để... nuôi rong rêu. Công trình trạm bơm nước sạch của xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ đã được một đơn vị tư nhân thuê chỗ xây khu “ẩm thực” bao quanh công trình. Được biết, công trình nước sạch này có vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng giờ đã trở thành nơi khuất nẻo tiện cho việc... tiểu tiện của thực khách. Trạm bơm nước sạch của xã Ninh Hiệp nằm cạnh khu dân cư đông đúc, nhưng lau lách um tùm. Nhiều người thấy chúng tôi ghi hình, chụp ảnh, họ hài hước đồ rằng đó là “tổ cấp nước” của xã. Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở cạnh trạm bơm nước sạch xã Ninh Hiệp cho biết: “Tôi thấy cái trạm bơm này xây lâu rồi. Nhưng từ khi xây xong thì họ đóng kín cửa và chưa thấy mở ra bao giờ”.

Cả xã Ninh Hiêp thì thôn 1 và thôn 5 được thí điểm lắp đường ống nước sạch đầu tiên. Ông Nguyễn Xuân Thẩm, Trưởng thôn 1 bảo: “Từ ngày có nhà máy nước, nhiều nhà báo đến hỏi chúng tôi quá mà nước thì vẫn ở mãi trên nguồn, chẳng biết bao giờ mới về đến đây. Tính ra từ khi xây xong đến nay cũng đã được 8 năm rồi”. Bức xúc về dự án cấp nước sạch này, ông Thẩm hài hước: “Thà không có nhà máy thì người dân đỡ bực hoặc lấy kinh phí xây dựng chia cho dân mua máy lọc nước giếng khoan có lẽ hiệu quả hơn. Anh bảo ném cả 14 tỷ đồng vào đó rồi đắp chiếu thì xót xa quá”.

Bi hài hơn là câu chuyện của thôn 5. Cách đây vài năm ông Trưởng thôn Nguyễn Như Giang ra sức hô hào bà con đóng góp tiền để trạm bơm “kéo nước vào tận nhà”. Tiền đóng xong, đợi đến tận bây giờ vẫn không có nước, ông Giang phải giơ đầu chịu báng. Người dân xa xả réo tên ông trong cuộc họp thôn. Người lỗ mãng còn bảo ông lừa dân lấy tiền. Cứ thế từ thôn 1 đến thôn 6 dân cứ nhè những ông trưởng thôn ra mà chửi.

Điều đáng buồn là không chỉ có Ninh Hiệp, Hà Nội hiện có tới 16 trạm bơm nước sạch ở trên khắp địa bàn ngoại thành có kinh phí đầu tư cả trăm tỷ đồng nằm im lìm trơ gan cùng tuế nguyệt suốt nhiều năm trời. Khi hỏi đến việc “nước sạch đến đâu” thì lãnh đạo xã nào cũng khẳng định như đinh đóng cột, sẽ “làm sống lại”. Ông Lý Duy Khương - Chủ tịch xã Ninh Hiệp, cho biết: “Trạm bơm xã Ninh Hiệp thì vốn ít thôi, khoảng 14 tỷ đồng. Nhưng mới chỉ kéo nước đến cổng nhà dân. Ngân sách có hạn, chúng tôi đang tìm đối tác tư nhân để cho họ triển khai phần còn lại, hy vọng sẽ sớm có nước sạch cho bà con dùng”.

Người dân lo lắng và đặt câu hỏi, liệu ngần ấy thời gian, những cỗ máy cơ điện ấy, những đường ống ngầm chìm dưới đất gần chục năm như thế, liệu có còn đảm bảo chất lượng và hoạt động được không? Đó còn chưa nói, tất cả khẳng định của lãnh đạo một số xã được đầu tư xây dựng trạm bơm, liệu kế hoạch làm “sống lại những cỗ máy bơm” có đạt tiến độ như đã trao đổi không? Bởi tiền thì đã hết từ lâu, “đoạn đường mới chỉ đi được một nửa”?!

(Còn nữa)