Hàng tỷ đồng đắp chiếu: Đừng để người dân mừng hụt

ANTĐ - Câu chuyện về “làm sống” những công trình bơm nước sạch có số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đang được người dân ngoại ô, nơi có dự án cung cấp nước sạch mừng thầm trở lại. Câu hỏi đặt ra, nếu không tính toán chắc chắn và cụ thể, người dân sẽ lại rơi vào cảnh... mừng hụt.

Nhà máy nước của xã Xuân Dương (Thanh Oai) đang được “làm sống lại” nhưng chưa biết đến bao giờ


Đồng thuận nhưng chưa đồng bộ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn 10101/UBND-NN ban hành ngày 13-12-2010 về việc kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình nước sạch tại các huyện ngoại thành Hà Nội và Công văn số 324/ UBND-NN của UBND thành phố Hà Nội ngày 13-01-2011 về việc báo cáo thực trạng 16 trạm bơm nước sạch nông thôn chưa hoạt động trên địa bàn thành phố ngày 9-3-2011 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra khảo sát, đánh giá thực trạng trạm cấp nước sạch nông thôn tại xã Ninh Hiệp. Tại buổi kiểm tra sau khi nghe UBND xã Ninh Hiệp và BQL huyện Gia Lâm báo cáo về quá trình đầu tư xây dựng công trình đã nêu ra những khó khăn vướng mắc và đó là nguyên nhân dẫn đến việc trì trệ của trạm bơm kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang trạm bơm ở xã Ninh Hiệp, song ông Lý Duy Khương, Chủ tịch UBND xã khẳng định, do chưa có sự đồng bộ trong các giai đoạn triển khai. Năm 2003, trạm bơm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và giao cho UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư với số kinh phí ban đầu là 8,946 tỷ đồng, gồm các hạng mục 3 giếng khoan có công suất 50m3/h/giếng; cụm xử lý nước 3.300m3/ngày đêm; bể chứa 400m3; nhà điều hành, khu phòng khử trùng, đường ống trục chính D80-200 có chiều dài 8.570m và đường dịch vụ D32-50 với chiều dài 17,886m. Giai đoạn 1 do BQL dự án huyện Gia Lâm đã hoàn thành được các hạng mục sau: khu nhà điều hành, trạm bơm, nhà khử trùng nước và đường ống cấp 1 và 2. Giai đoạn 2 từ năm 2006 do UBND xã Ninh Hiệp làm chủ đầu tư, với số vốn 6,5 tỷ đồng, đến nay đã hoàn tất được tuyến đường ống dịch vụ và tuyến đường ống đến hộ gia đình với chiều dài khoảng 10.000m. Sự kéo dài và triển khai thiếu đồng bộ đã dẫn đến việc dở dang gây lãng phí.

Tại buổi làm việc, đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành UBND thành phố đã nêu: “Hệ thống cấp nước đã xong và tuyến đường ống đã đến với 3.400 hộ dân, tuy nhiên trạm bơm không có khả năng cung cấp nước sạch”. Điều đáng nói là hệ thống đầu tư cho toàn xã gồm có 9 thôn với 2 giai đoạn tổng kinh phí lên đến trên 15 tỷ đồng. Song, khi bơm thì phải ngắt tất cả  van lại, chỉ để cho thôn 5 mở thì nước cũng chỉ có vài hộ dân đầu nguồn còn lại nhỏ giọt và không có nước. Ông Lý Duy Khương, chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp khẳng định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, song theo tôi cái chính vẫn là do thiếu đồng bộ trong khâu triển khai. Trạm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp do BQL dự án huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư và triển khai chưa hoạt động, sau đó thì bàn giao cho UBND xã tiếp tục đầu tư, do xã không có chuyên môn, nghiệp vụ trong việc giám sát thi công, vì vậy, mặc dù các hạng mục được đầu tư nhiều lần song không thể cấp nước phục vụ nhân dân được. Tôi nghĩ nếu để riêng một đơn vị làm từ ban đầu thì việc sẽ trôi chảy, chứ chia khúc ra cho 2 đơn vị triển khai thì khó nắm bắt được thông suốt bởi trong khi triển khai không nắm được cụ thể...”.

“Hữu sinh, vô dưỡng”

Dù có nhà máy nước hơn 14 tỷ đồng nhưng các hộ dân xã Ninh Hiệp

vẫn phải dùng nước giếng khoan và bình lọc nước

Nếu sự giám sát, quản lý một cách khoa học và trách nhiệm thì việc “làm sống lại những cỗ máy sắp… chết” sẽ không trở thành những câu “cửa miệng” của người dân. “Người dân nào lại không mừng khi được dùng nước sạch trong khi hiện nay nguồn nước ngày càng ô nhiễm nặng. Hiện đại hóa nông thôn là ở chỗ đó chứ ở đâu nữa” - ông Hoàng Trung Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, nhấn mạnh. Xã Xuân Dương hiện cũng đang triển khai trạm cấp nước ngay tại trụ sở UBND xã. Mặc dù công trình chưa biết khi nào mới “mang nước” đến cho bà con nhưng xã đã giao HTX Nông nghiệp cử người đi học chuyên môn để về vận hành từ mấy năm nay. Điều tưởng như đơn giản nhưng không phải ở tất cả 16 trạm bơm đều nghĩ tới.

Ông Lý Duy Khương, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp đã phải gửi công văn lên huyện Gia Lâm xin không được giao cho xã vận hành “bộ máy” bơm nước sạch. Bởi đến nay xã không có kinh nghiệm, tìm không ra người biết vận hành hệ thống cấp nước. Việc này ngay cả khi triển khai dự án, những nơi có trạm bơm cấp nước sạch chưa thấy ai tính đến sau này nó sẽ hoạt đông như thế nào, ai đảm đương để duy trì máy móc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên “hoang hóa” những trạm bơm. 

Ông Lý Duy Khương cho biết: “Trạm bơm nước sạch Ninh Hiệp đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về việc cho một công ty tư nhân đầu tư vào việc kinh doanh nước sạch để “làm sống lại những cỗ máy sắp... chết”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả 16 trạm bơm được đầu tư, một số đã “chết” hẳn. Như trạm bơm đặt tại Phù Đồng hay trạm bơm nước sạch xã Kim Lan huyện Gia Lâm. Thực tế cho thấy rõ những lãng phí không đáng có, từ việc triển khai đến việc vận hành cỗ máy... nếu không có sự tính toán khoa học sẽ một lần nữa để người dân mừng... hụt.