Hàng rong tung hoành trên đường Láng mở rộng

ANTD.VN - Đường Láng (phần tiếp giáp với sông Tô Lịch) đang trong quá trình mở rộng với tổng chi phí lên tới hơn 64 tỷ đồng. Mặc dù con đường này chưa được hoàn thiện, nhưng thời gian gần đây những hàng quán bán rong đã thay nhau đổ bộ và mặc sức tung hoành.

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, hàng rong xuất hiện tại đường Láng bắt đầu từ gần trưa cho tới hết khung giờ tan tầm. Do đây là tuyến đường rộng, mật độ giao thông cao nên những xe hàng bán hoa quả, túi xách, ba lô hay các quầy bán mũ bảo hiểm xếp thành hàng ngay giải phân cách để chào mời khách qua đường.

Vừa mới mở rộng, nhưng hàng rong bán mũ bảo hiểm, ba lô, túi xách... đã tràn ngập trên đường Láng

Không những vậy, những người bán hàng này còn kéo theo đủ các loại ô dù, bàn ghế tạm bợ để trưng bày, che chắn cho từng loại mặt hàng của mình. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người tham gia giao thông bị che khuất tầm nhìn, gây cản trở giao thông. Việc bán hàng này còn tiềm ẩn các nguy cơ gián tiếp gây ra tai nạn khi người  đi đường dừng xe đột ngột để mua hàng khiến cho các phương tiện phía sau không thể xử lý kịp.

Theo phản ánh của các hộ dân sống xung quanh khu vực này thì việc các gánh hàng rong xuất hiện ở phần đường mới mở đã kéo dài được một thời gian. Tuy nhiên vì đây là tuyến đường dài, lại đi qua 4 phường là Ngã Tư Sở, Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang nên việc xử lý triệt để để vẫn chưa thực hiện được.

Bà Phạm Thúy ở ngõ 1194 đường Láng cho hay: “Vào lúc tan tầm, các bà nội trợ đi qua con đường này rất hay dừng xe ghé vào mua đồ của những gánh hàng rong. Chỉ cần 3-4 người dừng xe 5 phút thôi là lập tức đoạn đường bị ùn tắc cục bộ. Xe cộ ùn ứ, tiếng còi inh ỏi, rồi người ta cãi cọ, mắng mỏ lẫn nhau vô cùng lộn xộn. Tôi không hiểu sao việc gây mất an toàn và trật tự đô thị rành rành như vậy mà các cơ quan chức năng không dẹp bỏ và xử lý?”.

Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, bà Phạm Thị Bích ở 850 đường Láng lại ngán ngẩm cho rằng, nếu chỉ một phường ra tay dẹp hàng rong trên tuyến đường Láng thì chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Bởi hầu hết hàng rong đều sử dụng xe đạp, xe máy thồ và hoạt động theo kiểu “du kích”. Nghĩa là, cứ đầu này đuổi thì đầu kia họ lại chạy sang địa phận phường khác. Dẹp hôm trước thì hôm sau họ lại xuất hiện. Còn người qua đường thiếu ý thức cử tiện đâu mua đấy thì hàng rong vẫn còn đất sống.

“Năm ngoái, khi Hà Nội triển khai lệnh cấm bán hàng rong, trả lại không gian sạch sẽ cho những phố phường Thủ đô, nhiều gánh hàng rong đã dần dần trở về quê, chuyển nghề mưu sinh khác. Tuy nhiên, đây là việc làm cần phải “dài hơi” bởi thực tế là gần đây, khi chính quyền các địa phương không còn “mạnh tay” trong việc xử lý thì câu chuyện cũ lại bắt đầu tái diễn. Và Hà Nội, mà cụ thể là con đường Láng này bắt đầu nhếch nhác trở lại” – bà Bích nói.