Hàng nội vẫn yếu thế trên sân nhà: Đừng vì lợi nhuận trước mắt

ANTĐ - Sau 3 năm 6 tháng thực hiện chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã có những thành công nhất định, song theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, vẫn khó để hàng Việt Nam len lỏi vào đời sống do yếu kém trong khâu phân phối bán lẻ. 

Hàng nội cần thêm nhiều nỗ lực cạnh tranh, thuyết phục người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Hàng ngoại, hàng lậu thắng thế

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam (Vinatexmart) cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN hàng tiêu dùng có sức cạnh tranh rất thấp, trong khi tuổi đời của DN Việt Nam quá trẻ, vốn ít, không thể so sánh với các DN ngoại. “Kinh nghiệm thương mại của một bộ phận lớn doanh nghiệp rất ít ỏi, hoạt động quảng bá lại e dè vì bị ràng buộc. Trong khi, các thương hiệu nước ngoài dù đã lớn vẫn tuyên truyền mạnh. DN nội năng lực nhỏ, sức cạnh tranh yếu kém trong khi lại không được quyền truyền thông mạnh thì đến bao giờ mới phát triển được?”, bà Dung đặt câu hỏi.

Thêm vào đó, công nghệ sản xuất trong nước còn lạc hậu, năng suất thấp, khó có thể cạnh tranh về mặt giá thành, mẫu mã. Bà Dung nhìn nhận: “Hiện, các DN như chúng tôi đang đi xuống, nhất là DN sản xuất hàng tiêu dùng”. Với chính sách đưa hàng Việt về nông thôn, bà Dung cho biết, mặt hàng dệt may không đủ năng lực tài chính để mở hệ thống. Mặc dù, hầu hết các DN dệt may đều có quyết tâm cao, hơn nữa, phong trào này cũng tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Một cái khó nữa cho hàng Việt theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đó là áp lực hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng về nước quá nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra gần 4.000 vụ việc, song, nếu không siết chặt từ cửa khẩu, mà cứ bắt xử phạt theo kiểu thả gà ra đuổi thì không xuể. “Kiểm soát vùng biên của chúng ta còn quá lỏng lẻo, lực lượng mỏng, chưa tương xứng để có thể ngăn chặn được tình hình buôn lậu đang nóng lên từng ngày”, bà Mai nêu ý kiến.

DN và người tiêu dùng chưa thực sự vào cuộc

Cũng theo bà Mai, để hàng Việt có thể trở lại thị trường trong 6 tháng cuối năm, cần phải tuyên truyền đến các DN và người tiêu dùng. Đến thời điểm này vẫn còn một bộ phận DN chưa mặn mà với cuộc vận động. “Cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ ngân sách, chỉ đạo quyết liệt nhưng một bộ phận DN lớn chưa mặn mà tham gia, mà nhượng quyền cho các tổng đại lý. Họ không nhiệt tình, không có trách nhiệm, mà chỉ tính toán lợi nhuận trước mắt”. Nhiều DN còn bán hàng cửa quyền, thông qua đại lý với mức giá bất hợp lý, tự tung tự tác đẩy giá lên cao, khiến sản phẩm giá đã cao lại càng cao hơn. Trong khi phương thức kinh doanh không linh hoạt, làm cho người tiêu dùng, người kinh doanh lẻ chuyển sang hàng nhập khẩu. Có lẽ vậy, mà hàng nhập khẩu hiện xâm nhập sâu rộng trên khắp thị trường bán lẻ.  

Mặc dù tại thị trường nông thôn, hàng ngoại len lỏi khắp nơi, song theo bà Dung, DN Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển ở những vùng trắng. “Người dân nông thôn thiếu hàng hóa tiêu dùng nên rất ủng hộ hàng Việt khi đưa về đây. Dù có nhiều nơi, hàng ngoại đã lấn sân nhưng chúng ta vẫn còn đất nếu biết mở rộng thị trường, tranh thủ thời cơ, mở rộng kênh phân phối, mạng lưới đưa hàng về vùng trắng. Dù ban đầu chưa mạnh nhưng dần dà sẽ đủ sức để ngăn chặn đà xâm nhập của hàng ngoại”, bà Dung cho biết.  Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã làm thay đổi ý thức, hành vi tiêu dùng. Bà Dung cho hay, “tôi cảm nhận sau cuộc đo lường hành vi tiêu dùng thì người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, cuộc vận động của mình chưa sâu, chưa ăn vào trong máu”. 

Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hàng Việt tiếp tục được người  tiêu dùng Việt ưa chuộng thì các DN sản xuất phải có ý thức cao khi làm ra sản phẩm, không chỉ vì thương hiệu của DN mà vì thương hiệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất, hạ giá thành mới có thể cạnh tranh được trong bối cảnh hàng ngoại giá rẻ, mẫu mã đẹp tràn ngập thị trường như hiện nay.