Hàng trăm xác lợn chết lềnh bềnh trôi sông, ngành nông nghiệp kiến nghị Công an vào cuộc

ANTD.VN -T ừ giữa tháng 4/2019 đến nay, trên khu vực sông Hóa đã phát hiện hàng trăm xác lợn chết nổi lềnh bềnh, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi. 

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình chỉ đạo việc người dân không vứt lợn bị dịch bệnh ra ngoài môi trường.

Theo đó, Bộ NN&PTNT thông tin, báo cáo của Chi cục Thú y vùng II cho thấy, từ giữa tháng 4/2019 đến nay xuất hiện nhiều xác lợn chết dạt vào khu vực cầu phao sông Hóa (giữa xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và cầu phao dân sinh - cầu ông Khởi (giữa xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn bị bệnh trôi sông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh

Trong đó, ngày 20/4/2019, chính quyền và các cơ quan liên quan của TP Hải Phòng đã thu gom xác lợn chết, chôn hủy gần 300 xác lợn; ngày 25/4/2019, các cơ quan của TP Hải Phòng tiếp tục phát hiện, thu gom và chôn hủy 25 xác lợn tại dọc tuyến sông Hóa (khu vực cầu phao sông Hóa và cầu ông Khởi).

Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình đến kiểm tra tại các địa điểm nêu trên và tiếp tục phát hiện hơn 10 xác lợn chết ở bên cạnh cầu phao sông Hóa.

Mặt khác, theo phản ánh của nhân dân khu vực xung quanh hiện tượng này đã diễn ra liên tục nhiều ngày qua.

Kết quả các đợt kiểm tra, xử lý chôn xác lợn cho thấy nhiều xác lợn đã chuyển màu vàng, phần lớn đã bị phân hủy, bốc mùi, không xác định được nguyên dạng, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh; nhận định xác lợn từ các địa phương có liên quan như các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và TP Hải Phòng, qua nhiều ngày trôi dạt về sông Hóa và các cầu phao nêu trên.

Để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình chỉ đạo quyết liệt UBND cấp huyện, cấp xã huy động các lực lượng của địa phương chức phát hiện, kịp thời tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; chấm dứt ngay tình trạng nêu trên.

Đồng thời, giao lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi bị bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Trong khi, dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành dữ dội tại một số vùng chăn nuôi lớn ở miền Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… thì mới đây, dịch tả lợn châu Phi đã “tấn công” thủ phủ nuôi lợn của cả nước, đó là tỉnh Đồng Nai.

Tuy vậy, dư luận đang cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan, chưa được kiểm soát như hiện nay là tâm lý giấu dịch, tự xử lý.

Cục Thú y, Bộ NN&PTNT có dấu hiệu chậm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, từ ngày 18/4 tới nay, Cục này chưa phát ra thêm bất kỳ một bản thông cáo nào về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Còn tại địa phương thì tâm lý giấu dịch càng nặng hơn.

Điển hình là vừa qua tại Đồng Nai, dù ngành nông nghiệp đã xác nhận xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi, nhưng thông tin ban đầu đã bị phủ nhận, lãnh đạo tỉnh cho rằng, đàn lợn bị bệnh tai xanh, không phải dịch tả. Chỉ khi có kết quả rõ ràng thì tỉnh Đồng Nai mới công bố 2 ổ dịch, nhưng đã được khống chế nhanh, thành công!