Hàng trăm người tị nạn Syria cầu cứu ông Putin để được sang Na Uy

ANTĐ - Hơn 500 người tị nạn Syria đã bị mắc kẹt ở biên giới giữa Nga và Na Uy trong điều kiện thời tiết cực kỳ lạnh giá.

Theo trang tin tức FlashNord, từ hôm 29-10 đến nay, đã có hơn 500 người tị nạn Syria  bị mắc kẹt lại ở biên giới giữa Nga và Na Uy, ở khu vực phía bắc vùng Murmansk.

Báo cáo cho hay, khoảng 100 người tị nạn đã gửi thư cho ông Vladimir Putin, yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp sau khi họ bị lính biên phòng phía biên giới của Nga, tại trạm kiểm soát Borisoglebsk từ chối không cho sang Na Uy, khiến những người này bị mắc kẹt trong giá rét. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Tổng thống Nga Putin trả lời đề nghị này của người tị nạn Syria ra sao.

Trang dự báo thời tiết Gismeteo hôm 29-10 cho biết, nhiệt độ ngoài trời lúc đó ở Nikel - thị trấn gần nhất với trạm kiểm soát - ở trạng thái đóng băng khiến cho một số người tị nạn đã bị cảm lạnh. Thời tiết những ngày hôm sau tiếp tục cực kỳ giá lạnh.

Mặc dù không phải là một thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng Na Uy là một thành viên của khu vực Schengen, mà tại khu vực này người tị nạn Syria có thể đi qua Na Uy một cách tự do để tới các nước châu Âu khác.

Hàng trăm người tị nạn Syria ở Nga đã đạp xe đến trạm kiểm soát Borisoglebsk để sang Na Uy

Được biết, Hiệp ước Schengen là Hiệp ước quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của 1 trong số các thành viên Schengen là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực này.

Hành trình vào châu Âu qua Nga cũng là một giải pháp an toàn hơn đối với nhiều người tị nạn Syria, mặc dù dài hơn khi đi qua Địa Trung Hải.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Na Uy, ông Anders Anundsen cho biết trên đài truyền hình NRK hồi đầu tháng này rằng, nước ông sẽ yêu cầu người tị nạn Syria quay trở về Nga nếu họ đã sống ở đó trong một thời gian dài trước khi đi đến Na Uy.

Bộ trưởng Anders Anundsen - vốn là một người xuất thân từ Đảng Progress - đảng chủ trương bài xích sự nhập cư cho rằng, những người này đã được an toàn ở Nga, không phải chạy trốn vì chiến tranh hay đói nghèo, thiếu thốn. Na Uy đã đạt được một thỏa thuận với Nga về việc gửi trả lại những đối tượng này.

Theo trích dẫn của Cục xuất nhập cảnh Na Uy, trong năm nay đã có khoảng 1.200 người tị nạn đã vào nước này, qua con đường Liên bang Nga.