Hàng rào ngăn trái cây "đội lốt"

ANTD.VN - Trái cây bán rong hoặc bán tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, để trực tiếp xuống nền đất vẫn hiện diện trên khắp các đường phố Hà Nội.

Theo Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” (gọi tắt Đề án quản lý trái cây), thành phố sẽ thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm: các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn... trên các tuyến phố, khu dân cư tại 12 quận nội thành. Động thái này có lập lại được trật tự hoạt động kinh doanh trái cây khá lộn xộn lâu nay?

Hàng rào ngăn trái cây "đội lốt" ảnh 1Các sạp hàng trái cây cũng sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh

Trái cây không “giấy tờ tùy thân”

Là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày nên trái cây tươi đang được bán ở bất cứ đâu, từ cửa hàng tạp hóa, sạp hàng chuyên kinh doanh trái cây tới hàng rong, sạp kinh doanh tại chợ hay trên đường phố. Hình ảnh thường thấy tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) hay một số tuyến đường vành đai của Hà Nội là các hàng bán dưa hấu, dừa… đổ đống. Các loại quả này đều được giới thiệu bằng mấy chữ nguệch ngoạc: “Dưa hấu Sài Gòn”, “Dừa xiêm Bến Tre” mà không có bất kỳ thông tin nào khác. 

Trong khi đó, tại các chợ Phùng Khoang, Dịch Vọng, bên cạnh một số sạp kinh doanh trái cây có kệ, giá đỡ thì nhiều loại trái cây như: xoài, chanh leo, dưa chuột, cam… lại được bày bán ngay trên chiếc bao tải rách đặt trực tiếp xuống nền đất. Quả vừa chín tới, quả còn xanh, quả dập nát trộn lẫn với nhau.

Chị Phạm Thị Trà (kinh doanh trái cây tại chợ Phùng Khoang) cho hay: “Tiền nào của ấy, hoa quả bình dân thì chúng tôi chỉ bán thế này. Khách lẻ ưng thì mua, rửa sạch ăn vẫn ngon. Quán nước, quán cà phê họ thích chọn hàng này vì giá phải chăng”.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thúy Mai (nhân viên văn phòng tại đường Nguyễn Trãi) cho hay: “Tôi vẫn sử dụng hoa quả bán tại các chợ, các cửa hàng bên đường hoặc hàng rong vì phù hợp với thu nhập. Mặt khác, không chắc hoa quả bán tại các cửa hàng chuyên doanh có tủ bảo quản lạnh, có tem nhãn đã đảm bảo. Không loại trừ trường hợp họ vẫn mua trái cây từ chợ đầu mối về rửa sạch, dán tem mác và bán với giá cao hơn”.

Lâu nay, người tiêu dùng vẫn mua trái cây theo thói quen. Ngoại trừ những người có thu nhập khá trở lên thường xuyên đi siêu thị hoặc mua trái cây tại các cửa hàng chuyên doanh trái cây nhập khẩu, đại đa số người dân ghé vào cửa hàng quen bên đường hoặc tại chợ để mua, rất ít khi để ý đến điều kiện vệ sinh, bảo quản hay các yêu cầu khác về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. 

Thói quen của người tiêu dùng là một phần nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh trái cây khó lập trật tự và khiến cho trái cây Trung Quốc “đội lốt” trái cây Việt Nam, thoải mái tung hoành tại thị trường Việt Nam.

Không để hàng rong, sạp trái cây tự phát

Theo Đề án quản lý trái cây, các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc nội thành sẽ phải đảm bảo các tiêu chí về: logo nhận diện; giấy phép kinh doanh; đáp ứng điều kiện nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh, điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây. Trong đó, các cửa hàng cần có tủ bảo quản lạnh; lưu giữ hóa đơn chứng từ hàng nhập về, bán đi; giấy tờ chứng minh xuất xứ, đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Anh Nguyễn Hữu Thông - chủ cửa hàng kinh doanh trái cây trên đường Trần Duy Hưng cho biết: “Nếu các cửa hàng đáp ứng được điều kiện nêu trên thì quá lý tưởng, vì người tiêu dùng sẽ được tiêu dùng sản phẩm an toàn, vệ sinh hơn. Nhưng người kinh doanh như chúng tôi phải tính chuyện đầu tư trang thiết bị, mà việc này không làm ngay được”.

Đồng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Minh Hiền (chủ cửa hàng trái cây trên phố Nghĩa Tân) băn khoăn: “Các cửa hàng trái cây phải đầu tư trang thiết bị và bị quản lý chặt, vậy còn các sạp trái cây ven đường, các hàng rong, họ có bị quản lý hay vẫn để tự phát như lâu nay”?

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc thực hiện Đề án quản lý trái cây vẫn còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng thuộc diện quản lý, việc đầu tư trang thiết bị là tốn kém nên sẽ được khuyến khích, thực hiện từng bước một kết hợp với tuyên truyền thay đổi thói quen của người tiêu dùng, để họ tìm đến các điểm bán hoa quả an toàn. Với hàng rong bán trái cây, bà Trần Thị Phương Lan cho biết: “Về lâu dài, hàng rong và các điểm bán hoa quả tự phát cũng cần vào bán tại các chợ. Tại đây, họ cần có quầy kệ, chứ không thể cứ vứt hoa quả xuống đất, quả hỏng, quả thâm lẫn lộn. Lâu dài, người tiêu dùng cũng sẽ đòi hỏi các quyền lợi chính đáng này”.

“Về lâu dài, hàng rong và các điểm bán hoa quả tự phát cũng cần vào bán tại các chợ. Tại đây, họ cần có quầy kệ, chứ không thể cứ vứt hoa quả xuống đất, quả hỏng, quả thâm lẫn lộn. Lâu dài, người tiêu dùng cũng sẽ đòi hỏi các quyền lợi chính đáng này”.

Bà Trần Thị Phương Lan (Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội)