Hàng trăm nghìn người nhập viện vì nước bẩn

ANTĐ - Mỗi năm, nước ta có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp liên quan đến nguồn nước phải nhập viện. Thiếu nước sạch cũng là nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe tới ít nhất 1 triệu người. Thế nhưng, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng nước sạch trên cả nước nói chung và tại các đô thị lớn nói riêng vẫn còn rất nhiều yếu kém.

Hàng trăm nghìn người nhập viện vì nước bẩn ảnh 1Nguồn nước không đảm bảo an toàn luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng
(Chụp tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) Ảnh: PHÚ KHÁNH

Số mẫu nước không đạt chiếm tỷ lệ cao

Cuối tuần qua, tại hội nghị tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nguồn nước không đảm bảo an toàn luôn là mối de dọa lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Bình quân mỗi năm ở nước ta, có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp liên quan đến nguồn nước phải nhập viện. Thiếu nước sạch cũng gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Thống kê trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD... Vậy nhưng trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước chưa chặt chẽ, năng lực phòng thí nghiệm và năng lực cán bộ làm công tác giám sát, xét nghiệm nước còn hạn chế. 

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế dẫn chứng: Có 21,6% mẫu nước sạch từ các nhà máy nước quy mô trên 1.000m3/ngày đêm không đạt yêu cầu vệ sinh chung. Ở các cơ sở cấp nước quy mô dưới 1.000m3/ngày đêm, tỷ lệ này lên tới trên 27%. Theo phân tích của Cục Quản lý môi trường y tế, đối với việc xét nghiệm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, hiện nay, hầu hết Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ tiến hành giám sát ngoại kiểm và xét nghiệm được đối với các chỉ tiêu nhóm A của QCVN 01:2009/BYT. Chỉ có một số ít TTYTDP xét nghiệm được các chỉ tiêu nhóm B (asen, amoni, kim loại nặng...) và hầu như chưa giám sát được đối với các chỉ tiêu nhóm C (bao gồm các chỉ tiêu về chất hữu cơ, hoá chất khử trùng và sản phẩm phụ, hoá chất bảo vệ thực vật). 

Ngay cả với những chỉ tiêu đã xét nghiệm được thì công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Tại Hà Nội, năm 2014, TTYTDP thành phố đã xét nghiệm 406 mẫu nước ở 107 cơ sở cấp nước tập trung thì phát hiện đến hơn 100 mẫu không đạt tiêu chuẩn lý, hóa học. Đặc biệt, tại 31 nhà chung cư, tập thể, TTYTDP thành phố làm xét nghiệm 118 mẫu nước thì có đến 23 mẫu không đạt về hóa học, 34 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh. Điển hình như vụ mẫu nước lấy tại Khu đô thị Nam Đô (quận Hoàng Mai) không đạt các chỉ số an toàn hay mẫu nước lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) chứa hàm lượng asen cao gấp đôi mức cho phép... Mặc dù các công ty cấp nước, các đơn vị có trách nhiệm nói trên đều đã nhanh chóng, nghiêm túc xử lý, khắc phục để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho dân, song những vụ việc như vậy khiến người dân càng thêm lo ngại.

Phải xử lý nghiêm khắc

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lo ngại nhất vẫn là chất lượng nước cấp từ những cơ sở sản xuất nước nhỏ lẻ, trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Qua kiểm tra, giám sát chất lượng nước cũng cho thấy, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. 

Bộ Y tế cũng cho rằng, khó khăn và thách thức lớn nhất là do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong việc kiểm tra chất lượng nước. Có những cơ sở cấp nước tập trung được thanh tra, kiểm tra nhiều lần, song lại có những cơ sở không được kiểm tra dẫn đến lãng phí nguồn nước và ngân sách. Bên cạnh đó, các ngành khi xét nghiệm đánh giá chất lượng nước lại sử dụng các labo và phương pháp xét nghiệm khác nhau dẫn đến nhận định kết quả khác nhau. Đó là chưa kể việc xử lý sai phạm cũng chưa thật sự nghiêm khắc. “Trên thực tế, dù đã phát hiện các đơn vị cung cấp nước vi phạm nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng đề cập đến việc xử lý như thế nào. Nếu đầu vào của nguồn nước ngầm không quản lý được, nhà máy cung cấp nước cũng không quản lý được nốt thì rất nguy hiểm, do đó cần giám sát chặt chất lượng nước và xử lý mạnh tay khi phát hiện sai phạm” – GS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.

Trước thực trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc rà soát các văn bản pháp luật và các tiêu chí để quản lý chất lượng nước, nhất là cần minh bạch hóa tình trạng nước sạch tại mỗi trạm cấp nước và công bố công khai hàng tháng, hàng quý. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm tra chất lượng nước và cần gắn trách nhiệm đảm bảo nước sinh hoạt đối với đơn vị cấp nước và chủ đầu tư tại các khu đô thị.